“Trị” chồng vô tâm

Chia sẻ

Với Lan, 5 năm đầu sau hôn nhân là thời kỳ khủng hoảng trầm trọng. Hơn lúc nào hết, cô từng rất thấm thía câu nói “có chồng hờ hững cũng như không”. Khi ấy, việc lớn việc nhỏ trong nhà Quân (chồng Lan) đều phó mặc hoàn toàn cho cô.

Sự chịu đựng của Lan lên tới đỉnh điểm và chạm ngưỡng giới hạn có lẽ vào ngày hè cách đây ngót nghét 2 năm trước.

Hôm ấy, gần 11 giờ trưa, đang lúi húi soạn thảo công văn để kịp gửi các đơn vị vào buổi chiều, Lan nhận được cuộc gọi của đội thợ sửa nhà. Đầu dây bên kia, tiếng bác thợ nề giục vội: “Cháu về khóa cửa luôn đi, mọi người đến giờ nghỉ đi ăn trưa rồi”. Công việc còn dang dở, ngoài trời lại đang nắng gần 40 độ. Nghĩ tới đoạn đường 3km trước mặt khiến Lan thấy mình muốn lười nhác hơn lúc nào hết. Cô tựa lưng vào ghế, khẽ thở dài.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chợt trong đầu Lan lóe lên hình ảnh Quân. Cô nhớ, hôm nay anh vẫn đang đi tập huấn theo chương trình của cơ quan. Chỗ tập huấn cách nhà chưa tới 100 mét. Suy nghĩ ấy khiến Lan mừng rơn. Cô nhanh chóng gọi cho chồng. Vừa thấy Quân bắt máy, Lan hỏi vội:

- Chồng à, anh đã nghỉ trưa chưa?

- Thầy vừa kết thúc lớp học, anh đang chuẩn bị đi – Quân đáp.

- May quá, anh ngay gần nhà thì chạy về khóa cửa giúp em. Thợ đang giục mà em chưa xong việc. Giờ em về, khóa xong vẫn phải quay trở lại cơ quan làm nốt việc.

- Em không nói sớm, anh phải đi ngay bây giờ rồi.

- Ôi… - Lan khẽ thở dài vì hụt hẫng, nhưng vẫn nhắn nhủ chồng “Vậy thôi, anh cứ đi đi kẻo lỡ việc”.

Nói xong, Lan khoác vội chiếc áo rồi mau chóng đứng dậy, xuống cổng lấy xe. Chắc do trời nắng, mọi người cũng hạn chế đi lại nên đường khá thoáng, chỉ mất 10 phút cô đã về tới nhà. Định bụng đi ngay nhưng khát quá, Lan lại nấn ná, vào bếp rót cốc nước lọc. Bất chợt chiếc điện thoại trên tay tinh tinh mấy tiếng, màn hình hiện thông báo chồng cô vừa đăng bài viết mới trên Zalo. Cô tò mò không biết trưa nay anh bận việc gì nên bấm vào xem.

Vừa thấy ảnh chồng mình đang cười toe toét cùng đồng nghiệp kèm dòng trạng thái: “Tranh thủ trong lúc chờ chủ nhân bữa tiệc sinh nhật đến”, ngụm nước trong miệng Lan chưa kịp nuốt xuống đã bị đẩy phụt ra ngoài trong vô thức. Cô ho sặc sụa vì suýt sặc, toàn thân nóng rần rật. Mặt cô cứ thế đỏ lựng, hai con ngươi cũng vằn lên tia máu chất chứa tức giận.

Cầm điện thoại gọi cho Quân, giọng Lan gằn lại, dứt khoát và lạnh lùng: “Anh về nhà ngay, ngay bây giờ. Nếu không về, anh sẽ không bao giờ nhìn thấy mặt tôi nữa”.

- Anh về, về ngay đây – đầu bên kia, Quân sững lại vài giây rồi run run trả lời.

Lan kết thúc cuộc gọi thì đi thẳng lên tầng 2, vào phòng ngủ lấy ra tờ A4, đặt bút viết “Đơn ly hôn”. Ngồi viết mà cảm giác tủi hờn, uất ức khi nghĩ đến sự vô tâm của Quân cứ trào dâng trong lòng. Bao năm qua, cô lúc nào cũng phải cố gượng gạo cười khi mọi người khen cô may mắn, lấy được anh chồng tốt bụng, công việc ổn định; gia đình chồng lại khá giả, có địa vị…

Cái mọi người thấy chỉ là vẻ bên ngoài. Đâu ai biết về những đêm con gái đầu lòng quấy khóc, mình cô phải thức bế và dỗ con cả đêm. Tới gần sáng, khi cơ thể kiệt sức vì thiếu ngủ, tay mỏi rã rời, cô đành muối mặt gõ cửa phòng bố mẹ chồng, nhờ bà bế cháu nội giúp. Thậm chí có đêm con gái đột ngột sốt cao, cô phải nhờ bố chồng lấy xe đưa hai mẹ con đi bệnh viện. Những lúc đó, chồng cô đang… say giấc. Con quấy, vợ gọi thế nào cũng không chịu dậy.

