Kỳ 1: Hiểm họa thất truyền

Chia sẻ

Đối với các giá trị truyền thống, nghệ thuật dân tộc ở đất Thăng Long - vẫn đang khoe sắc trong ngôi nhà chung văn hóa, đan xen giữa truyền thống và đương đại. Nhưng nhìn sâu xa, nghệ thuật truyền thống đang tồn tại những vấn đề khiến những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân tâm huyết không khỏi lo lắng.

Nghệ nhân hát văn Hoàng Trọng Kha và học tròNghệ nhân hát văn Hoàng Trọng Kha và học trò

Những mất mát nhãn tiền

Đừng vội cho rằng những suy nghĩ như vậy ở thời điểm này là quá lo xa, hay phủ nhận những nỗ lực của ngành văn hóa cũng như các địa phương trong nhiều năm qua, mà chúng ta cần bình tâm nhìn nhận một cách thật khách quan.
Nếu nhìn bình diện chung, giai đoạn hiện nay, những giá trị văn hóa nghệ thuật liên quan đến âm nhạc luôn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi, ở nhiều hình thức khác nhau, có thể là độc lập, có thể là kết hợp với những hình thức nghệ thuật khác. Từ góc độ này, sẽ dễ bắt gặp đâu đó trong các sự kiện lớn, nhỏ, các cuộc thi, hội diễn, trên truyền hình, trên sóng phát thanh... những nhóm hát Ca trù, Chèo, Quan họ, hát Xẩm, hát Văn... Nhưng có rất nhiều câu chuyện từ biểu diễn, đến đào tạo và sự trao truyền trong gia đình qua các thế hệ, mỗi một câu chuyện ứng với một mối lo riêng. Nó thường trực trong suy nghĩ của những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân tâm huyết.

Tháng 4 vừa rồi, cháu gái đang học thạc sĩ bên Australia của nhà văn hóa học PGS.TS Nguyễn Văn Cương - nguyên Hiệu trưởng trường đại học Văn hóa Hà Nội, đã tìm cách kết nối với nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Khuê - trưởng Giáo phường Ca trù Thái Hà để thực hiện một đề tài nghiên cứu về nghệ thuật ca trù ở Hà Nội. Sở dĩ cô được giới thiệu đến Giáo phường Ca trù Thái Hà là bởi ở đây có tiếng là nơi duy trì những lề lối, niêm luật cơ bản của nghệ thuật Ca trù -loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Hà Nội. Đặc biệt hơn, nó không bị pha trộn, ảnh hưởng từ các thể loại âm nhạc khác như Chèo hay Quan họ. Song, cũng qua dự án này mới nhìn thấy thêm nhiều vấn đề còn chưa được khai thác hết của Ca trù và cả những nỗi lo. Từ chuyện Ca trù còn có đến cả trăm thể cách, trong khi hiện nay chỉ khai thác được một phần nhỏ, đến chuyện các chuẩn mực về ca, đàn, trống, phách sao cho đúng chất Ca trù Hà Nội hiện nay cũng đã và đang bị xem nhẹ.

Chưa hết, với hình thức Hát Cửa đình (sinh hoạt Ca trù tại đình, đền, miếu) vẫn còn nhiều giá trị cả về bài bản, âm nhạc, múa và văn hóa đã thất truyền cần khôi phục lại. “Những năm 70 (1970 - NV), Giáo phường Ca trù Thái Hà vẫn còn đền ca công ở làng Thái Hà. Đền nằm trong khuôn viên rất rộng, vẫn là nơi sinh hoạt thường xuyên của các thế hệ nghệ nhân của giáo phường. Tôi may mắn khi còn nhỏ vẫn được đến nơi đây, được tiếp xúc và thưởng thức tiếng đàn, giọng ca, tiếng phách của nhiều bậc tiền nhân. Tiếc là đền ca công giờ đã không còn” – Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê chia sẻ.

