Lồng ghép giới trong mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới

Chia sẻ

Công tác lồng ghép giới chưa đầy đủ, mới chỉ xem giới là một vấn đề có tính "chuyên đề hẹp", chưa phải có tính xuyên suốt là hạn chế chính cho việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội thảo Lồng ghép giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 được tổ chức mới đây tại Hà Nội. 

Lồng ghép giới mới dừng lại ở "chuyên đề hẹp"

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM với sự phối hợp của cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Trung ương Hội LHPN VN và Văn phòng Điều phối NTM trung ương. Mục đích của hội thảo là nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu về các vấn đề giới và trao quyền cho phụ nữ trong Chương trình giai đoạn 2010-2020. Đồng thời trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị về lồng ghép giới trong xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM ở giai đoạn tiếp theo.

Việc đánh giá công tác lồng ghép giới dựa trên nguồn tài liệu thứ cấp, báo cáo tổng kết 10 năm và khảo sát thực địa tại 5 tỉnh gồm: Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Long An, đặc biệt là nhìn từ góc độ giới và các vấn đề trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới trong Chương trình qua 10 năm triển khai.

Lao động nữ trong nông nghiệp chiếm 63,4% (nguồn: Itn)Lao động nữ trong nông nghiệp chiếm 63,4% (nguồn: Itn)

Kết quả nghiên cứu cho thấy, công tác lồng ghép giới còn chưa đầy đủ, mới chỉ xem là một vấn đề có tính "chuyên đề hẹp" chứ chưa xem là vấn đề xuyên suốt. Đây được xem là hạn chế chính trong việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Bình đẳng giới chỉ giới hạn trong một chỉ tiêu xây dựng NTM, trong khi giới không được đề cập đến trong hệ thống 48 chỉ tiêu còn lại của 19 tiêu chí NTM. Điều này đặt ra giới hạn căn bản đối với chiến lược và cách tiếp cận lồng ghép giới một cách đầy đủ.

Cụ thể, vấn đề giới mới chỉ được đề cập trong trong chỉ tiêu 18.6 đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội. Chính vì cho rằng chỉ tiêu bình đẳng giới chỉ giới hạn trong 1 chỉ tiêu chuyên biệt về bình đẳng giới (chỉ tiêu 18.6), nên có xu hướng nhận định giới không phải là vấn đề cần quan tâm và ưu tiên trong các tiêu chí xây dựng NTM khác. Vì vậy, đây là nguyên nhân khiến cho việc thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn nhiều hạn chế. Khi các chỉ tiêu còn lại không quan tâm đến vấn đề giới, việc thực hiện đối với các nội dung khác trong mục tiêu xây dựng NTM thường "trung tính về giới". Vô hình chung, vấn đề giới không được quan tâm trong các cơ chế và Hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia NTM.

Chia sẻ tại Hội thảo bà Trần Thu Thủy - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, theo số liệu của Trung ương Hội LHPN Việt Nam thì lực lượng lao động nữ ở nông thôn nước ta có khoảng 26,2 triệu người. 44% trong số đó hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 63,4%. Với tương quan tỷ lệ này, nếu không tính đến vai trò của phụ nữ là bỏ phí ít nhất 50% nguồn lực tham gia xây dựng NTM.

Theo thống kê, hiện hệ thống của Hội LHPN Việt Nam được tổ chức tại 63 tỉnh, thành, 707 cấp huyện, 10.614 cấp xã, 98.015 thôn, bản với khoảng 18 triệu hội viên. Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện rộng khắp phong trào “5 không, 3 sạch” (5 không: không đói nghèo, không bạo lực gia đình, không có thành viên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Phong trào 5 không, 3 sạch đã được thể chế hóa thành các chỉ tiêu xã NTM. Tuy nhiên, phụ nữ và Hội LHPN thường bị gắn với những định kiến giới, được coi là chỉ “phù hợp” với các nhiệm vụ không thiết yếu, mang tính phụ của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chẳng hạn như: trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, quét dọn làng xóm, đường phố, nhà cửa, thu dọn rác thải... 

Chính những định kiến này khiến phụ nữ ít được tham gia vào các nhiệm vụ như xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, các hoạt động phi nông nghiệp, tạo thu nhập cao. Đồng thời, định kiến này dường như cũng áp dụng cả đối với Hội LHPN chỉ là cơ quan phối hợp, tuyên truyền, vận động thay vì vai trò chủ trì hay trực tiếp quản lý thực hiện một số hoạt động cụ thể.

Bình đẳng giới cần được phản ánh xuyên suốt trong Chương trình xây dựng NTM

Khuyến nghị quan trọng nhất được đưa ra tại Hội thảo là vấn đề giới cần được giải quyết như một biến kinh tế- xã hội. Theo đó, bình đẳng giới nên được phản ánh trong tất cả các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM. Nói cách khác, việc xác định giới là một vấn đề xuyên suốt trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM cũng phản ánh yêu cầu của Luật Bình đẳng giới, đó là giải quyết vấn đề giới như một phạm trù kinh tế - xã hội toàn diện, thực hiện Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Ảnh minh họa (nguồn: Itn)Ảnh minh họa (nguồn: Itn)

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho rằng: Phụ nữ là nguồn nhân lực lớn trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, nhất là trong xu hướng đô thị hóa và chuyển dịch lao động. Do nhiều nam giới từ nông thôn ra thành thị nên lực lượng lao động chính ở một số vùng nông thôn chủ yếu là phụ nữ. Phụ nữ đang tham gia trực tiếp, tích cực và vận động người thân trong gia đình tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tham gia sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM trung ương, những đóng góp của phụ nữ vào kết quả đạt được của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM là vô cùng lớn và không thể phủ nhận. Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam cần chuyển từ vai trò bị động sang chủ động tham gia xây dựng tiêu chí cho Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, nhằm đưa vấn đề giới trở thành nội dung xuyên suốt trong Chương trình, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan.

Cùng với khuyến nghị đưa vấn đề giới vào xuyên suốt các chỉ tiêu của Chương trình là các khuyến nghị về vấn đề cần sửa đổi các tiêu chí giáo dục, y tế để đảm bảo tỷ lệ hoàn thành tiêu chí đối với phụ nữ và trẻ em gái không thấp hơn nam giới và trẻ em trai. Các tiêu chí khác liên quan đến hộ gia đình và cá nhân có thể điều chỉnh nhằm đảm bảo cả phụ nữ và nam giới đều được ghi nhận như nhau đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu đó. Đồng thời, Chương trình nên có dòng ngân sách riêng cho các hoạt động liên quan đến giới. Trường hợp lồng ghép vào những dòng ngân sách khác thì cần quy định rõ về tỷ lệ %. Hay, khuyến nghị tăng cường vai trò của Hội LHPN như một cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện thay vì chỉ là cơ quan vận động, phối hợp thực hiện Chương trình...

"Trong giai đoạn 2021 - 2025, trước hết, cần quy định mức tối thiểu tỷ lệ phụ nữ tham gia các cuộc họp lập kế hoạch để nâng cao tiếng nói của họ trong công tác lập kế hoạch, trong quá trình xác định các ưu tiên trong khuôn khổ Chương trình. Thiết kế và thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng nên cân nhắc bảo đảm lợi ích cho cả phụ nữ và nam giới, trong đó, số phụ nữ được hưởng lợi là một tiêu chí ưu tiên. Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ bằng cách đưa ra những hành động tích cực, đảm bảo mức độ tối thiểu phụ nữ tham gia trong các hoạt động hỗ trợ sản xuất" - TS. Phạm Thái Hưng, chuyên gia Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) khuyến nghị.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.