Công ty mới thành lập có phải đóng bảo hiểm cho người lao động không?

Chia sẻ

Theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Câu hỏi

Tôi mới thành lập công ty nên thuê một số người vào làm việc. Khi ký hợp đồng lao động (có thời hạn và không xác định thời hạn) họ yêu cầu công ty tôi đóng bảo hiểm xã hội cho họ. Xin hỏi báo PNTĐ: Công ty tôi mới thành lập có phải đóng bảo hiểm cho người lao động không? Nếu có thì việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động được quy định cụ thể như thế nào? Xin cám ơn quý Báo.

Hoàng Thái Anh

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời

Theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;”

Đối chiếu quy định của pháp luật thì công ty chị đã đi vào hoạt động và ký kết hợp đồng lao động, trong đó có cả hợp đồng lao động có thời hạn và Hợp đồng lao động không xác định thời hạn nên những người lao động này thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do vậy, người lao động yêu cầu công ty đóng bảo hiểm cho họ là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.

Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động (cụ thể là trách nhiệm của công ty chị trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động) như sau:

“1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

7. Định kỳ 6 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này”.

* Điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 45 quy định Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
“Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này”.

* Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội quy định Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

“1. Trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 38 của Luật này, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí.

2. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần”.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động và khoản 2 Điều 92 Luật An toàn thực phẩm cũng có những quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động trong các vấn đề ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất.

Như vậy, khi công ty chị thực hiện ký kết hợp đồng lao động với người lao động thì phải có trách nhiệm Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; Giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động, trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật…. (Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Mức đóng và phương thức đóng là hằng tháng người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động cụ thể: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất (khoản 2 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.