Khám chữa bệnh từ xa: Còn gặp "khó"

Chia sẻ

Bộ Y tế vừa phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh (KCB) từ xa, với kỳ vọng nâng cao chất lượng KCB tuyến dưới, củng cố niềm tin của người dân với bệnh viện, giảm thời gian, kinh phí đi lại cho người bệnh... Tuy nhiên, thực tế triển khai đề án này còn nhiều khó khăn.

Các chuyên gia đầu ngành trên cả nước hội chẩn trực tuyến phương pháp điều trị cho BN91Các chuyên gia đầu ngành trên cả nước hội chẩn trực tuyến phương pháp điều trị cho BN91 (Ảnh: Lê Hảo)

Công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng Đề án xuất phát từ hai mục tiêu căn bản: Tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ khi cần thiết và thường xuyên, góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn giữa tuyến trung ương và địa phương; Mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết... Qua đó tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến.

Thực tế, phương pháp KCB từ xa đã phát huy nhiều tác dụng, đặc biệt trong thời gian Covid-19 vừa qua, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở KCB. “Qua dịch Covid-19 càng khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa mà bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân 91) đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy là một ví dụ điển hình”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Hay như BV Đại học Y Hà Nội, thông qua mô hình khám chữa bệnh từ xa đã hỗ trợ y tế cơ sở điều trị rất nhiều ca bệnh nặng, phức tạp. Điển hình là nam bệnh nhân (65 tuổi, ở Lào Cai) bị ứ mủ màng phổi, suy hô hấp. Nhờ các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội hướng dẫn các bác sĩ ở BVĐK Mường Khương thực hiện dẫn lưu màng phổi qua telehealth, nam bệnh nhân đã được cứu sống.

Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, nền tảng hỗ trợ tư vấn, KCB từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị chưa được nâng cao về chuyên môn. KCB từ xa không thể thay thế tuyệt đối phương pháp truyền thống, nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến BV, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ BV cơ sở đến BV trung ương, đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh.

Cần có chính sách chi trả bảo hiểm y tế rõ ràng

Từ thực tế triển khai, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: Việc KCB từ xa hiện đã được BV Đại học Y Hà Nội triển khai đến tận tuyến huyện. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai là cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện KCB từ xa hiện chưa đủ. Đáng chú ý, việc chi trả BHYT cho bệnh nhân cần rõ ràng để tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, đồng thời bảo vệ quỹ bảo hiểm y tế, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Chưa kể, "các BV đề xuất KCB từ xa hầu hết ở các địa phương rất khó khăn về đi lại cũng như về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, để kết nối. Hiện cũng chưa có chính sách cụ thể, chưa có kinh phí cho mô hình này, nên BV Đại học Y Hà Nội phải tự xoay sở trong nguồn kinh phí của BV để hỗ trợ các BV tuyến dưới" - PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BV Đại học Y Hà Nội) nói.

TS. BS. Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng phân tích: Hiện việc triển khai KCB từ xa còn gặp không ít khó khăn do các yếu tố tác động từ bên ngoài (mất sóng, trang thiết bị kém); phải đảm bảo vấn đề về pháp lý cho bác sĩ (bác sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào khi khám bệnh từ xa cho bệnh nhân khi không được thăm khám trực tiếp); chi trả cho các bác sĩ như thế nào để đảm bảo công tác KCB hàng ngày ở bệnh viện.

Ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) khẳng định: “Nếu quy định được giá cụ thể của từng loại hình KCB từ xa thì BHYT sẽ thanh toán được. Sau khi tính toán giá phải xác định đối tượng chi trả tư vấn KCB từ xa” Nhưng đến thời điểm hiện tại, dù đã có quy định để chi trả cho KCB từ xa, chúng ta vẫn thiếu quy định xây dựng giá cho từng loại hình. Nếu không đưa BHYT vào Đề án thì không thể thanh toán được chi phí.

YÊN HƯNG 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.