Nỗ lực đưa công dân Việt Nam về nước

Chia sẻ

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước an toàn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ đồng bào trong lúc hoạn nạn.

Công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo với niềm vui trở về quê hương.Công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo với niềm vui trở về quê hương.

Cho đến thời điểm này, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các nước tổ chức hơn 80 chuyến bay, đưa hơn 21.000 công dân Việt Nam tại gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp năm châu trở về quê hương. Các công dân Việt Nam là trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người ốm đau, lao động hết hạn hợp đồng, không có nơi cư trú, sinh viên không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác… nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên được trở về nước.

Chuyến bay ngày 29/7 đón 219 người Việt từ sân bay tại TP Bata, Guinea Xích đạo về nước được coi là "chuyến bay lịch sử”. Bởi vì, Guinea Xích đạo là nơi Việt Nam chưa từng mở đường bay và sân bay quốc tế ở nước châu Phi xa xôi này vẫn đang trong tình trạng đóng cửa. Đáng chú ý, trong số 219 hành khách trên chuyến bay trên đã xác định khoảng 129 người mắc Covid-19. Nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 rập rình đối với bất kỳ ai tham gia chuyến bay…

Chuyến bay chưa từng có trên chỉ là một trong nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam từ những vùng dịch trở về nhà. Bắt đầu từ chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc).

Việc tổ chức những chuyến bay cứu hộ này vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Ngoại giao, các đại sứ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Chính phủ nước bạn để tăng chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại nhằm đón công dân Việt Nam, nhà đầu tư, chuyên gia về Việt Nam cũng như đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trở về nước.

Đặc biệt, đối với chuyến bay đưa lao động Việt Nam trở về từ Guinea Xích đạo, tính từ thời điểm Thủ tướng yêu cầu tổ chức chuyến bay hồi hương cho đến khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài ngày 29/7, thời gian chưa đến 3 tuần. Có thể nói đây là một chiến lược “thần tốc” trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Từ những chặng bay ngắn vài tiếng đến vài chục tiếng đồng hồ, không thể không nhắc đến những nỗ lực của các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài - những nhà ngoại giao không quản ngại ngày đêm và rủi ro nhiễm bệnh để liên hệ, kết nối, hướng dẫn, đảm bảo thu xếp chuyến bay thành công. Những đêm mất ngủ, những bữa ăn vội vàng, không ít lần căng thẳng tột độ của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, cho đến tinh thần “chiến binh” sẵn sàng phục vụ với trách nhiệm cao nhất của tiếp viên hàng không và thành viên tổ bay. Rồi, những hy sinh thầm lặng của lực lượng quân đội, nhường doanh trại làm khu cách ly tập trung và thâu đêm suốt sáng lo từng bữa ăn miễn phí cho hàng chục ngàn người Việt Nam từ nước ngoài về và cả người nước ngoài đến Việt Nam...

Rõ ràng, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của những “chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” đã góp công vào thực hiện thành công những chuyến bay hồi hương - đáp ứng mong chờ, tháo gỡ khó khăn, bức xúc của bà con ta ở nước ngoài. Những chuyến bay trọn nghĩa tình đồng bào, thể hiện sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát ở nhiều nơi trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 6/8, “thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với nỗ lực cao nhất của các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở nguyện vọng của công dân và năng lực cách ly trong nước”, thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp.

Đứng trước những thử thách khắc nghiệt, tinh thần “đặt mạng sống của người dân lên trên hết” đã biến thành quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống đại dịch. Và chính từ đó, sức mạnh của dân tộc ngày càng được khơi dậy sâu sắc hơn. Với những người Việt xa xứ, Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay, như khẳng định của Thủ tướng, “quê hương chính là nơi để trở về”.

VINH HÀ

 

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.