Nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Chia sẻ

Gần đây, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở một số khu vực trên thế giới, khiến nhiều nước tái áp dụng các biện pháp giãn cách, phòng dịch nghiêm ngặt. Trong bối cảnh Việt Nam đang mở lại dần một số đường bay quốc tế, đưa công dân có nguyện vọng về nước như hiện nay… người dân cả nước, đặc biệt là Hà Nội tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Nhiều người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng.Nhiều người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng. (Ảnh: Quang Hùng)

Khoảng 1.000 người nhập cảnh vào Hà Nội mỗi ngày

Ngày 6/10 vừa qua, thông tin anh N.V.D (SN 1997, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, đi Nhật Bản hôm 30/9) có kết quả dương tính với Covid-19, khi xét nghiệm bằng test nhanh tại sân bay Haneda (Tokyo, Nhật Bản), khiến huyện Quốc Oai phải rà soát 37 trường hợp tiếp xúc gần và đã xét nghiệm PCR. May mắn xét nghiệm PCR sau đó của anh D, cùng 4 người nhà và các trường hợp khác liên quan đều cho kết quả âm tính. Trong tuần qua, thành phố (TP) cũng ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Theo đánh giá của BCĐ phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, dù tình hình dịch bệnh của TP cơ bản đã được kiểm soát tốt, nhưng với đặc điểm là một đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn tiềm ẩn, chẳng hạn: trường hợp nhập cảnh (trong đó không loại trừ nguồn nhập cảnh trái phép từ đường mòn, lối mở); hàng hóa nhập cảnh nếu không kiểm soát kỹ có thể có mầm bệnh, hay người khỏi bệnh nhưng có thể tái nhiễm khi về nơi cư trú…

“Tới đây, khi dự kiến mỗi ngày có khoảng 4 chuyến bay thương mại với hơn 1.000 người nhập cảnh vào Hà Nội, việc đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm việc cách ly những người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan là điều rất quan trọng” - ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định.

Đáng nói, trong điều kiện bình thường mới, nhiều cửa hàng đã mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh, sản xuất được khôi phục thì người dân lại đang có tâm lý chủ quan, lơ là: không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, việc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay gần như không còn, các vách ngăn dần được gỡ bỏ…
Theo nhận định của các chuyên gia, khi thế giới chưa có vắc-xin, mùa đông năm nay sẽ thật sự khắc nghiệt đối với công cuộc phòng chống dịch. Hà Nội cũng không ngoại lệ, bởi virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Vì thế, hơn lúc nào hết, mức độ cảnh báo nguy cơ lây lan Covid-19 cần được nâng lên; người dân phải tự giác hơn nữa trong áp dụng các biện pháp phòng dịch. Bởi chỉ cần xuất hiện 1 ca Covid-19 trong cộng đồng, mức độ lây nhiễm sẽ rất nhanh, thiệt hại tới đời sống, kinh tế-xã hội rất khó lường mà sự việc bùng phát dịch tại Đà Nẵng trong tháng 7 vừa qua là một bài học sâu sắc.

Chống dịch theo quy tắc “5K”

Lo ngại trước thực tế trên, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo các cơ quan, đơn vị cũng như mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc quy tắc “5K” của Bộ Y tế: Khẩu trang (đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người) – Khử khuẩn (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, vệ sinh các bề mặt, nhà cửa, vật dụng thường tiếp xúc) – Không tụ tập đông người – Khoảng cách khi tiếp xúc người khác cần giữ ở mức an toàn – Khai báo y tế khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện. Có như vậy, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung mới đảm bảo “niệm vụ kép”, vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. “Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo của TP, Công điện số 1300/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để dịch lây lan hoặc cơ sở y tế không bảo đảm an toàn” – đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu.

Cụ thể, các địa phương, đơn vị cần ngăn ngừa, không để lây lan dịch từ nguồn trong nước bằng các biện pháp: Tuyên truyền người dân thực hiện đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng; hạn chế tập trung đông người và các sự kiện tập trung đông; đối với những sự kiện do các cấp ủy, chính quyền tổ chức thì phải bảo đảm nghiêm công tác phòng, chống dịch; các nhà máy, xí nghiệp, chợ, siêu thị, quán bar, vũ trường... phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; tiếp tục tăng cường phòng dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế khám, chữa bệnh.

Đối với trường hợp nhập cảnh, các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm việc giám sát, cách ly với các trường hợp nhập cảnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung tại khách sạn và các cơ sở do quân đội quản lý; tiếp tục thực hiện nhanh nhất việc khoanh vùng, truy vết, dập dịch khi phát hiện ca bệnh.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.