Có lẽ đó cũng là đền ca công cuối cùng nằm ở khu vực nội thành và ven nội thành Hà Nội. Ngày nay ta vẫn còn biết đến một vài ngôi đền, đình ở ngoại thành Hà Nội thờ tổ nghề Ca trù hoặc có truyền thống hát Ca trù như đền Lỗ Khê ở Đông Anh, hay đình Ngãi Cầu ở Hoài Đức. Tuy nhiên, đây là những ngôi đền nằm ở vùng ngoại ô. Nếu nhìn vào lịch sử xa xưa, nó thuộc vào các vùng đất xứ Đoài hay Kinh Bắc, nằm bao quanh chứ không thuộc đất Thăng Long. Và như vậy, một nơi thờ tự dành riêng cho Ca trù của Thăng Long xưa, tức trung tâm Hà Nội ngày nay hiện coi như đã thất truyền.

Không có nơi thờ tự cũng là thực trạng của hát Xẩm ở Hà Nội ngày nay. Nhưng với nghệ thuật này, đó không phải là điều đáng quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại. Bởi hát Xẩm ngay từ khi ra đời vốn chỉ dành cho tầng lớp bình dân, thậm chí ở dưới đáy xã hội có cuộc sống cơ cực nên ngay từ xa xưa hát Xẩm cũng không có nơi thờ tự giống như các nghề khác ở những làng truyền thống khắp Thăng Long và Bắc bộ xưa kia. Hát Xẩm ở Hà Nội đã có một thời gian dài thất truyền, trước những nỗ lực của nhóm nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ ở Hà Nội như: cố GS.TS.NGND Phạm Minh Khang, Thao Giang, Hạnh Nhân, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Văn Ty, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa...

Năm 2005 dòng Xẩm Hà Nội đã hồi sinh. Cũng từ đây là một cú hích cho hát Xẩm ngày càng trở nên phổ biến, cho đến ngày nay đã trở nên quen thuộc. Nhưng nhìn vậy, đôi khi lại không phải vậy, nếu nhìn vào các bài Xẩm hot nhất hiện nay, ngoại trừ những câu hát từ cố nghệ nhân Hà Thị Cầu và một số bài của nhóm phục hồi, rồi một vài bài Xẩm mới của nhóm Xẩm Hà Thành, sẽ thấy chủ yếu những bài Xẩm triệu view lại không hoàn toàn là Xẩm, tiếng là hát Xẩm nhưng thực chất là Xẩm “biến dạng”. Bởi lẽ, nhắc đến Xẩm là phải gắn với cây đàn nhị, đàn bầu thì ở những bài Xẩm vui này, người nghệ sĩ chơi đàn nguyệt.

Hà Nội cần khẳng định vai trò cái nôi nghệ thuật truyền thống

Ở góc độ khác, khi nhắc đến Xẩm nhiều người nghĩ ngay tới Ninh Bình, và thậm chí khi nhắc đến hát Xẩm, người ta chỉ biết tới duy nhất có nghệ nhân Hà Thị Cầu, đàn và hát ở tầm cỡ báu vật sống của dân tộc cũng là người Ninh Bình. Song, Hà Nội mới chính là cái nôi lớn của nghệ thuật hát Xẩm.

Xẩm cũng đứng trước nỗi lo mai một nếu không nỗ lực và tâm huyết đến cùngXẩm cũng đứng trước nỗi lo mai một nếu không nỗ lực và tâm huyết đến cùng

Theo những ghi chép của nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, nó vẫn còn hiện hữu ở những năm của nửa sau thế kỷ 20. Thông qua những ngày Giỗ tổ nghề hát Xẩm, qua những ghi chép về các nghệ nhân hành nghề hát Xẩm khắp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội vẫn là nơi có nhiều nghệ nhân bậc tài ba hoạt động nhất, chẳng hạn như: Nguyễn Văn Nguyên (trùm Nguyên), Thân Đức Chinh, Vũ Đức Sắc... Cho nên, sau những nỗ lực phục hồi phần âm nhạc của các nghệ sĩ đã nhắc đến ở trên, nếu khôi phục nét văn hóa của hát Xẩm mang tính truyền thống ở Hà Nội, thì Hà Nội sẽ hồi sinh thêm một nét văn hóa truyền thống đặc sắc gắn liền với phố phường Thủ đô một thời.

