Hành động để xóa bỏ bất bình đẳng giới

Chia sẻ

Bất bình đẳng giới được xem là nguyên nhân sâu xa nảy sinh bạo lực và khiến bạo lực tồn tại sâu trong gia đình và xã hội. Nạn nhân của bất bình đẳng giới chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nam giới được xem là thủ phạm chính. Điều này bộc lộ rõ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi thế giới đã và đang trải qua.

Phụ nữ, trẻ em - nạn nhân bị bạo lực trong thiên tai, dịch bệnh

Trong thời gian qua, khi thế giới gồng mình chống đại dịch Covid-19, một hiện thực xã hội theo đó lộ diện. Đó là tình trạng bạo lực gia đình gia tăng đột biết, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vốn tồn tại trước đó đã trở nên càng trầm trọng hơn. Các báo cáo gần đây liên quan đến Covid-19 đã chỉ ra rằng những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự, cùng với áp lực cũng như căng thẳng về kinh tế-xã hội hiện tại hoặc đang gia tăng đối với các gia đình, đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Ở nhiều quốc gia, số trường hợp bạo lực gia đình ước tính đã tăng lên ít nhất 30%.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara (thay mặt 3 cơ quan Liên Hợp Quốc) ký thỏa thuận hợp tác về dự án mớiĐại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara (thay mặt 3 cơ quan Liên Hợp Quốc) ký thỏa thuận hợp tác về dự án mới

Tại Hội nghị đặc biệt trực tuyến quốc tế về các biện pháp bảo vệ, phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN tổ chức vào ngày 5/6/2020 cho thấy: Trong giai đoạn vừa qua có hơn 1,5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng bởi các trường học bị đóng cửa. Bạo lực gia đình gia tăng nhiều nơi trên thế giới. Cụ thể, tại các điểm cầu trực tuyến của Hội nghị đã nên lên những con số như: Tại Trung Quốc, số vụ bạo lực gia đình được trình báo ở một đồn cảnh sát tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc tăng gấp 3 lần vào tháng 2/2020 so cùng kỳ năm trước.

Ở Sydney, số vụ bạo lực tăng hơn 30% trong những tháng vừa qua so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu tại các nước châu Âu bị ảnh hưởng do đại dịch cũng tương tự như vậy. Ở Singapore, bạo lực gia đình cũng gia tăng đột biến trong thời gian giãn cách xã hội. Thông tin về hậu quả từ tình trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng bạo lực làm tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội của nạn nhân không chỉ tức thời mà lâu dài. Hậu quả của bạo lực không chỉ ảnh hưởng tới bản thân trẻ em và gia đình mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội.

Số liệu của một nghiên cứu về hậu quả của bạo lực tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho thấy tổng thiệt hại kinh tế của vấn đề bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt liên quan đến sức khoẻ và hậu quả của các hành vi gây nguy hại sức khoẻ lên tới 209 tỷ USD (2012) hoặc gần 2% GDP của khu vực.

Tại Việt Nam, Đường dây nóng 1900 969 680 của Ngôi nhà Bình yên (nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và Đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh dương 1800 1769 (do UNFPA hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) đã nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước đó. Theo báo cáo, những nguy cơ về xâm hại thể chất, tình dục và xâm hại tình dục trẻ em đã gia tăng đáng kể. Các trường học đóng cửa và các biện pháp cách ly xã hội khiến trẻ em bị cô lập và đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro; đe dọa sự an toàn của trẻ em, cũng như quyền được phát triển và học tập trong một môi trường an toàn và được bảo vệ không bị nguy hiểm. Trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm gây bạo lực và những kẻ lạm dụng đều là người thân quen với trẻ em. Khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến trẻ em của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam cũng cho thấy, 48% trẻ tham gia khảo sát gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Có 32,5% số trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm trong thời gian này.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng để phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, các quốc gia trong khu vực tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho nhân viên công tác xã hội. Ngoài ra, các quốc gia nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ ASEAN bị bạo lực vượt qua khủng hoảng.

Triển khai hành động ứng phó

Việc nhanh chóng triển khai các chương trình hành động để giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là cần thiết trong bối cảnh trong và sau đại dịch Covid-19 đối với các quốc gia.

Tại Việt Nam, ngày 17/6, một dự án mới nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam - một hoạt động ứng phó ưu tiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được Chính phủ Australia, UNFPA, UNICEF và UN Women chính thức khởi động. Các cơ quan đồng thực hiện dự án bao gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm CSAGA và các cơ quan khác có liên quan. Mục đích của Dự án là hỗ trợ Chính phủ và các tổ chức xã hội tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó quốc gia nhằm đương đầu với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, có thể sống một cuộc sống không có bạo lực.

Các đại biểu tham gia Lễ công bố dự án nói “KHÔNG” với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ emCác đại biểu tham gia Lễ công bố dự án nói “KHÔNG” với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam nói: “Bằng chứng cho thấy bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới gia tăng trong các cuộc khủng hoảng và thảm họa thiên tai. Trong đại dịch Covid-19, vấn đề mất việc làm và cách ly tại nhà đã khiến tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay tại Australia, Chính phủ Australia đã tăng ngân sách để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình xảy ra trong thời kỳ Covid-19. Australia cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để bảo đảm cuộc sống của phụ nữ và trẻ em được an toàn hơn trong giai đoạn ứng phó với Covid-19”.

Theo chương trình ký kết của dự án, Chính phủ Australia sẽ hỗ trợ 2,5 triệu đô-la Úc để thực hiện các hoạt động trong vòng 1 năm tới. Đây là một phần trong gói ngân sách 10,5 triệu đô-la Úc mà Chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam trong công tác ứng phó với Covid-19.

Dự án nhằm nâng cao nhận thức của người dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái, nam giới và trẻ em trai, cha mẹ/người chăm sóc, trẻ em và trẻ vị thành niên về nguy cơ bạo lực trong gia đình, tại các trung tâm, các khu cách ly. Các hoạt động hỗ trợ tăng cường đối với nạn nhân của bạo lực sẽ được thực hiện tại bốn tỉnh/thành bao gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, là những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19 trong những tháng qua. Những hoạt động này nhằm đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận tới các dịch vụ tích hợp và thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực. Các cách tiếp cận sáng tạo có tính đến bối cảnh đặc biệt do Covid-19 gây ra sẽ được đưa vào công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ và được thực hiện với sự hợp tác của các siêu thị, nhà thuốc và khách sạn.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Việt Nam sẽ không thể đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 nếu không giải quyết được bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Khi chúng ta giải quyết được vấn đề này thì chúng ta sẽ đảm bảo được tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án mới này sẽ là một đột phá nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam”.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.