Vượt qua nỗi sợ mới có hạnh phúc

Chia sẻ

Người phụ nữ ấy mới 48 tuổi, có một chồng, một con gái đang học năm thứ 3 đại học ở Hà Nội. Chị sống ở một vùng quê ngoại thành, chỉ mất 30 phút đi xe buýt là đã vào tới thành phố. Vậy mà phải nhờ người gọi điện tới VP Tư vấn tâm lý hôn nhân - gia đình, rồi được chuyên viên tư vấn động viên mãi chị mới dám cầm máy kể về câu chuyện đời mình.

Chị nói đi, nói lại một câu: “Các bác ơi, giúp em với, chứ sống thế này em cũng chết sớm mất thôi”, nhưng khi các chuyên viên tư vấn trao đổi, trò chuyện, giúp chị tháo gỡ khó khăn, câu đầu tiên chị ấy đáp lại là “em… sợ”…

Khi được hỏi rằng hiện nay chị làm gì để sinh sống, chị nói thẳng: “Em có làm gì đâu, trước kia thì trông coi con cái, phục vụ chồng, nay con lớn, đi học đại học rồi thì cũng bận ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi con gà, con vịt… cũng hết ngày”. Người đi làm duy nhất là người chồng, nhưng bữa đực, bữa cái, thu nhập cũng không nhiều, lại phải nuôi cả nhà, nuôi con học đại học. Đã vậy, chồng còn hay nhậu nhẹt, chơi lô đề, không đưa tiền cho vợ thường xuyên, có những hôm chị phải nhặt nhạnh con cá, lá rau trong vườn để có bát cơm, bát canh cho mình và bố mẹ chồng. Đã vậy, hai năm nay anh ấy lại… “cặp bồ” với một cậu thanh niên, cậu ấy cứ nhắn tin hay gọi điện thoại là anh ấy cuống lên, tìm mọi cách đi khỏi nhà ngay. Có hôm đi với cậu ấy vài ngày, toàn thuê nhà trọ ở với nhau. Lấy cớ là phải chăm sóc, nuôi nấng cha mẹ, nên anh ấy cũng được các chị em gái khá giả hỗ trợ, mỗi tháng mỗi người cũng vài triệu đồng, nhưng anh ấy dùng để mua quà, “bao trai” hết. Vợ nhắc đến là anh ấy chửi. Anh ấy bảo: “Mày ngu lắm, mày có nói cũng chẳng ai tin đâu, cứ im mồm lại có cái mà ăn, láo là tao đuổi ra khỏi nhà thì chỉ có đi ăn mày. Cái hạng mày có ăn mày cũng không ai cho!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi các chuyên viên tư vấn hỏi về tình hình sức khỏe thì chị bảo chị vẫn khỏe mạnh, bố mẹ chồng cũng chưa đến 70, cả hai còn khỏe mạnh, ít ốm đau. Thấy vậy, chuyên viên tư vấn hỏi:

- Chị có khi nào nghĩ mình nên đi làm, vừa có tiền chủ động cuộc sống, vừa được mở mang đầu óc, không bị chồng coi thường là loại ăn bám, thậm chí mình có tiền để hỗ trợ con học đại học nữa?

- Em sợ chồng em không cho đi. Em cũng sợ nhà cửa không ai trông coi, bố mẹ chồng em ai lo cơm nước – người phụ nữ đáp – Mấy người họ hàng bên nhà em cũng bảo em cứ bỏ đi làm công ty, để chồng em phải tự lo toan công việc gia đình, chăm sóc bố mẹ anh ấy, mới thấy em vất vả thế nào, nhưng em sợ… lão ấy bảo em “đi làm để lấy cớ theo trai”.

- Thế thật sự khi gọi điện tới văn phòng, chị mong muốn chúng tôi giúp đỡ gì? – chuyên viên tư vấn tiếp tục.

- Em khổ lắm. Chồng em coi em chẳng ra gì, cứ bảo em ăn bám. Không quan tâm đến em thì thôi, nhưng đến bố mẹ anh ấy, anh ấy cũng khoán trắng cho em. Em cứ đụng đến là chửi rủa em, bảo em là đồ vô tích sự. Ngang nhiên đi cặp bồ với đàn ông mà em nói còn bảo em “im mồm thì có cái mà ăn, nói ra thì cho mọi người biết thì sẽ ra đứng đường”. Bây giờ em không biết phải làm gì để anh ấy sống tử tế với em, quan tâm tới gia đình hơn, bỏ trò đi “chơi trai” tốn tiền, tập trung lo cho con học hành? – người phụ nữ nói lên mong ước của mình – Nhiều lúc nhục quá, em chỉ muốn tự tử cho xong, nhưng lại thương con, nó là con gái mà có mẹ tự tử, sau này khó lấy chồng.

