Những mẹ chồng sẵn sàng cùng con dâu “tìm con”

Chia sẻ

Câu chuyện về ứng xử đẹp trong gia đình vẫn còn rất nhiều trong cuộc sống thực, trong đó, hình ảnh bố mẹ chồng thấu hiểu, chia sẻ, không tạo áp lực cho các con trong hành trình tìm cảm giác làm cha, làm mẹ vẫn được nhiều người ngưỡng mộ.

Những câu chuyện đẹp về gia đình

Gần 10 năm kết hôn, vợ chồng con trai út của bà Rây (Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa có con. Nhưng bà vẫn bình tĩnh an ủi các con: “Con cái trời cho, trước sau gì rồi cũng sẽ có”.

Bà Rây sinh được hai con, con gái đầu đã kết hôn và có con, còn con trai thứ hai đã lập gia đình và chưa có con. Chồng bà lại là con trưởng trong gia đình, nên áp lực có cháu đích tôn để “nối dõi tông đường” đè nặng lên vai vợ chồng con trai bà. Thế nhưng, thấu hiểu sự vất vả, mệt mỏi của các con trong quá trình chữa hiếm muộn, bà luôn đỡ đần, chia sẻ, giúp con vun đắp tình cảm vợ chồng, đồng thời động viên các con trong quá trình chuyển phôi.

Khi mới kết hôn, vợ chồng con trai bà đã mang bầu nhưng không may, trong quá trình cấn thai, chị bị nhiễm cúm Rubella nên hỏng thai. Từ đó đến nay, dù đã chữa chạy khắp nơi, nhưng niềm vui được làm cha mẹ của anh chị mãi vẫn chưa tới. Bà Rây biết, mình mong có cháu một thì vợ chồng con trai mong có con gấp mười lần. Bởi bản thân bà, dù đã có hai cháu ngoại, nhưng hễ ai nhỡ miệng hỏi thăm, bà cũng thấy chạnh lòng, huống hồ vợ chồng con trai bà hằng ngày phải chịu những lời ra tiếng vào của hàng xóm láng giềng. Vì thế, bà luôn tự dặn mình không được tạo áp lực cho các con. “Hai đứa từng làm thụ tinh nhân tạo rồi mà chưa được. Nhưng tôi tin, các con tôi sẽ sớm cho tôi bồng bế cháu” - bà nói.

Hằng ngày, bà luôn nhắc các con giữ gìn sức khỏe cẩn thận. Bà mua những món ăn tốt cho phụ nữ để tẩm bổ cho con dâu, hoặc nhắc con trai không uống rượu bia, không dùng chất kích thích hay thuốc lá để đảm bảo sức khỏe nam giới. Bà còn hỏi thăm các bạn bè về các loại thuốc Đông Tây y , các địa chỉ chữa hiếm muộn rồi đưa con tới đó. Có những địa chỉ xa tận trên vùng núi cao, bà tuổi đã cao lại hay say xe, nhưng vẫn không ngần ngại cùng các con đến tận nơi.

Có dạo, con trai bà thường xuyên về muộn, lại có những mối quan hệ không rõ ràng khiến con dâu rất lo lắng, tâm sự với mẹ chồng. Một mặt, bà Rây an ủi, mặt khác gặp riêng con trai khuyên bảo: “Con về muộn không những mẹ mà vợ con cũng không ngủ được. Con cần cân nhắc làm sao vừa đảm bảo công việc vừa đừng làm cho mẹ và vợ buồn”. Bà còn nhắc nhở việc về muộn sẽ ảnh hưởng sức khỏe, khiến cho quá trình thụ tinh gặp khó khăn hơn. Từ đó, anh cân đối thời gian để về nhà sớm hơn. Thi thoảng, bà tạo điều kiện cho các con đi du lịch nhằm thay đổi không khí, thư giãn và nuôi dưỡng hạnh phúc lứa đôi. Bà bảo: “Thấy các con buồn khổ, tôi làm mẹ càng buồn hơn nhiều. Vì vậy, tôi chỉ có thể cố gắng giúp con ở mức độ có thể”.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn kể, trong quá trình tư vấn hạnh phúc cho các cặp đôi của mình, ông thường gặp không ít trường hợp vợ chồng yêu thương nhau, muốn chung sống với nhau trọn đời, nhưng “ông giời” không cho họ cái may mắn được làm cha, làm mẹ, họ đã biến tình yêu thành những… điều kỳ diệu. Đó là một người chồng biết mình không có khả năng làm bố, đã “cho phép” vợ đi kiếm con ở bên ngoài, tức là nhờ ai đó giúp để mình có thai, rồi hai người nói với gia đình rằng đấy là con của hai vợ chồng. Thương chồng, người phụ nữ “không nỡ” làm cái điều chồng nói, bởi chị biết thương vợ, anh nói thế thôi, chứ trong thâm sâu trong lòng, không người đàn ông nào muốn người đàn ông khác giúp vợ mình có thai. Anh động viên chị đến viện làm thụ tinh nhân tạo, chị nói thẳng với chồng: “Có 5 con, 10 con, rồi cả đời làm lụng vất vả, nuôi con, cuối cùng chúng cũng trưởng thành, đi hết ấy mà, vẫn lại là hai ông bà già ở với nhau. Vậy chi bằng, chúng ta cứ sống vui vẻ, giữ gìn sức khỏe, tiết kiệm để có tiền sống thoải mái. Khi già, chúng ta nương tựa vào nhau. Em không muốn vì chuyện này mà anh khổ sở. Từ nay, không nói đến chuyện này nữa nhé…”. Đôi vợ chồng ấy sau này gọi điện lại cho ông, vẫn kể về câu chuyện tìm kiếm con suốt mấy chục năm trời mà không có, nhưng họ vẫn nắm tay nhau, vẫn mỉm cười hạnh phúc và dành trọn vẹn thời gian để chăm sóc lẫn nhau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hay một người phụ nữ khác không may bị vô sinh, nhưng người chồng không muốn chia tay vợ, không muốn bị bố mẹ và gia đình gây áp lực lên vợ, anh đã bí mật đi “xin ở đâu đó” một giấy xét nghiệm tinh dịch đồ, kết quả cho thấy anh không có tinh trùng, nên không thể có con. Anh bảo vợ: “Cấm em làm lộ thông tin này ra nhé. Anh thấy cũng không cần thiết lắm phải có con, vì anh có nhiều việc phải làm, nhiều điều mang lại niềm vui. Còn nếu em muốn có đứa trẻ cho vui, anh sẽ cùng em liên hệ với bệnh viện phụ sản hoặc trại trẻ mồ côi để xin một đứa con nuôi…”. Câu chuyện đó vẫn giữ bí mật đối với hai vợ chồng. Người vợ vì thế, không bị mọi người gièm pha, chỉ trích, trong lòng cảm kích tấm lòng và tình yêu chung thủy sắt son và chồng dành cho mình…

