Làm bà ở tuổi 75

Chia sẻ

Tính tới nay, tôi đã có thâm niên 18 năm làm bà. Cứ tưởng là mình đã thành thạo lắm, nhưng càng ở bên các cháu, tôi càng thấy, quá trình học hỏi để làm một người bà tốt không bao giờ dừng lại.

1. Phải biết “dừng lại” đúng lúc

18 năm trước, khi con gái dâu cả sinh “con đầu cháu sớm”, tôi hãy còn khỏe mạnh. Mình tôi chăm sóc hai mẹ con, đêm tối bế cháu để mẹ nó ngủ cho lại sức. Rồi lần lượt cháu thứ 2, thứ 3 chào đời cũng đều qua tay tôi. Đến đứa cháu thứ 4, tôi thấy việc trông trẻ bắt đầu quá sức. Tôi đã không còn nhanh nhẹn nữa, ngày 3 buổi nấu cơm bà đẻ, tắm cho cháu, lau dọn nhà cửa… tôi chỉ muốn khuỵu xuống. Nhưng, để mặc các con loay hoay thì tôi không đành. Cuối cùng, tôi bàn với các con thuê thêm người giúp việc, tôi hỗ trợ các con một phần chi phí thuê người.

Tôi rút ra bài học, dù mình có thương cháu và đảm đang đến đâu, thì cũng đến lúc nên dừng lại. Mình cần tìm được giải pháp hài hòa, để vẫn giúp được các con mà không cảm thấy việc trông cháu trở thành gánh nặng.

2. Không áp đặt mong muốn lên cháu

Làm bà, tôi xác định mình chỉ là “nhân vật phụ”, còn việc dạy dỗ các cháu như thế nào, bố mẹ chúng có trách nhiệm chính.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chồng tôi là nhà giáo, ông ấy có mơ ước sau này con cháu sẽ nối nghiệp mình. Ông ấy có thể nhờ học trò cũ xin cho các cháu vào dạy ở một trường học công lập nào đó. Thế nhưng, cháu đầu của tôi lại chọn học trung cấp nấu ăn vì muốn sau này trở thành thợ pha chế cocktail. Cháu cũng không muốn dựa vào mối quan hệ của ông bà, bố mẹ mình. Chồng tôi đã rất thất vọng vì cháu học khá, hoàn toàn có khả năng thi đỗ vào trường sư phạm. Tôi đã nói với chồng tôi, hãy chấp nhận chọn lựa của các cháu. Chúng ta đã già rồi, tư tưởng “bao cấp” của ông bà đã không còn hợp với ngày nay nữa.

3. Hãy đối xử công bằng với các cháu

Làm bà của một đàn cháu, không tránh khỏi việc cá nhân tôi hợp tính đứa cháu này hơn đứa cháu kia. Rồi có đứa cháu lanh lợi, khéo mồm, thường nói lời ngọt với ông bà. Nhưng có đứa trầm tính, chỉ chào ông bà được 1, 2 câu rồi thôi. Nhưng, tôi không bao giờ vì thế mà thiên vị tình cảm giữa các cháu. Chỉ là đứa cháu nào mà bố mẹ chúng còn nghèo, tôi sẽ để ý hơn một chút. Thi thoảng, tôi vẫn cho riêng chúng ít tiền để mua quần áo, hay là phụ giúp bố mẹ chúng thêm tiền sinh hoạt phí. Nhưng, tôi thường kín kẽ đưa cho các con khó khăn chứ không để các cháu biết. Với tôi, cháu nào ngoan, biết nghe lời là được bà thưởng, bà khen. Cháu nào còn hư, dù là đích tôn cũng bị phê bình nghiêm khắc. Vì thế mà các cháu đều vui vẻ, khong suy bì tị nạnh nhau bao giờ.

4. Không đợi các cháu “tìm đến với mình”

Mỗi năm, các cháu tôi đều lớn lên, thời gian ở bên ông bà không được nhiều. Trước, chúng có thể cả tuần ăn ngủ ở nhà tôi, nhưng giờ thì đứa nào đứa nấy đều bận học, có khi vài tuần mới qua nhà thăm ông bà được một lần. Tôi không trách cứ chúng. Ngược lại, cháu bận thì bà rỗi, cháu ít đến với bà thì bà sẽ tìm đến với cháu nhiều hơn. Với cháu ở xa, tôi thường xuyên gọi điện tới hỏi thăm tình hình, nhắc các cháu có thời gian thì về với ông bà. Cháu nào ở gần, tôi thi thoảng ghé đến chơi, mang thêm cho cháu đồ này, thức nọ. Nhờ vậy mà bà cháu vẫn giữ được mối liên lạc, không bị xa cách.

5. Sẵn sàng học hỏi để làm người bà đáng yêu của các cháu

Khi còn nhỏ, tôi thường dạy các cháu cách thưa gửi, nói năng, ứng xử trong gia đình. Tôi kể chuyện ngày xưa của mình để truyền tải cho các cháu thông điệp sống nào đó. Khi các cháu lớn dần, tôi lại trở thành “học trò” của cháu mình. Tôi học các cháu từ cách sử dụng điện thoại thông minh, cách “chơi” facebook, zalo, tìm kiếm tin tức trên mạng để cập nhật tin tức. Tôi có hẳn một cuốn sổ, ghi vào đó những bài các cháu dạy mình. Cứ như vậy mà tôi dần tiến bộ, dù còn chậm nhưng không bị con cháu bỏ xa mình.

Tôi thấy, làm bà ở tuổi 75 của tôi, không có nghĩa là luôn đúng và giỏi hơn các cháu. Vì thế, hãy cứ thoải mái, mở lòng mình, tôn trọng và yêu thương các cháu thì sẽ trở thành người bà tốt.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.