- Khi không thay đổi được người khác, chúng ta nên thay đổi chính mình. Thay vì ngồi đấy mà ước chồng phải thế này, phải thế kia, thì chính mình cũng cần làm một số việc để thay đổi thực trạng cuộc sống hiện nay. Thật ra, nhiều người phụ nữ còn bi đát hơn chị nhưng người ta mạnh dạn thay đổi, dám bứt phá, chấp nhận những khó khăn ban đầu, rồi sau đó cũng có cuộc sống tốt đẹp hơn – chuyên viên tư vấn động viên, khích lệ người phụ nữ.

- Nhưng em cũng chưa biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu, em sợ… người phụ nữ lại buột miệng hai từ “em sợ”.

Chuyên viên tư vấn can thiệp ngay:

- Từ giờ phút này, chị không được nói hai chữ “em sợ” nữa. Nếu chị muốn thay đổi đời mình, thì chúng ta cùng nhau bàn bạc, tôi tin là chị sẽ có cuộc sống tốt hơn hiện nay. Trước tiên, bố mẹ chồng còn khỏe, còn tự phục vụ bản thân, không phải ốm liệt giường, nên không cần chị túc trực hàng ngày cơm bưng nước rót, hầu hạ. Nói với bố mẹ chồng và chồng rằng mình sẽ đi làm, nói như chị đã quyết định rồi và quyết tâm đi, chứ không phải để xin ý kiến. Chị chưa đến 50, còn sức khỏe, có nguyện vọng đi làm kiếm tiền là chính đáng, là cần thiết, không việc gì phải sợ. Tùy chị cân nhắc, lựa chọn công việc cho phù hợp. Nếu ở quê chị hoặc gần đó có khu công nghiệp, nơi người ta thường xuyên tuyển dụng lao động, xin vào đó mà làm. Làm ở công ty thì làm có giờ giấc, có ca kíp, sáng đi làm, tối vẫn về nhà cơm nước cùng gia đình được. Hai là, chị có thể ra Hà Nội, tìm kiếm các công việc phù hợp như phục vụ quán ăn bình dân, quán nhậu, làm ở các xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ, thậm chí làm người giúp việc cũng tốt. Đi làm, chị sẽ có thu nhập, sẽ thay đổi vị thế của mình, không ai dám gọi chị là “con ăn bám” nữa. Có tiền, chị sẽ chi tiêu cho bản thân, gia đình, lo cho con, không phải chỉ ngửa tay nhận tiền từ chồng. Đi làm, chị không có thời gian rảnh để suy nghĩ tiêu cực, được giao lưu, tiếp xúc với người khác, đầu óc cũng mở mang, nhanh nhẹn lên. Có điều kiện tài chính, chị cũng sẽ chăm sóc được bản thân mình hơn. Làm ở Hà Nội, có thể chị phải ở nhà thuê, nhà trọ, nhưng nhiều người lao động tỉnh lẻ họ vẫn làm vậy, không sao. Đặc biệt, con gái chị đang học ở Hà Nội, mẹ con có cơ hội gặp nhau nhiều hơn…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

- Những cái “bác” vừa nói, em có thể làm được, nhưng… em sợ - người phụ nữ vẫn không bỏ được nỗi sợ - Em sợ em đi khỏi nhà, chồng em lại cấm không cho em về nữa. Hoặc em đi, anh ấy đưa hẳn cậu kia về ở cùng, mà bố mẹ chồng em hiền lành, chẳng nói được anh ấy đâu…

- Thôi, chị có thể bớt lo cho người này, người khác, tập trung lo cho bản thân mình trước đã – chuyên viên tư vấn kiên trì trao đổi – Chị đi là đi làm, trước khi đi có nói cho mọi người biết, có điều kiện vẫn sáng đi tối về, chứ không phải trốn nhà, bỏ nhà ra đi. Người đàn ông 50 tuổi như anh ấy phải có trách nhiệm với bố mẹ mình. Anh ấy không thể thích đuổi vợ lúc nào được lúc đó đâu. Đặc biệt, tình cảm vợ chồng cũng có mặn nồng gì nữa đâu, nên anh ấy có theo gái, hay rước trai về nhà chị cũng khó lòng mà ngăn cản. Chị ở nhà cũng có khiến anh ấy tốt lên đâu.