Hay câu chuyện của chị Thu mà tôi biết, khi biết mình khó có con, chị đã yêu cầu chồng được ly hôn để anh làm tròn trách nhiệm sinh con đẻ cái cho gia đình và dòng họ. Nhưng anh không đồng ý. Chồng chị nói: “Không có con thì mình nhận con nuôi, có gì đâu em. Quan trọng là vợ chồng sống phải yêu thương nhau”. Ấy thế mà sau mười năm chờ đợi, không ít lần có rồi lại hỏng, chị có thai tự nhiên, lại là thai đôi. 9 tháng 10 ngày mang bầu vất vả, chị hạ sinh hai bé, 1 trai 1 gái kháu khỉnh. Chị thầm cảm ơn chồng đã luôn bên cạnh, che chở cho vợ trước miệng lưỡi thế gian, đồng hành cùng vợ trong hành trình tìm cơ hội làm mẹ cho mình…

Đừng tạo áp lực cho phụ nữ

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, con cái là sợi dây gắn kết tình cảm vợ chồng. “Nếu hỏi những cặp đôi lấy nhau rằng “anh chị lấy nhau làm gì?”, bên cạnh “những câu trả lời hoa mĩ” như để chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì người ta cũng nhắc đến việc “để sinh con, đẻ cái”. Như vậy, một trong những mục đích hôn nhân của người Việt là để sinh con. Như vậy, không sinh được con là mục đích của hôn nhân không được thỏa mãn, nên nhiều trường hợp hiếm muộn, vô sinh dẫn tới ly hôn hoặc phải bằng cách này hay cách khác để có con, kể cả những cách “không đàng hoàng”” – chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhận xét.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo chuyên gia Đinh Đoàn, người ta cứ nói oang oang rằng “thiên chức của người phụ nữ là làm vợ, làm mẹ”, vậy không sinh con thì không hoàn thành thiên chức, người phụ nữ sẽ bị đối xử bất công, thậm chí còn bị bạo lực! Có nhiều người còn tỏ ra không hài lòng, chỉ trích cô vợ “không biết đẻ”, nhiều bố mẹ chồng cay nghiệt ép con trai ly hôn vợ hay tìm người phụ nữ khác cho con mình. Thậm chí, nhiều người chồng không hiểu và thông cảm cho vợ đã ngang nhiên ngoại tình, có con riêng… “40% nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn là do người vợ, 40% là do người chồng, 20% còn lại là do cả hai hoặc chẳng tại ai, hoặc không rõ nguyên nhân. Khi vợ chồng ăn ở với nhau trên 1 năm, có đời sống tình dục đều đặn mà chưa có thai lần nào, cả hai vợ chồng cần đưa nhau đi khám (nhớ là cả hai cùng được khám), để xác định nguyên nhân hiếm muộn” – chuyên gia cho biết.

Với khoa học kỹ thuật, y học hiện đại, đa số những trường hợp hiếm muộn, vô sinh đều có thể được khắc phục nhờ các thủ thuật hỗ trợ sinh sản. Vì vậy, các cặp vợ chồng khi chậm có con hãy tin tưởng vào khoa học hiện đại, không đổ lỗi, không đánh cãi nhau, không cầu cúng, lễ bái, hoặc chạy chữa bởi những ông lang, bà lang mà chưa được cấp phép hành nghề. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy thông cảm, hỗ trợ để các con bình tâm, không quá lo âu trong quá trình tìm kiếm con cái. Hai vợ chồng đều có sự hiểu biết, đồng tâm hiệp lực chạy chữa (vì rất tốn tiền bạc và thời gian). Bố mẹ chồng, anh em chồng có nói ra nói vào mà được người chồng cảm thông, che chắn, đỡ đần… thì không đáng sợ. Ngược lại, sẽ là vô cùng bất hạnh đối với người phụ nữ nếu người chồng khát con, nhưng lại thiếu kiên trì, thiếu tình yêu thương vợ, thiếu cả tiền bạc và trách nhiệm! “Hãy nhớ, vô sinh hay hiếm muộn là điều “không ai mong muốn”, nên không ai có lỗi, chỉ là thiếu may mắn thôi. Nếu không thể chấp nhận cuộc hôn nhân không sinh con thì cùng nhau thuận tình ly hôn, đừng gây áp lực cho người vợ khiến họ phải “làm liều”, cố có con bằng những cách “không trong sáng” – chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn khẳng định.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.