Phòng đọc thiếu nhi – điểm “sinh hoạt hè” đặc biệt tại Hà Nội

Chia sẻ

Những phòng đọc thiếu nhi tại thư viện, trung tâm văn hoá của các tổ chức phi chính phủ và một số nhà sách là địa chỉ gợi ý để các gia đình “cho trẻ ra ngoài” trong dịp cuối tuần hay những ngày hè.

Với sự thân thiện, hiện đại, phòng đọc thiếu nhi không chỉ có những kệ sách dày đặc mà còn được thiết kế và trang bị thêm nhiều thiết bị hỗ trợ để trở thành không gian đa chức năng vừa cuốn hút, hấp dẫn vừa giúp trẻ phát triển toàn diện.

Hoạt động ngoại khóa: Kể chuyện theo sách của một trường tiểu học ở Hà Nội được tổ chức tại Thư viện văn hóa thiếu nhi (Thư viện Quốc gia)Hoạt động ngoại khóa: Kể chuyện theo sách của một trường tiểu học ở Hà Nội được tổ chức tại Thư viện văn hóa thiếu nhi (Thư viện Quốc gia).

Hình ảnh mới của không gian mô phạm

Tại Hà Nội, không gian đọc sách cho trẻ rất phong phú và nhiều sự lựa chọn tùy theo nhu cầu, lứa tuổi của trẻ, điều kiện của gia đình. Phổ biến và bình dân nhất là phòng đọc thiếu nhi tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội với 2 cơ sở tại 47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm và số 2B Quang Trung, quận Hà Đông. Bên cạnh đó là hệ thống phòng đọc sách tại Trung tâm văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức… dành cho các bạn chuyên ngữ với các sách báo, tạp chí, phim, truyện bằng ngôn ngữ sở tại. Phát triển mạnh nhất trong thời gian gần đây là phòng đọc của các nhà sách và một số cá nhân đam mê văn hóa đọc, tự đứng ra thiết kế, xây dựng với các đầu sách, truyện ngụ ngôn, cổ tích nổi tiếng tại Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là nguồn sách, truyện bằng tiếng Anh giúp trẻ có thể trau dồi, phát triển ngoại ngữ; một số phòng đọc miễn phí cho học sinh nhưng cũng có một số phòng đọc thu phí.

Trái với hình dung của nhiều người, trong đó có thế hệ 7X, 8X, về phòng đọc sách mang tính chất khá mô phạm với sách là nguồn tài nguyên duy nhất thì các phòng đọc sách hiện nay thực sự là một không gian văn hóa, được đầu tư khá bài bản, chuyên nghiệp về mặt thiết kế tạo sự thân thiện, gần gũi, nhiều màu sắc và tươi mới, phù hợp với đối tượng độc giả nhỏ tuổi. Ấn tượng nhất, có lẽ phải kể đến Thư viện Văn hóa thiếu nhi trực thuộc Thư viện Quốc gia. Là phòng đọc thiếu nhi trực thuộc đơn vị công lập nhưng ngay từ những ngày đầu ra mắt cách đây 3 năm, Thư viện Văn hóa thiếu nhi được nhiều người “dán nhãn” 5 sao, tạo sự quan tâm của rất đông của các bậc phụ huynh và học sinh. Cho đến nay, đây là địa chỉ được nhiều gia đình đánh giá cao và tin tưởng khi gửi con đến đọc sách vào dịp cuối tuần hay những ngày hè.

Các độc giả nhí đang đọc sách tại phòng đọc thiếu nhi, Thư viện Hà NộiCác độc giả nhí đang đọc sách tại phòng đọc thiếu nhi, Thư viện Hà Nội.

Đó là không gian đẹp về mặt thẩm mỹ; đồ sộ về mặt dữ liệu, tư liệu; thân thiện với trẻ nhỏ; đặc biệt, có sự đầu tư trang thiết bị tiên tiến hỗ trợ hoạt động đọc và trải nghiệm văn hoá thông qua hệ thống nhạc cụ dân tộc truyền thống, đồ chơi, xem phim từ đó kích thích sự sáng tạo, ham tìm hiểu, xây dựng niềm vui và thói quen đọc sách. Ngoài Thư viện Quốc gia, mô hình này được xây dựng tại Thư viện Hà Nội. Về quy mô, diện tích, phòng đọc của Thư viện Hà Nội khiêm tốn hơn nhưng đều có điểm chung là việc trưng bày sách được thiết kế xinh xắn trên các giá gỗ với những màu sắc bắt mắt; xen kẽ các giá trưng bày là hộc ngồi thư giãn. Ở không gian này, độc giả nhí không hẳn là chỉ ngồi ghế, đặt sách lên bàn đọc như ở lớp học mà có thể ngồi bệt, duỗi chân, thậm chí nằm dài ra sàn để cùng nhau đọc sách, trao đổi, khám phá và thư giãn.