- Em vẫn muốn theo dõi, bắt quả tang chồng em ngủ với “cái thằng kia” – người phụ nữ đột ngột chuyển hướng câu chuyện – Em có nên thuê người theo dõi không? Thuê ở đâu? Có tốn tiền không?

- Vâng, đúng là việc chồng cặp bồ với trai là điều ám ảnh với chị - chuyên viên tư vấn bày tỏ sự đồng cảm – Nhưng làm việc gì cũng cần phải hỏi rằng “mình làm việc đó để làm gì?”. Giả sử chị có theo dõi, có thuê người bắt quả tang chồng chị ngủ với người con trai khác thì chị sẽ làm gì? Đây có phải là việc ưu tiên hàng đầu của chị không? Đó chưa kể hiện nay chị và bố mẹ chồng phải sống vất vả, nhờ con cá lá rau vườn nhà, lấy đâu món tiền lớn để làm những việc chưa rõ để làm gì ấy! Hãy ra đi, bứt phá, làm lại từ đầu, lo cho mình có miếng ăn, đồng tiêu, có chút dành dụm cho tương lai mới là việc cần làm. Khi mình đã tự lập, tự chủ, tùy theo tình hình cụ thể mà quyết định chuyện tình cảm vợ chồng. Ly hôn hay đánh ghen, giữ chồng đều không phải là việc làm lúc này. Chị cũng đừng quên gặp gỡ những bà chị gái của chồng, tâm sự cho họ hiểu mọi chuyện, rằng tiền hàng tháng họ đưa để phụng dưỡng cha mẹ đều do chồng chị cầm và chi tiêu riêng. Rằng trong thời gian tới chị sẽ đi làm, các chị gái cần cắt cử, luân phiên qua lại thăm nom ông bà…

- Nhưng em chưa có tiền, nếu có đi làm cũng cần phải có thời gian đi xem ở đâu người ta thuê công nhân, hay chỗ nào người ta cần người. Đi làm thì sẽ ở đâu, khi chưa có lương thì ăn uống ra sao đã, chứ em chưa thể đi ngay được – người phụ nữ bày tỏ sự băn khoăn về “quyết định lớn lao” của mình.

- Đúng rồi – chuyên viên tư vấn nói – Mình trao đổi với nhau để chị nhìn thấy con đường tương lai, rằng sẽ phải gạt bỏ những nỗi sợ hãi lâu nay, thay đổi cuộc đời mình bằng việc đi làm kiếm tiền. Còn bao giờ đi, đi đâu, đi xa hay gần, làm việc gì… là chuyện cần có thời gian cân nhắc, thậm chí tham khảo anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết của chị nữa. Chị chỉ cần nhớ rằng chị sẽ bị chồng cản trở, anh ấy quen sống mọi việc dồn lên vai chị rồi. Đặc biệt, có chị coi nhà và trông nom cha mẹ, anh ấy tha hồ tự do với cuộc sống riêng của mình. Nay chị đi, mọi sự sẽ xáo trộn, anh ấy chắc chắc không thích, không muốn, có thể kiếm cớ gây sự, dọa nạt. Tuy nhiên, chị phải khẳng định mọi người đều có quyền và nghĩa vụ lao động, tạo ra thu nhập, đóng góp cho cuộc sống chung của gia đình, không được lùi bước, nản chí…

Câu chuyện còn khá dài. Cuối cùng, người phụ nữ cũng vâng vâng, dạ dạ, nói sẽ “nghe theo lời bác bảo”, nhưng thâm tâm của người tư vấn cũng không dám chắc chắn rằng người phụ nữ đó có dám làm một điều xứng đáng để thay đổi số phận của mình, hay lại lại buông xuôi khi gặp ý kiến ngăn trở. Đúng là hạnh phúc của mỗi người là do chính bàn tay, khối óc của người đó làm nên, đừng ai cho rằng “cái số mình nó khổ” hay người khác có số sung sướng. Những người hạnh phúc nhờ may mắn có nhưng không nhiều.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.