Xử lý kỷ luật lao động với phụ nữ mang thai như thế nào?

Chia sẻ

Chị gái em đang mang thai, đã vi phạm kỷ luật lao động của Công ty nên đang bị xem xét, dự kiến áp dụng mức khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng.

Câu hỏi

Chị gái em đang mang thai, đã vi phạm kỷ luật lao động của Công ty nên đang bị xem xét, dự kiến áp dụng mức khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng. Ngoài ra, Công ty còn yêu cầu chị em bồi thường tương ứng với mức thiệt hại mà chị gây ra. Mong Báo PNTĐ giải đáp chị ấy vì đang mang thai thì có được giảm nhẹ hay lùi thời điểm bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại hay không?

Đinh Thị Thu (Hoài Đức, Hà Nội)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời
Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Các hình thức kỷ luật lao động bao gồm khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải.

Theo khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019, việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

“a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản”.

Về nguyên tắc, không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Cho nên, nếu chị của bạn chỉ có một hành vi vi phạm kỷ luật lao động, Công ty chỉ có thể áp dụng một trong hai hình thức kỷ luật khiển trách hoặc kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng, không được áp dụng cả hai hình thức này như thông tin của bạn. Ngay cả khi người này đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động, Công ty cũng chỉ được áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

Khoản 4 của Điều này quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

“a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;

d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Cho nên, nếu chị gái của bạn đang mang thai, Công ty nơi chị bạn làm việc không được xử lý kỷ luật lao động đối với chị ấy trong thời gian này.

Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng. Khi hết thời gian người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, theo khoản 2 Điều 123 của Bộ luật này, “nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên”.

Bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 129 của Bộ luật này như sau:

“1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”.

Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

Cũng cần lưu ý, hướng dẫn về thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại, Điều 72 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định:

“1. Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại là 6 tháng kể từ ngày người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.

2. Không xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động đang trong thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động.

3. Khi hết thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên”.

Theo đó, trong thời gian chị gái của bạn mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, Công ty cũng không được yêu cầu chị của bạn bồi thường thiệt hại. Nếu hết thời hạn đó mà thời hiệu đã hết hoặc còn không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

Luật sư: HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.