Hà Nội nêu 5 kiến nghị của thành phố với Thủ tướng Chính phủ

Chia sẻ

Chiều 28/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021.

Trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, UBND thành phố đã ban hành Chương trình hành động với 12 nhóm nhiệm vụ và 238 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Trong quý I/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng cao hơn cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,13%). Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều tăng cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7% - gấp 1,75 lần cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,4%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 6,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 6,8%, gấp 3 lần so với cùng kỳ (quý I-2020 tăng 2,3%). Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,12 tỷ USD, giảm 1% (quý I-2020 giảm 18,1%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 6,988 tỷ USD, tăng 4% (quý I-2020 giảm 21,3%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 72.753 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán Trung ương giao (đạt 28,9% dự toán thành phố giao), bằng 101% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 67.165 tỷ đồng, tăng 8,2% - gấp 1,58 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội cũng thu hút đầu tư nước ngoài đạt 101,5 triệu USD; thu hút 20 dự án đầu tư vốn trong nước với số vốn 3.241 tỷ đồng.

“Thành phố Hà Nội cũng thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trong đợt bùng phát thứ tư, Hà Nội đã qua 40 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự buổi làm việc.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự buổi làm việc.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng nêu 5 kiến nghị của thành phố với Chính phủ. Trong đó đề nghị Thủ tướng xem xét, sớm ký ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố để triển khai thực hiện.

Về lĩnh vực kế hoạch đầu tư công, thành phố đề xuất Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2022-2025, đồng thời hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc khi đầu tư các cầu lớn qua sông Hồng.

“Thành phố đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương trình Quốc hội phê duyệt đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; phê duyệt chủ trương đầu tư đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc sử dụng vốn đầu tư công và nguồn vốn khác...”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.

Về lĩnh vực quy hoạch, với việc đã phê duyệt 6 phân khu quy hoạch đô thị khu vực nội đô lịch sử, thành phố đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn thành phố lên 40%-60%; cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ hai tại địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm…

Thành phố cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị thành phố đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô. Đặc biệt, tại đô thị trung tâm hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm. Nghiên cứu cấu trúc thành phố trong thành phố và thị xã trong thành phố...

Đối với công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai, thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.