Hồi ấy, Quân làm công tác đoàn nên thường xuyên đi sớm về muộn. Có đợt triền miên nửa tháng trời, ngày nào anh về đến nhà cũng trong trạng thái say xỉn, không biết trời đất ra sao. Vừa phải chăm con mệt mỏi, lại lo lắng, bực bội chồng khiến Lan “xì-troét” tột độ. Bố mẹ chồng thương con dâu nên yêu cầu con trai hứa trước mặt cả gia đình rằng sẽ thay đổi. Cô cũng yêu cầu chồng viết cam kết sẽ chu đáo, quan tâm việc nhà và vợ con… ra giấy, ký tên rồi dán lên giữa phòng để anh tự nhắc nhở mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ấy vậy mà khi tờ giấy chưa ráo mực, Quân đã cư xử với cô như vậy. Chỉ nghĩ tới mấy việc đó thôi Lan đã thấy muốn nổ tung vì giận. Nên ngay khi Quân xuất hiện, cô đưa anh tờ đơn rồi dứt khoát nói:

- Tôi viết sẵn đơn ly hôn rồi, anh chỉ việc ký vào thôi. Đây là nhẫn, vòng cổ, chìa khóa xe máy… Những thứ này là quà bố mẹ và anh tặng tôi sau khi kết hôn. Giờ chia tay, tôi trả lại anh tất cả, không giữ bất cứ thứ gì dính dáng tới anh. Riêng con gái, vì chưa đủ 36 tháng tuổi nên mặc nhiên ở cùng mẹ, anh không có quyền tranh giành. Nếu muốn, anh vẫn có quyền chu cấp cho con nhưng không bắt buộc. Tự tôi dư sức nuôi con gái khôn lớn.

- Anh xin lỗi. Là anh sai. Xin em hãy bình tĩnh, anh sẽ sửa. Xin em hãy cho anh cơ hội. Nhất định lần này anh sẽ không làm em thất vọng – Quân khụy gối, đôi mắt ngân ngấn nước, nhìn cô vẻ cầu khẩn.

Nhìn vào đôi mắt của chồng, Lan bất giác lùi lại phía sau. Người đàn ông thường ngày cao ngạo, vốn thờ ơ, chẳng lo lắng chuyện gì giờ đang yếu đuối, run rẩy khóc trước mặt cô. Lan cảm giác nếu nhìn anh thêm lúc nữa sợ rằng cô lại mềm lòng. Thoáng chốc, Lan nhận ra Quân không hề muốn mất cô, và cô cũng vẫn rất yêu chồng. Nhưng những chuyện đã xảy ra, Lan không thể quên, càng không thể coi như chưa từng có.

- Anh nói xem, bao nhiêu lần anh hứa sẽ thay đổi… nhưng sau mỗi lời hứa, anh lại khiến em thêm thất vọng nhiều hơn – Lan chua xót nói.

- Lần này, anh không hứa nữa, anh sẽ chứng minh bằng hành động. Chỉ xin em, hãy cho anh cơ hội. Anh không muốn mất em và con.

- Em chờ đáp án cho câu nói của anh – dứt lời, Lan ra khỏi nhà, bắt taxi đi thẳng tới cơ quan làm việc.

Cả buổi chiều Lan suy nghĩ rất nhiều. Trong thâm tâm, Lan vẫn sợ rằng vì cảm xúc lo lắng nhất thời Quân mới nói những lời đó. Bao ngày qua, cô rất nhẫn nại, kiên trì trò chuyện để chồng hiểu mà quan tâm và biết chia sẻ việc nhà với vợ hơn. Nói nhiều mà anh không thay đổi bao nhiêu. Nếu quả thật đã trở thành “bản tính khó dời”, thì việc cho Quân thêm cơ hội… khác nào tự cô đẩy mình vào thế khó, vào khổ hạnh. Nhưng biết đâu cô sẽ hối hận nếu tước đi cơ hội này của Quân…

Buổi tối, sau bữa cơm, Lan quyết định tâm sự riêng với mẹ chồng về chuyện đã xảy ra lúc trưa. Không phải vì cô muốn thể hiện. Điều Lan cần là sự giúp đỡ, động viên và tác động của bố mẹ chồng để Quân thay đổi, nếu mọi người vẫn mong muốn hôn nhân của vợ chồng cô không đổ vỡ.

Thật may là sau hai năm, Quân đã biết quan tâm tới gia đình nhiều hơn. Vợ chồng Lan cũng đã có nhóc thứ hai, là một bé trai kháu khỉnh. Giờ cô không còn phải trông con một mình như trước vì Quân đã biết thức dậy giữa đêm, giúp vợ dỗ dành khi con khóc.

Nhìn Quân, Lan chợt nhận ra, đôi khi muộn còn hơn không, và nếu muốn thay đổi người chồng vô tâm, trước tiên phải biết cho anh ấy cơ hội đúng lúc. Quan trọng nhất là một mình người vợ sẽ không thể thay đổi điều gì nếu thiếu sự cảm thông, chung sức của gia đình chồng.

HẠ CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.