“Đừng kể tên tôi” - cuốn sách chân thực về người lính

Chia sẻ

Tôi bị ám ảnh với cuốn sách “Đừng kể tên tôi” của nhà văn Phan Thúy Hà – một tập sách vô cùng chân thực về thân phận của những người lính thời hậu chiến. Họ đã trải qua chiến tranh tàn khốc và họ đã mang theo ký ức, nỗi đau còn mãi tới tận bây giờ.

Ảnh bìa cuốn sách "Đừng kể tên tôi".Ảnh bìa cuốn sách "Đừng kể tên tôi".

“Đừng kể tên tôi” là cuốn sách mà nữ tác giả đã dành rất nhiều thời gian để tự mình đi tìm gặp và ghi lại các câu chuyện ý nghĩa của những người lính may mắn trở về từ cuộc chiến. 21 câu chuyện là 21 số phận người lính trước và sau chiến tranh được kể mộc mạc, giản dị từ chính những người lính và gia đình, người thân của họ.

Tôi nhớ như in câu chuyện viết về người lính Nguyễn Văn Tranh, tiểu đoàn phó đã bị một mảnh pháo cắt đôi ống tay trái từ khúc tay trở ra. “Cánh tay dính vào cơ thể chỉ bằng một mảnh da và cụm gân. Trong lúc đó, tổ liên lạc đang cố gắng băng bó cho anh thì anh ra lệnh cho liên lạc tiểu đoàn là anh Kiều Duy Tý chặt đứt ngay phần lủng lẳng băng bó cho tiện”. Sự anh dũng của những người lính trở đi trở lại dường như bất tận trong mỗi câu chuyện, khiến thế hệ trẻ chúng tôi ngưỡng mộ và biết ơn.

Điều khiến tôi thấy nhức nhối, đau xót là giữa những giây phút cận kề của cái chết, đối diện với những hiểm nguy ấy, người lính lại chỉ mơ đến những giấc mơ vô cùng bình dị. Đó là được về nhà ăn với mẹ và em gái một bữa cơm, được về lại hít thở không khí thân thuộc của quê nhà… Nhưng, giấc mơ giản dị ấy lại không dễ dàng để thực hiện, bởi có những người lính chưa kịp về thì đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc.

Cuốn sách “Đừng kể tên tôi” còn cho tôi biết thêm những điều nghiệt ngã nơi chiến trường. Đó là có những người chiến sĩ không chết vì bom đạn mà họ chết vì đói, vì bệnh sốt rét và cả những con thú ăn thịt.

Nếu như những câu chuyện nơi chiến trường làm người đọc khâm phục, ngưỡng mộ, thì câu chuyện của số phận những người lính còn sống trở về được kể trong cuốn sách lại khiến người ta ám ảnh. Mỗi trận đánh có thể giống nhau về tính chất, về sự khốc liệt, nhưng mỗi vết thương mà người lính mang trên mình lại mỗi người mỗi khác. Cuốn sách đã cho tôi hiểu những vết thương, những nỗi đau thể xác và tinh thần ấy đã không ở lại nơi chiến trường mà vẫn đeo đẳng theo người lính suốt cuộc đời họ.

Bài dự thi cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 10 - “Một thập kỷ vì văn hoá đọc cho thiếu nhi” xin gửi về địa chỉ email: baophunuthudo@gmail.com hoặc địa chỉ Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Bài dự thi ghi rõ tên tuổi, trường lớp, địa chỉ và số điện thoại liên lạc.

Tôi không thể quên câu chuyện “Hầm tránh bom Mỹ, và giờ hầm là nơi tôi trốn chạy khi chồng lên cơn”. Đó là câu chuyện về một người lính, trong trận đánh đêm mồng 2 Tết Mậu Thân, anh bị một mảnh đạn ghim sâu vào thái dương, gây ảnh hưởng đến thần kinh. Trở về sau cuộc chiến, vết thương vẫn không ngừng hành hạ anh, mỗi khi trái gió trở trời là anh lại lên cơn, cứ xung phong rồi chạy khắp nơi. Thậm chí, nhìn vợ con anh tưởng là địch nên đánh, có khi đốt luôn cả nhà mình. Cuộc sống trớ trêu cứ thế tiếp diễn, không để cho họ một phút bình yên. Biết bao cảnh đời của người lính sau chiến tranh cũng đau thương như thế, khiến những người trẻ tuổi như chúng tôi càng cảm thấy thấm thía hơn cái giá của hòa bình; của độc lập tự do mà thế hệ cha anh đã phải trả. 

Và, đọc “Đừng kể tên tôi”, tôi biết rằng: “Nếu thời gian quay ngược trở lại, họ vẫn sẽ hành động như thế. Họ vẫn chiến đấu và hy sinh hết mình dù biết rằng sẽ có những vết thương để lại”. Và họ, dẫu hàng ngày bị hành hạ bởi những vết thương trên thân thể, trong tinh thần, phải vật lộn với cuộc đời cơm áo gạo tiền vất vả, cực nhọc… nhưng họ vẫn không muốn kể tên hay những đóng góp xương máu của mình. Bởi với họ, được sống và trở về đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường.

Cuốn sách “Đừng kể tên tôi” cũng cho thấy một điều, dù những người lính ấy không muốn kể về mình, nhưng “không có bất cứ ai, không một điều gì bị bỏ lại hay bị lãng quên”. Tôi biết ơn nhà văn Phan Thuý Hà khi cho chúng tôi, những người trẻ hôm nay, được thấu hiểu và nghiêng mình trước sự hy sinh của những người lính ấy…

TRẦN THU PHƯƠNG
Lớp 8A2 - Trường THCS Đức Thắng)

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.