Gần 20 năm cứu giúp những mảnh đời cơ cực

Chia sẻ

“Cuộc sống của mình được ổn định hơn những mảnh đời bất hạnh trong xã hội đã là may mắn lắm rồi. Vậy nên, không thể chờ đến khi mình có một cuộc sống đủ đầy, dư giả mới giúp đỡ họ...”- người phụ nữ dáng người bé nhỏ Nguyễn Thị Tuyết Bình chia sẻ với tôi về hành trình gần 20 năm giúp đỡ những mảnh đời cơ cực của mình...

Luôn mong giúp đỡ được mọi người

Chị Nguyễn Thị Tuyết Bình, sinh năm 1982 trong một gia đình không mấy khá giả tại thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trải qua cuộc sống khó khăn từ những ngày còn thơ bé nên chị Bình thấu hiểu hơn ai hết nỗi nhọc nhằn, cơ cực của những mảnh đời nghèo khó. Bởi vậy, chị luôn có sự đồng cảm, yêu thương đối với những người kém may mắn dù khi nghèo khó hay khi cuộc sống đã dư giả. “Ngày mới lập gia đình, vợ chồng tôi vất vả, cơ cực lắm, xoay xở không còn thiếu việc gì, buôn bán từ bó rau mớ cá; có những ngày tôi phải một tay bế con, một tay gắp bán dưa cà muối nên có lẽ vì thế mà hiểu nỗi khổ cực của những người còn nghèo khó”- chị Bình tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Bình (đeo túi đen đứng ngoài cùng bên tay phải) trong buổi đi thăm lăng Bác cùng Lớp học tình thương.Chị Nguyễn Thị Tuyết Bình (đeo túi đen đứng ngoài cùng bên phải) trong buổi đi thăm lăng Bác cùng Lớp học tình thương.

Giống như cái tên của chính mình, chị Bình lựa chọn một cuộc sống đơn thuần, giản dị, lấy yêu thương làm nhựa sống, lấy sẻ chia làm hạnh phúc, làm động lực vươn lên. Từ năm 22 tuổi, bắt đầu bằng những vại dưa, vại cà muối, cho đến nay khi cuộc sống đã ổn định, hơn 16 năm qua, số người được chị Bình giúp đỡ không thể đếm được. 16 năm chị tạo lập được một thói quen hàng ngày, hàng tháng dành dụm tiền bỏ vào lợn đất tích cóp sẻ chia với người khốn khó mà chỉ giữ lại mình một phần vừa đủ sinh hoạt. Chị Bình nói: “Tiền nhiều hay ít là do cách suy nghĩ của mình, cuộc sống phải biết thế nào là đủ. Nếu kiếm được 5 đồng thì giữ 2-3 đồng để lo cho cuộc sống, còn lại nên san sẻ cho những người cần”.

Ở xã Đông Sơn huyện Chương Mỹ có một lớp học tình thương rất đặc biệt, 64 học sinh khuyết tật có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn trong và ngoài huyện theo học văn hóa vào mỗi cuối tuần do cô giáo Lê Thị Hòa thành lập và chủ nhiệm. Gần 20 năm dạy học miễn phí cho những trẻ em khiếm khuyết, người đồng hành cùng cô giáo Lê Thị Hòa yêu thương, dạy bảo, cưu mang các con chính là chị Bình. “Nếu không có Bình thì lớp học tình thương chắc không được như ngày hôm nay”, cô giáo Lê Thị Hòa nói. Cô Hòa kể, tình cờ một ngày đầu năm 2003, gặp chị Bình trong một buổi đi lễ chùa, hai chị em vừa gặp nhưng đã trò chuyện như thể người thân lâu lắm rồi, giống như một mối duyên ‘‘tri kỷ’’. Khi ấy, cô Hòa kể cho chị Bình nghe về lớp học tình thương, về những mảnh đời bất hạnh đang được che chở dưới mái ấm của lớp học. Vậy là từ đó, lớp học tình thương như một phần cuộc sống của chị Bình. Hàng năm, chị Bình đều hỗ trợ và cũng đứng ra vận động bạn bè, chung tay góp sức để cùng chăm lo từ đồ dùng học tập, sinh hoạt đến thực phẩm hàng ngày cho các em và gia đình. Lặng lẽ 16 năm đứng sau cô giáo Hòa, chính tình thương dành cho những em nhỏ thiệt thòi là động lực để chị Bình cố gắng hơn trong cuộc sống. Năm nào khi Tết đến xuân về, chị Bình cũng chuẩn bị “túi nhỏ, túi to” mứt, đường, bánh kẹo, thực phẩm cho các con ăn Tết.

