Tái kích hoạt phòng chống Covid-19

Chia sẻ

Ngay khi các ca Covid-19 trong cộng đồng được phát hiện và công bố liên tiếp vào những ngày qua tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và người dân đã vào cuộc nhanh chóng siết chặt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Hội LHPN Hà Nội tiến hành đo thân nhiệt mọi cán bộ, nhân viên ra vào cơ quan ngày 28/7Hội LHPN Hà Nội tiến hành đo thân nhiệt mọi cán bộ, nhân viên ra vào cơ quan ngày 28/7 (Ảnh: T.H)

Người dân không được chủ quan, hoảng loạn

Tính từ 6h ngày 16/4 đến ngày 24/7, Việt Nam đã trải qua 99 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, ngày 25/6, ca mắc trong cộng đồng - bệnh nhân 416 (nam giới, 57 tuổi, trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) chính thức được khẳng định dương tính với Covid-19 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo người dân không được chủ quan, lơ là với việc phòng, chống dịch bệnh. Nhưng, người dân cũng không nên vì thế mà hoảng loạn.

Bởi trong việc phát hiện ca bệnh, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế), hiện nay Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm như: xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm kháng thể với kit thử do Việt Nam sản xuất bằng máy ELISA. Hiện đã có rất nhiều quốc gia bị làn sóng Covid-19 thứ hai. Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã đưa kịch bản này vào trong kế hoạch để đáp ứng; đã tính tới phương án nếu có ca cộng đồng thì phản ứng như thế nào? Vì vậy, người dân cần phải bình tĩnh.

Giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm tất cả trường hợp có triệu chứng bệnh đường hô hấp

Thông tin tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 27/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Đáng nói, chủng virus của bệnh nhân ở Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. "Dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa. Tới đây, dịch có khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác". Trước diễn biến phức tạp trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện trên toàn quốc: Tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây; kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch; không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nêu thực tế thời gian qua, tại một số nơi người dân đã chủ quan, lơ là hơn thời điểm “bình thường cũ” trong phòng chống dịch. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải nghiêm túc thực hiện nới lỏng cộng đồng. Đối với người dân, việc cần thực hiện trong thời điểm này là đeo khẩu trang, nghiêm túc tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mà trước đó vẫn áp dụng… kể cả ở vùng nguy cơ thấp.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần thường xuyên rửa tay khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại những nơi công cộng như: xe buýt, công sở, chung cư. Biện pháp phòng bệnh lúc này không phải chỉ ngành Y tế, chính quyền vào cuộc mà người dân cần phải phòng bệnh cho chính mình, đó là điều rất quan trọng”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Sàng lọc người có dấu hiệu sốt, ho, cảm cúm từ nhà thuốc, phòng khám

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn các tỉnh, thành phố khi bán thuốc cho người có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt phải ghi lại tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông tin đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn số điện thoại đường dây nóng hoạt động 24/24, để tiếp nhận thông tin từ các cơ sở bán lẻ thuốc, vận hành hướng dẫn các ứng dụng khai báo y tế để tiếp nhận các thông tin liên quan tới ca nghi nhiễm, từ đó có biện pháp cách ly phù hợp.

Các cơ sở y tế tổ chức thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc sàng lọc, phân loại, hướng dẫn phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám chữa bệnh. Các phòng khám tư nhân cũng tăng cường sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, ho, sốt, bố trí khám ở khu vực riêng và có sổ theo dõi họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh để thuận tiện quản lý ca bệnh.

Tại Hà Nội, từng có trường hợp bệnh nhân 243 (huyện Mê Linh): Trước khi được khẳng định mắc Covid-19, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt đã tự đi mua thuốc điều trị tại một nhà thuốc gần nhà; sau khi uống thuốc, bệnh nhân có biểu hiện bình thường, di chuyển nhiều nơi, dẫn tới lây lan dịch bệnh. Từ ca bệnh trên, ngày 13/4, Chủ tịch UBND TP đã có văn bản yêu cầu tất cả các hiệu thuốc khi bán cho những trường hợp mua thuốc cảm, sốt, ho phải có khai báo y tế và báo ngay cho y tế của phường tổ chức lấy mẫu xét nghiệm với Covid-19.

Qua triển khai cho thấy, hoạt động phối hợp giám sát, sàng lọc tại các quầy thuốc, phòng khám y tế tư nhân là rất cần thiết, giúp hạn chế tối đa tình trạng bỏ sót ca nhiễm trong cộng đồng. Bởi theo thống kê, có trên 65% bệnh nhân trước khi được phát hiện mắc Covid-19 đều không có triệu chứng rõ ràng, chỉ như bệnh cúm thông thường, thậm chí không có biểu hiện gì. Nếu bỏ qua những trường hợp này, có thể dẫn tới nguy cơ dịch bệnh phát tán trong cộng đồng, rất khó kiểm soát.

Tuy nhiên, để quy định trên được thực hiện hiệu quả, rất cần sự hợp tác kê khai của người dân.

Các lực lượng sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới

Nhận định về kết quả công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế, lực lượng quân đội, công an, thành viên BCĐ quốc gia trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã xác định cuộc chiến chống dịch còn rất dài, bởi dịch thực sự chỉ hết khi nào thế giới có vaccine và thuốc đặc trị.

Hơn nữa, “chúng ta ở cánh đồng trũng, bên ngoài nước to, gió lớn. Chúng ta có “một tuyến đê” trên bộ dài tới 4.000km. Chúng ta cũng phải đón các chuyên gia sang làm việc; đưa công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, trong đó một số địa bàn có số người bị nhiễm trên các chuyến bay là rất nhiều… Thực tế đó, dẫn tới “tuyến đê” của chúng ta không thể tránh khỏi những chỗ rò rỉ. Như vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt, có kế hoạch đón người Việt Nam về phù hợp với khả năng điều trị, kiểm soát dịch bệnh trong nước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhấn mạnh.

Bởi vậy, Phó Thủ tướng lưu ý tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là y tế, quân đội, công an cần nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.

Trong cuộc họp khẩn chiều 26/7 về công tác phòng chống dịch Covid-19, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã ra lệnh kích hoạt lại toàn bộ hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trong BĐBP ở tất cả các đơn vị theo tinh thần của Chỉ thị 19 của Thủ tướng chính phủ; trọng điểm là ở khu vực đường mòn, lối mở có nhiều người xuất nhập cảnh trái phép hay vùng có nguy cơ cao.

Tại cuộc họp, tư lệnh BĐBP cũng thể hiện quyết tâm ngăn chặn bằng được, không để xảy ra trường hợp nhập cảnh trái phép. “Nếu nhập cảnh trái phép coi như trường hợp nhiễm bệnh, phải đưa đi cách ly ngay, sau đó xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định pháp luật”, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến đề nghị.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

(PNTĐ) - Chỉ số VN-Index lao dốc trong phiên 15/4 nằm trong dự báo của giới chuyên gia dựa vào một số yếu tố như các quỹ lớn tái cơ cấu danh mục đầu tư, đáo hạn phái sinh và các biến động tiêu cực đến từ tình hình quốc tế...