Họp nóng về chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong tình hình dịch

Chia sẻ

Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố đã tham dự Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, diễn ra chiều 31/7.

Hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với các địa phương. Ảnh: VGP/Nhật NamHội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia về thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với các địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT đã lường trước việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên giao kỳ thi cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi, không cử cán bộ trường đại học tham gia coi thi, chấm thi mà chỉ có mặt trong các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị Ban chỉ đạo thi của các địa phương tăng cường các biện pháp phòng dịch khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, phải xây dựng phương án phân loại thí sinh theo 4 nhóm: F0 (ca bệnh xác định, dương tính với SARS-CoV-2), F1 (tiếp xúc gần với F0, phải cách ly tập trung), F2 (tiếp xúc với F1, cách ly tại nơi cư trú) và các thí sinh khác.

Ngoài đối tượng thí sinh F0 sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp và được tạo điều kiện tham gia xét tuyển đại học bằng các hình thức phù hợp, thí sinh diện F1, F2 sẽ được bố trí thi tại phòng thi hoặc điểm thi riêng.

Thí sinh diện F1 có thể được tổ chức thi tại khu cách ly hoặc điểm thi riêng gần khu cách ly. Thí sinh diện F2 có thể bố trí thi tại phòng thi dự phòng của các điểm thi hoặc thi tại điểm riêng phù hợp với điều kiện mỗi địa phương.

Trong quá trình tổ chức Kỳ thi, thí sinh có biểu hiện ho, sốt được bố trí thi tại phòng thi dự phòng tại điểm thi.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương nếu cần thiết phải điều chỉnh phương án bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi, không để những người thuộc diện F0, F1, F2 tham gia các khâu của kỳ thi.

Những cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại các phòng thi dành riêng cho thí sinh diện F1, F2 phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Các địa phương phải có phương án dự phòng về điểm thi, phòng thi, nhân lực ở tất cả các khâu của kỳ thi khi cần thiết, phương án đảm bảo an toàn, phòng dịch khi đưa đón thí sinh F1, F2.

Các địa phương tuân thủ các biện pháp đã áp dụng như phun thuốc khử khuẩn, đeo khẩu trang, bố trí nước rửa tay, đo thân nhiệt cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi trong khu vực in sao đề thi, khu vực làm phách, chấm thi và tại các điểm thi.

Tới thời điểm này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GD&ĐT đã có các đoàn kiểm tra 46/63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh phải có phương án đối phó với thiên tai, dịch bệnh. Trong đó có dịch COVID-19 và bệnh bạch hầu.

Đặc biệt chú ý hỗ trợ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh. Vì thế, khi dịch COVID-19 trở lại, các địa phương đã có dự phòng để ứng phó.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết Hà Nội là một trong các địa phương có đông thí sinh nhất cả nước nhưng tới thời điểm này đã hoàn tất việc chuẩn bị thi. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Quý đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể.

Ví dụ như các điểm thi cần sát khuẩn, thí sinh cần đeo khẩu trang, bảo đảm giãn cách trong phòng thi, bảo đảm phân luồng khi thí sinh ra vào điểm thi để không lây nhiễm chéo. Ngoài ra, phương án phân loại thí sinh, tổ chức điểm thi riêng cho đối tượng F1, F2 như thế nào? Những việc này cần có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết ban chỉ đạo thi TPHCM đã chỉ đạo bố trí các phòng thi cách ly trong 115 điểm thi. Để dự phòng số thí sinh F1, F2 nếu đông, TPHCM đã có một trường THCS làm điểm thi dự phòng để khi cần sẽ tổ chức điểm thi riêng.

Lãnh đạo TPHCM cũng bày tỏ băn khoăn về công tác chấm thi sắp tới của Thành phố sẽ phải tổ chức ở 1 điểm với khoảng 600 người làm công tác chấm thi. Việc này phạm vào quy chế tập trung đông người nên cần xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết từ Ban chỉ đạo.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Đà Nẵng đã có giáo viên, học sinh bị nhiễm, hoặc tiếp xúc gần với người bị nhiễm. Tới thời điểm này đã có 80 ca dương tính. Mặc dù Thành phố đã chuẩn bị phương án sẵn sàng cho kỳ thi, nhưng tâm lý của phụ huynh, thí sinh tại đây rất lo lắng.

Chính vì vậy, lãnh đạo TP. Đà Nẵng xin kiến nghị xem xét báo cáo Chính phủ cho dừng thi đối với thí sinh tại Đà Nẵng và xét đặc cách tốt nghiệp đối với thí sinh. Những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường đại học có phương án phù hợp tạo điều kiện cho thí sinh Đà Nẵng được xét tuyển.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, đây là điều rất khó khăn đối với lãnh đạo thành phố nhưng vì sự an toàn tính mạng và sức khỏe của thí sinh nên phải đưa ra đề xuất này.

NHẬT NAM/Chinhphu

Theo http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Hop-nong-ve-chi-dao-thi-tot-nghiep-THPT-nam-2020-trong-tinh-hinh-dich/402631.vgp

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.