“Không phủ nhận hay đánh giá chất lượng nghệ thuật, độ hay dở... mà ở đây cả đàn và hát đều là giai điệu của Xẩm, nhưng chúng tôi chỉ nói rằng đó không phải là Xẩm đúng nghĩa. Có điều, nó lại ngày càng trở lên phổ biến và lấn át cả hát Xẩm truyền thống gắn với những câu hát và tiếng đàn nhị, bầu. Rõ ràng nếu cứ tình trạng này, có thể hát Xẩm lại thêm lần nữa trên đà bị mai một hoặc biến dạng”. Nhạc sĩ, nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Cũng giống như Ca trù, hát Xẩm, hát Văn cũng chung tình trạng. Nhìn bề ngoài, hát Văn giờ đây là thể loại ca hát dân gian đình đám nhất, thu hút nhiều người trẻ, già gắn liền với nghề hát này nhất, tức là nó đang có một lực lượng nghệ sĩ dân gian hùng hậu nhất. Lý do là bởi nghệ thuật âm nhạc này được sinh ra gắn liền với nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Song ở góc độ nghệ thuật âm nhạc, như chia sẻ của Nghệ nhân Ưu tú Lương Trọng Quỳnh (Hà Nội), thì “những người hành nghề hát Văn hiện nay càng ngày càng bỏ bớt và rồi dần dần không còn theo các quy chuẩn đàn, hát. Yếu tố mà chỉ mấy chục năm trước đây trở về trước các cụ nghệ nhân rất chú trọng”.

Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha (phố Yên Ninh) năm nay tròn 100 tuổi, là một trong số hiếm hoi nghệ nhân hát Văn được người trong nghề tôn hàng di sản sống hiện nay từng chia sẻ: “Xưa, mỗi lần có các cuộc thi hát văn thì hầu như chỉ có các cung văn Hà Nội đi thi, chứ các tỉnh rất ít. Không phải vì họ thua tài mà vì cung bậc hát văn của Hà Nội có những sắc thái riêng”. Cụ Kha cho biết thêm riêng ở Hà Nội có gần hai chục lối hát: Phú rầu nghe buồn, phú chênh nghe man mác, phú nói chững chạc uy nghiêm...

Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh cũng là học trò của cụ Kha, nói thêm rằng “ngày trước muốn được các cụ cho học đàn, hát phải theo các cụ rất lâu, các cụ để ý xem có đủ đam mê không rồi các cụ sẽ chú ý đến năng khiếu. Đủ các yếu tố cần các cụ mới dạy. Mà dạy rất lâu rồi mới cho đi hát”. Giờ đây, những đặc trưng riêng, phong phú của âm nhạc hát văn đất Hà Thành theo đúng lối truyền thống hầu như không còn thấy ở những sinh hoạt gắn với hát văn. Thậm chí nhiều giá hầu còn khai thác đủ loại âm nhạc từ dân ca khác đến nhạc nước ngoài, nhạc mới.

“Chúng tôi luôn có một niềm tin chắc chắn rằng, chỉ cần Ca trù, hát Văn, hát Xẩm là đủ một bức tranh cô đọng nhất về nhu cầu âm nhạc truyền thống trong văn hóa tinh thần của người Hà Nội. Và cũng nơi đây là cái nôi có thể sinh ra, có thể chỉ nuôi dưỡng và phát huy những nghệ thuật này lên tới đỉnh cao. Cho nên, Hà Nội cần nhìn nhận vai trò của mình đối với việc bảo tồn và hồi sinh và phát huy những giá trị đó”- nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định.
Nghệ thuật nào cũng có những thay đổi theo thời gian, nhưng những thay đổi phải như thế nào để cho nó vẫn là nó chứ không phải là các biến thể khiến cho nó ngày càng xa với những nét đặc trưng vốn có. Đây là một thực trạng đang diễn ra và ở mức báo động về nguy cơ thất truyền của một vài loại hình nghệ thuật gắn liền với Thăng Long - Hà Nội.

Kỳ sau: Phai nhạt dấu ấn nghệ thuật truyền thống nơi 36 phố phường

NGUYỄN BẢO - VÂN KHÁNH 

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng đồng thời là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.