Bên cạnh việc đọc sách trong không gian hiện đại, sạch sẽ, các độc giả nhí có thể thực hành thêm một số hoạt động năng khiếu khác tùy theo sở thích như học nhạc, chơi đàn, vẽ tranh, sáng tạo sản phẩm hay tham gia các buổi thảo luận, nghe kể chuyện hoặc thực hành kể chuyện theo sách tại sân khấu mini có trang bị âm thanh. Ngoài đọc sách, vẽ tranh, chơi nhạc, một hoạt động khác cũng cuốn hút các em học sinh là xem các phim hay dành cho trẻ em tại các phòng chiếu riêng. Ở đó, có các ghế ngồi phù hợp với trẻ em, tường cách âm và được trang bị máy chiếu, hệ thống âm thanh hiện đại. Sự xuất hiện của phòng chiếu phim tại không gian đọc sách là một kết hợp hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam; tạo nên không gian phức hợp để mỗi trẻ em khi đến đây có thể đọc, nghe, xem và chơi, kích thích sự sáng tạo, tinh thần ham học, qua đó hỗ trợ các em phát triển năng động và toàn diện.

Khoảnh khắc riêng dành cho gia đình

Nhằm phát triển văn hóa đọc, cùng với các phòng đọc thiếu nhi tại thư viện, hệ thống các nhà sách, quán cà phê sách, một số phòng đọc do các cá nhân tổ chức đã có sự đầu tư phòng đọc để độc giả có thể thưởng thức các cuốn sách hay, những trích đoạn hấp dẫn. Đây là địa chỉ được nhiều gia đình trẻ lựa chọn để tạo cho mình những khoảnh khắc riêng để sống chậm trong dịp cuối tuần. Trong khi phòng đọc ở các thư viện thường không cho bố mẹ đi kèm (với trẻ từ 6 tuổi trở lên) thì các nhà sách, quán cà phê hay phòng đọc tư nhân lại bố trí khu vực dịch vụ, bán đồ uống kèm theo. Tuy nhiên, do hoạt động đọc sách cần không gian yên tĩnh nên khu vực này thường đề nghị mọi người giữ trật tự, không nói chuyện riêng, không nói cười to, không bật nhạc... Vì thế, các nhà sách thường không thích hợp với những người thích sự ồn ào, náo nhiệt; đó là không gian dành cho những người thích sự bình yên, tĩnh lặng, bỏ lại sự tấp nập, vội vã, đông đúc của phố phường để tìm cho mình không gian riêng, để hưởng thụ nhịp sống chậm trãi, từ tốn.

Góc đọc sách thân thiện tại một nhà sách ở Hà NộiGóc đọc sách thân thiện tại một nhà sách ở Hà Nội.

Ở đó chỉ có tiếng động khẽ nhẹ của những trang sách được lật nhẹ nhàng, của những giọt cà phê tý tách trong cốc nước hay nụ cười nhẹ nhõm, thân thiện khi thưởng thức một trích đoạn, một bài thơ hay… Dân dã hơn là hình ảnh những đứa trẻ ngồi bệt trên đất, trên các bậc cầu thang chăm chú thưởng thức những cuốn truyện hay; những ông bố, bà mẹ hướng dẫn và cùng con say mê đọc sách cũng là những hình ảnh đẹp trong những ngày cuối tuần. Quan trọng hơn, hoạt động này góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu niên; mang lại cho trẻ những trải nghiệm hữu ích trong ngày nghỉ cuối tuần, những ngày hè ở một không gian nhẹ nhõm và an toàn; đồng thời gắn kết tình cảm gia đình, mang lại cho các thành viên phút giây thư giãn.

Phòng đọc thiếu nhi tại các thư viện dành cho trẻ từ 3-17 tuổi, thủ tục đăng ký làm thẻ được đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện tối đa cho người đọc. Độc giả có thể nộp trực tiếp tại Thư viện, đăng ký qua trang web và trang fanpage của Thư viện; phí duy trì thẻ từ 30.000 – 40.000 đồng/năm; các em học sinh có thể đọc sách tại phòng, đăng ký mượn về nhà. 

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.