Vừa vui chơi vừa gắn kết nghĩa thầy trò, tình bạn bè

Chia sẻ

Thời điểm này, các trường học trên địa bàn thành phố đang chuẩn bị bế giảng năm học. Học sinh các cấp sắp sửa đón kỳ nghỉ hè cũng là lúc các bậc phụ huynh tất bật chuẩn bị cho hoạt động liên hoan, dã ngoại nhằm gắn kết chặt chẽ tình cảm của thầy cô giáo với học sinh, phụ huynh học sinh.

Khoảnh khắc đáng nhớ

Sau 9 tháng miệt mài học tập, học sinh các cấp thường dành một ngày để tổ chức liên hoan chia tay. Đó là ngày các em học sinh được “xả hơi” hoàn toàn, không bận tâm về sách vở, các tiết học hay điểm số... Ngày liên hoan cuối năm là dịp để thầy trò ghi lại những khoảnh khắc, kỷ niệm bên nhau sau một năm gắn bó; là dịp để các em học sinh tri ân thầy cô, cha mẹ và người thân, nhất là với các em học sinh cuối cấp. Với ý nghĩa như vậy, ngày liên hoan chia tay ngoài sự có mặt của các nhân vật chính là học sinh, còn có sự tham gia của thầy cô, ông bà, phụ huynh học sinh.

Các hoạt động vui chơi tập thể kết nối các thành viên tạo nên sự hấp dẫn của chuyến đi dã ngoạiCác hoạt động vui chơi tập thể kết nối các thành viên tạo nên sự hấp dẫn của chuyến đi dã ngoại.

Trước đây, buổi liên hoan chia tay thường được tổ chức đơn giản lồng ghép lễ tổng kết năm học, được “cải thiện” thêm bánh kẹo và một số món ăn nhẹ cho rôm rả. Khi cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao, ngày liên hoan cuối năm được thầy cô và phụ huynh học sinh đầu tư thời gian, công sức để tạo nên những niềm vui, gắn kết nghĩa thầy trò, tình bạn bè thông qua việc tổ chức thêm các trò chơi, hoạt động tri ân ý nghĩa. Là mẹ của cô con gái năm nay bước vào lớp 7, chị Nguyễn Minh Hằng ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng có 3 năm kinh nghiệm tổ chức tất niên chia tay năm học trong vai trò là thành viên ban phụ huynh của lớp. Chị chia sẻ: “Các con háo hức chờ đợi ngày liên hoan cuối năm, các cháu đi chơi với tâm thế thoải mái, bỏ lại sách vở và các bài học để hoà mình vào các hoạt động tập thể. Phụ huynh cả năm mới được gặp nhau thoải mái, trò chuyện, trao đổi và tìm thấy ở nhau nhiều sự đồng cảm hơn việc học của con, việc nhà, việc cơ quan… để rồi kết nối chặt chẽ với nhau hơn qua các hội, nhóm trên mạng xã hội để cùng nuôi dậy con cái tốt hơn, chăm sóc gia đình chu đáo hơn và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội” - chị Hằng chia sẻ.

Thường thì các buổi liên hoan kết thúc năm học diễn ra ở trường; một số lớp học, phụ huynh có điều kiện tổ chức các nhà hàng, quán ăn... Một, hai năm trở lại đây, nhiều lớp có xu hướng chọn các khu vui chơi giáo dục, khu nghỉ dưỡng dạng homestay tại khu vực ngoại thành Hà Nội để tổ chức liên hoan cuối năm. Ưu điểm của các khu vui chơi giáo dục, các homestay kiểu này là thoải mái, rộng rãi và riêng tư. “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” - các em học sinh vốn rất hiếu động, nghịch ngợm và lắm trò nên ở những không gian này, các em có thể tự do vui chơi, hoạt động tập thể, hát múa, chạy nhẩy... một cách thoải mái mà không sợ làm phiền người khác. Các khu vui chơi giáo dục, các homestay hiện cũng được đầu tư thiết kế ngày càng có gu, bắt mắt hơn để thầy cô, học sinh và phụ huynh cùng nhau lưu lại những bức hình ấn tượng và “chất lừ”. Chưa kể, một số điểm còn có các tiện ích như bể bơi, khu vui chơi, khu nấu nướng... cho phép tổ chức nhiều trò chơi, hoạt động tập thể phù hợp với nhu cầu của các đối tượng khác nhau khiến cho ngày liên hoan cuối năm rất đa dạng các hoạt động, lôi cuốn được các thành viên trong đoàn cùng tham gia. Nằm cách trung tâm thành phố từ 15-50km, khoảng cách các điểm dã ngoại không quá xa, hoàn toàn có thể cho phép tổ chức chuyến đi trong ngày, dễ dàng trong quản lý và đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, nhất là với các em học sinh cấp 1.