Không chỉ là mẹ của những đứa trẻ khuyết tật tại lớp học chùa Hương Lan, chị Bình còn được nhiều đứa trẻ khác yêu thương như mẹ ruột. Bởi lẽ, nhiều năm nay chị giúp đỡ tất cả học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ được đi học. Từ năm 2006, khi thấy nhiều học sinh có nguy cơ phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí, chị đã bàn với chồng: “Nhà mình cũng còn xoay sở được, có thể bớt ăn, bớt tiêu để giúp cho mấy đứa trẻ được tiếp tục đi học anh ạ”. Từ đó, năm nào chị Bình cũng đều đặn đóng học phí cho các cháu, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập và quần áo mới để các cháu được thực hiện ước mơ đến trường.

Từ năm 2016 đến nay, chị Bình cưu mang 4 cháu bé khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở Hòa Bình với số tiền 1.000.000 đồng mỗi tháng. Ở huyện Quốc Oai - Hà Nội, có cháu Lê Văn Sơn, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, sống lênh đênh cùng gia đình trên thuyền đánh cá ven sông, 10 tuổi chưa được đến trường, bị suy dinh dưỡng nặng, chị Bình đã giúp đỡ cho cháu đi học, hỗ trợ cuộc sống. Đến nay Sơn đã khỏe mạnh, hòa nhập cộng đồng và đang học lớp 3 tại một trường tiểu học. Cùng xóm với Bình có cháu Duy 9 tuổi bị ung thư máu, bố mất sớm, được chị Bình cưu mang, hỗ trợ gần 50 triệu đồng chữa bệnh; bé Thảo 5 tuổi bị tim bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chị Bình cũng ủng hộ tiền để gia đình đưa Thảo đi mổ tim.

Sẻ chia với những người gặp hoàn cảnh khó khăn

Theo lời kể của chị Hòa, trong vùng có gia đình anh Nguyễn Văn Tư ở thôn Đông Cựu xã Đông Sơn, năm lên 6 tuổi, anh Tư bị viêm đa khớp, do không chữa chạy kịp thời nên để lại di chứng nặng nề, đến gần 40 tuổi mới lập gia đình. Gia đình anh là hộ nghèo “có tiếng” trong vùng, gia đình 4 khẩu năm này qua năm khác “chui rúc” trong ngôi nhà chật hẹp hơn 10m2 dột nát. Thương xót cho hoàn cảnh của người đàn ông tật nguyền, năm 2012, chị Bình đã giúp đỡ vợ chồng anh với số tiền 27 triệu để sửa chữa nhà cửa. Hằng năm, chị Bình vẫn đóng tiền ăn nội trú cho 2 đứa con của anh tại trường Mầm non Đông Sơn. Khi nói về chị Bình, anh Tư chỉ nói một câu thật giản dị: “Người đâu mà tốt thế!”, nhưng đã chứa bao nhiêu tình cảm, sự trân trọng dành cho chị Bình.

Chị Đỗ Thị Nguyệt ở thôn Lương Sơn, xã Đông Sơn bị ung thư vú được chị Bình giúp đỡChị Đỗ Thị Nguyệt ở thôn Lương Sơn, xã Đông Sơn bị ung thư vú được chị Bình giúp đỡ.

Cũng ở thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, có gia đình anh Đỗ Hữu Tá - diện hộ nghèo “kinh niên”. Năm 2014, anh Tá bị tai biến, để lại di chứng, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng không thể lao động, người vợ cũng không nghề nghiệp, quanh năm chỉ lủi thủi ở nhà chăm sóc người chồng bệnh tật. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm chị Bình đều đóng học cho hai con của anh từ 6 đến 7 triệu, năm 2015, giúp đỡ gia đình anh 15 triệu và tặng một chiếc tủ lạnh phục vụ sinh hoạt.

Chị Đỗ Thị Nguyệt bị ung thư vú nhiều năm nay, nhà có 6 khẩu, mẹ chồng ốm nằm một chỗ, chị Nguyệt có hai con nhỏ đang tuổi đi học. Từ năm 2016, Bình đóng học cho cả hai cháu, năm nào cũng mua quà Tết và quần áo, giầy dép cho cả gia đình chị Nguyệt và giúp đỡ chị Nguyệt gần 100 triệu đồng đi bệnh viện chữa bệnh.

Quả thực, nếu để kể hết những người mà chị Bình đã đưa bàn tay mình ra cầm lấy và giúp đỡ, có lẽ phải kể mãi như thế không hết. Tấm lòng của chị thật quý giá và hiếm có trong cuộc sống ngày hôm nay.

Chị Bình chia sẻ, trong thời gian tới, chị sẽ cố gắng xây 1 phòng học thật khang trang dành cho lớp học tình thương trên mảnh đất vừa mua để tiếp tục đồng hành với cô giáo Hòa cưu mang những mảnh đời bất hạnh.

TRẦN HUY

 

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.