Khát vọng sống cao đẹp qua “Ngày cuối cùng của một tử tù”

Chia sẻ

Khát vọng sống cao đẹp qua “Ngày cuối cùng của một tử tù” - ảnh 1

Từ sâu thẳm trong mỗi chúng ta, hình ảnh những tù nhân luôn đem đến một cảm giác đáng sợ, căm phẫn, oán hận, khiến chúng ta chỉ trích, ghét bỏ…Nhưng, có mấy ai tự hỏi rằng bên trong những tù nhân ấy có chăng những điều tốt đẹp như bản tính hướng thiện của con người? Hình ảnh người tử tù khốn khổ trong kiệt tác “Ngày cuối cùng của một tử tù” của đại văn hào Victor Hugo đã đem đến cho chúng ta những góc nhìn khác về phạm nhân…

Mở đầu cuốn tiểu thuyết, đúng hơn là một cuốn nhật ký của người tử tù ghi lại những dòng tâm trạng, ký ức, cảm xúc khi gần cõi chết của nhân vật “tôi”- một nhân vật vô danh, không tên- với 5 chữ: “Bị kết án tử hình”. Cùng với đó là hiện thực khắc nghiệt khi ông bị giam cầm trong ngục tối, thân thể bị xiềng xích, nội tâm, ý chí bị hành hạ. Một suy nghĩ khủng khiếp vây chặt lấy ông: Tôi bắt buộc phải chết. Suy nghĩ đó như bóng ma đeo bám lấy nhân vật chính, ám ảnh “tôi”, ngay cả trong giấc ngủ chập chờn. Người tù phải sống chung trong nỗi sợ hãi, ăn không ngon, ngủ không yên, rối loạn tinh thần…

Chuỗi cảm xúc của người tử tù khi đứng ở vị trí cận kề cái chết khiến người đọc đầy xót xa. Ở những giây cuối cùng của cuộc đời, con người có xu hướng hồi tưởng lại ký ức, kỷ niệm, quá khứ đã qua. Nhớ về tuổi thơ êm đẹp, thanh bình, nhớ mối tình đầu đời trong sáng, luyến tiếc cuộc sống… Chịu án tử hình, “tôi” để lại một người mẹ, một người vợ và một đứa con. Như vậy, sau khi “tôi” chết, có ba người phụ nữ mồ côi theo ba kiểu khác nhau. Nhất là bé Marie bé bỏng sẽ phải sống bơ vơ trên thế gian tàn nhẫn này, trong khi bé con vẫn còn ngây thơ lắm. Lần cuối gặp bố, tuy cô bé không nhận ra mặt bố đẻ, nhưng em nói luôn cầu nguyện cho bố hằng đêm. Chính điều đó mới khiến “tôi” khổ sở. Trái tim người tử tù đau xót đến tê tái khi nghĩ đến gia đình chịu khổ đau, phỉ báng, lăng mạ vì mình.

Trước những xúc cảm ấy, có thể thấy người tử tù chưa sẵn sàng để chết. Ông hối hận, muốn sống, muốn làm lại cuộc đời, nhưng không ai trao cho ông cơ hội ấy khi bản án tử đã đóng dấu.

Cái gì đến cũng sẽ đến. Ngày thi hành án đã đến. Phạm nhân bị đưa ra pháp trường trong tiếng hò reo, vui cười, hớn hở của đồng loại. Họ sốt ruột vì chờ xem việc chém đầu tử tù. Khi ấy, người tử tù không còn đủ can đảm nữa, thứ ông khiếp đảm không phải là cái đầu rơi xuống mà chính là tiếng la hét bất nhẫn kia. Người tử tù không chịu đựng được đã quỳ mọp xuống kêu lên: “Ân xá cho tôi! Hãy rủ lòng thương cho tôi thêm chút nữa… Chết như thế này kinh khủng lắm”. Tôi đã thực sự bị ám ảnh bởi lời cầu xin này, đó không phải lời cầu xin được sống, mà là lời cầu xin được đối xử như một con người.

Người tử tù trong tiểu thuyết của Victor Hugo không có lấy một cái tên, thậm chí án cũng không rõ ràng, cụ thể. Bản thân nhân vật cũng không biết mình kết án vì tội gì mà chỉ biết mình rơi vào vòng xoáy công lý và chết một cách không rõ ràng. Điều đó càng khiến nỗi đau của người tử tù lớn hơn nữa. Sự bi thảm, nhá nhem, khốn cùng và cả man rợ này phản ánh xã hội Pháp thế kỷ XIX lúc bấy giờ. Đó là sự bất công trong xã hội, khi tầng lớp bình dân, người nghèo bị đối xử không phải là con người, bị dồn đến bước đường cùng.

“Ngày cuối cùng của một tử tù” dù không đồ sộ về nội dung như các tác phẩm khác của Victor Hugo, nhưng để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về lòng nhân đạo và quyền được sống, khát vọng sống của mỗi con người. Mỗi một sinh linh, mỗi sinh mạng dù đẹp đẽ, trong trắng hay tội lỗi, sa ngã đều đáng sống và có quyền được sống, được đối xử đúng là một con người. Tôi tin rằng, bất cứ ai đọc cuốn tiểu thuyết này sẽ cảm nhận rõ ràng giống như tôi, đó là biết trân trọng cuộc sống hơn, trân quý hơn mỗi người, mỗi sinh linh trong đời sống này. Bởi, phía sau đó, đều là những khát vọng sống đẹp đẽ.

NGUYỄN QUỲNH HƯƠNG 
Lớp 8A1, THCS Lương Yên, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".