Việc tổ chức dã ngoại cho số lượng thành viên lớn trong một đoàn sẽ có chi phí tốt hơn nhiều so với đi theo nhóm nhỏ bởi các homestay thường cho thuê phòng và địa điểm theo hình thức trọn gói; một số khu vui chơi giải trí tính phí vào cửa (bao gồm cả trò chơi) theo đầu người. Tính thêm chi phí đi lại, ăn uống, vui chơi, tổng chi phí trung bình cho một học sinh tham gia dã ngoại liên hoan cuối năm ở mức 150.000 - 400.000 đồng. Đây không phải là mức phí quá cao, thậm chí bằng một bữa ăn tự chọn tại nhà hàng ở nội thành nhưng bị hạn chế về không gian.

Thận trọng lựa chọn điểm vui chơi an toàn

Nắm bắt nhu cầu của phụ huynh học sinh, thời gian qua, một số khu vui chơi giáo dục, các homestay ở ngoại thành đã đầu tư tổ chức các tour dã ngoại kết hợp liên hoan chia tay cuối năm học. Các tour được giới thiệu thường không chênh lệch lớn về giá nhưng chất lượng dịch vụ cần được cân nhắc, tìm hiểu lựa chọn kỹ lưỡng vì điều này quyết định đến sự an toàn và niềm vui trọn vẹn của chuyến đi dã ngoại. Trong đó yếu tố an toàn cần được quan tâm hàng đầu bởi đối tượng phục vụ chính là học sinh, các em ở lứa tuổi càng nhỏ thì khả năng ứng phó với sự cố càng kém. Với những đối tượng nhỏ tuổi (học sinh tiểu học), không nên vì cảnh đẹp hay thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình mà lựa chọn khu nằm ẩn mình sâu trong rừng, có hồ hoặc thác nước hay không gian rộng, đường dốc, gập ghềnh sỏi đá… vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích vừa quản lý khó khăn. Những khu này phù hợp với học sinh cấp 2, cấp 3. 

Thận trọng lựa chọn điểm vui chơi an toànThận trọng lựa chọn điểm vui chơi an toàn.

Với các điểm có bể bơi hoặc các hoạt động vui chơi tổ chức dưới nước cần chú ý đến độ sâu của bể, mực nước trong bể, các thiết bị bảo đảm an toàn như phao bơi, công tác cứu hộ, thậm chí cả công tác vệ sinh, lau dọn để đảm bảo bể sạch, quanh bể không có rêu xanh để chống trơn trượt và phòng ngừa đuối nước. Trẻ em đa phần vốn thích nước và đùa nghịch dưới nước nên đừng phó mặc các cháu chơi với nhau, đôi khi chỉ vì trêu đùa, kéo đẩy nhau cũng có thể để lại những hậu quả đáng tiếc nếu các cháu chưa được trang bị các kỹ năng phòng chống sặc nước, đuối nước. 

Dã ngoại để vui chơi, thư giãn nên trong chương trình, việc tổ chức hoạt động, trò chơi tập thể là bắt buộc phải có. Tuy nhiên, không nên quá tham lam, tổ chức quá nhiều hoạt động vận động để tránh mất sức, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cơ thể dễ bị mất nước, đuối sức nhanh; nên cân đối, hài hoà giữa trò chơi vận động với các trò chơi đố vui có thưởng, hoạt động thảo luận nhóm, thay vì kiểm tra kiến thức, chọn vấn đề đang thu hút sự quan tâm giới trẻ để các em thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình qua đó các em làm quen bước đầu với một số kỹ năng mềm mà vẫn tạo không khí sôi nổi, gắn kết các thành viên. 

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học sẽ kết thúc muộn, thời tiết từ giữa tháng 7 dự báo sẽ dễ chịu hơn, giảm bớt nắng nóng gay gắt, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động dã ngoại ngoài trời. Thế nhưng, không nên quá chủ quan, khi lựa chọn điểm đến, thầy cô và phụ huynh cần yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ có phương án phụ để thích ứng với sự thay đổi bất thường thời tiết để đảm bảo vẫn có thể tổ chức được các hoạt động, không bị gián đoạn. Chẳng hạn, nắng nóng cần có phương án bổ sung quạt phun sương, quạt hơi nước…; trời mưa thì bố trí điểm vui chơi có mái che hoặc trong nhà, tránh những nơi trơn trượt… Cuối cùng, nếu không đi tiền trạm trước để “mục sở thị” thì cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, có kinh nghiệm, tham khảo ý kiến đánh giá của các đoàn đi trước qua các hội, nhóm trên mạng xã hội trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 

MINH HÀ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.