Bạch Mai hỗ trợ toàn diện công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang

Chia sẻ

"Khi phải đối mặt với đại dịch tới 4 lần, thì nó không còn khiến cho người đi chống dịch cảm giác hoang mang nữa. Vì chúng tôi đã lường trước được cách thức mình phải làm để có thể khống chế dịch" là những chia sẻ của TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai chi viện chống dịch tại Bắc Giang.

Hiểu thêm về sự chia sẻ và hoạt động hỗ trợ Bắc Giang chống dịch Covid-19 lần này, báo Phụ nữ Thủ đô đã có trao đổi với TS.BS Đỗ Ngọc Sơn.

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn (phải) và ThS. BS. Nguyễn Trọng Khoa trao đổi về thiết kế của Trung tâm hồi sức tích cực tại BV Tâm thần.TS.BS Đỗ Ngọc Sơn (phải) và ThS. BS. Nguyễn Trọng Khoa trao đổi về thiết kế của Trung tâm hồi sức tích cực tại BV Tâm thần.

- Ông và đoàn chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai đến chi viện chống dịch tại Bắc Giang từ ngày nào ạ?

- TS.BS Đỗ Ngọc Sơn: Chúng tôi đến Bắc Giang chắc được khoảng 2 tuần rồi. Tôi chỉ nhớ, khi nhận được lệnh điều động là tôi và đoàn công tác lập tức lên đường để kịp dự cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Y tế với lãnh đạo tỉnh ở UBND tỉnh chiều hôm đó.

Nói chung, đi chống dịch là quên khái niệm thời gian vì ở đây tất cả mọi ngày đều giống nhau, không có Thứ 7, Chủ nhật. Tôi đã tham gia chống dịch lần thứ 4 rồi, từ ổ dịch Bạch Mai, Đà Nẵng, Hải Dương và hiện tại là Bắc Giang. Và chưa bao giờ đi chống dịch mà tôi lại hẹn chính xác ngày về!

- Sự chi viện của đội ngũ chuyên gia BV Bạch Mai đối với Bắc Giang lần này cụ thể từng bộ phận được phân công như thế nào, thưa ông?

- TS.BS Đỗ Ngọc Sơn: Đoàn của Bệnh viện (BV) Bạch Mai chúng tôi chia thành 4 nhóm cơ bản. Nhóm chuyên về chống nhiễm khuẩn do TS.BS Trương Anh Thư, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, phụ trách. Nhóm này có trách nhiệm tư vấn thiết kế hệ thống phòng, chống nhiễm khuẩn trong các bệnh viện hoặc bệnh viện dã chiến nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa nhất cho bệnh nhân, đặc biệt là nhân viên y tế.

Nhóm thứ hai là nhóm đào tạo chuyên môn do ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Khoa Truyền nhiễm phụ trách. Như tên gọi, nhóm này lo tập huấn các vấn đề truyền nhiễm và cập nhật phác đồ điều trị COVID-19.

Nhóm thứ ba là chuyên về hồi sức cấp cứu. Nhóm này rất lớn gồm các chuyên gia từ các khoa như hồi sức tích cực, chống độc, Khoa cấp cứu A9 đảm nhiệm. Nhóm này giúp hỗ trợ xây dựng các BV dã chiến, cũng như sẵn sàng cấp cứu cho các bệnh nhân điều trị tại BV dã chiến và các trung tâm hồi sức cấp cứu.

Đồng thời, nhân sự nhóm này cũng hỗ trợ từ việc phân luồng các bệnh nhân cấp cứu, điều trị các tình huống cấp cứu và hồi sức. Cùng với đó là tư vấn về các kiến thức, kỹ năng để hồi sức cho bệnh nhân suy hô hấp, bệnh nhân COVID-19 nặng.

Nhóm thứ tư là nhóm hỗ trợ, bao gồm các chuyên gia liên quan đến thiết bị, dược, dinh dưỡng,… sẽ được đưa vào các trung tâm hồi sức tích cực (ICU) để hỗ trợ công tác điều trị, giám sát, tư vấn trang thiết bị cho BV dã chiến, trung tâm hồi sức.

Có thể nói BV Bạch Mai hỗ trợ toàn diện công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Giang. Đó là chưa lể lực lượng hơn 300 thầy trò của Cao đẳng Y tế Bạch Mai hỗ trợ Bắc Giang thực hiện tiêm chủng 150 nghìn liều vắc xin cho công nhân và người lao động Bắc Giang trong thời hạn 1 tuần.

- Lần này, ông cùng đoàn chuyên gia BV Bạch Mai tiếp tục được Bộ phận ban thường trực Bộ Y tế tại Bắc Giang tin tưởng giao công tác thiết lập các BV dã chiến, trung tâm ICU. Ông có cảm thấy áp lực không?

- TS.BS Đỗ Ngọc Sơn: Mỗi đợt dịch có đặc thù riêng. Tôi cho rằng đợt sau bao giờ cũng khó khăn hơn vì chủng vi rút lần này có tốc độ lây lan mạnh hơn do là biến chủng mới, số lượng người mắc tăng hơn, phạm vi rộng hơn và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiều hơn. Nhưng đổi lại, chúng ta lại có nhiều kinh nghiệm hơn trong vấn đề phòng chống, điều trị bệnh nhân từ những đợt dịch trước.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, chắc chắn chúng ta cần phải thiết lập những cơ sở chuyên biệt để phục vụ công tác chống dịch. Khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh, các cơ sở y tế trở nên quá tải, đặc biệt là các cơ sở y tế chuyên về bệnh truyền nhiễm, do đó việc thiết lập các BV dã chiến chính là nơi tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp nghi nhiễm để theo dõi, điều trị và sàng lọc.

Chúng tôi đã khảo sát, góp ý và hoàn thiện quy trình xây dựng BV dã chiến. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, chúng tôi đã bắt tay vào xây dựng BV dã chiến tại nhiều địa điểm, đặc biệt nhất là BV dã chiến số 2 đặt tại Nhà thi đấu tỉnh với hơn 600 giường để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.

- Không chỉ nhanh chóng xây dựng BV dã chiến, trong thời rất ngắn, ông và đoàn chuyên gia BV Bạch Mai đã phối hợp với các đơn vị để thiết lập được 2 trung tâm ICU. Đây là điều rất đặc biệt trong lần chống dịch này!

- TS.BS Đỗ Ngọc Sơn: Trước nay, trung tâm ICU thường được xây dựng ngay trong BV dã chiến, là một phần của BV dã chiến. Tuy nhiên, lần này chúng ta đã biến hẳn BV thành Trung tâm ICU với 58 giường đặt tại BV Phổi và BV Tâm thần với 101 giường ICU.

Thực tế, BV Tâm thần tỉnh Bắc Giang có đặc thù là chưa bao giờ có trung tâm ICU nên bài toán đặt ra là phải làm mới 100%. Chúng tôi đã phải tiến hành khảo sát kỹ từng độ rộng của cửa, tải trọng thang máy, phòng bệnh có thông thoáng, hành lang có thể tách được luồng đi của bệnh nhân và nhân viên y tế hay không... Có rất nhiều thứ cần cân nhắc khi lựa chọn viện thành trung tâm ICU lần này.

Vì thời gian hoàn thiện chỉ có 3 ngày nên chúng tôi tiến hành đồng thời vừa thiết kế, vừa thi công, vừa thảo luận sửa chữa. Tôi đánh giá cao đội ngũ thiết kế thi công của Sở Xây dựng Bắc Giang, của các đơn vị tài trợ và sự phối hợp của nhân viên y tế, ban lãnh đạo BV Tâm thần Bắc Giang tham gia công trình này. Tất cả đều hiểu được trách nhiệm, đưa ra ý kiến xác đáng đẩy nhanh tiến độ. Nhưng để vận hành tốt được thì cần có các quy trình làm việc, quy trình chuyên môn, việc phân bổ trách nhiệm, vị trí rõ ràng để nhân lực làm việc tốt trong hệ thống đó. Hiện chúng tôi đang xây dựng quy trình chuyên môn đó và đào tạo cho tất cả các thành viên tham gia vào công tác điều trị.

- Thời gian vừa qua, các ca bệnh trong quá trình theo dõi, được phát hiện kịp thời đã giúp giảm thiểu mức độ tăng nặng của các ca bệnh. Ông có chia sẻ về trường hợp cụ thể nào mà đội điều trị Bạch Mai đã xử lý được không?

- TS.BS Đỗ Ngọc Sơn: Thực tế vận hành mới thấy từng cơ sở điều trị sẽ có nhiều trường hợp phát sinh, khó lường. Đội ngũ y bác sĩ BV Bạch Mai có thể căn cứ trên ngày nhiễm bệnh, ngày nhập viện, diễn biến của bệnh để dự đoán đưa bệnh nhân không có triệu chứng vào nhóm nguy cơ để theo dõi.

Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân chúng tôi theo dõi và qua những kênh hỗ trợ trực tuyến đã phát hiện ra nguy cơ cao. Từ đó đưa ra lời khuyên như phương pháp điều trị hợp lý. Ví dụ, đưa bệnh nhân vào khu vực gần nhân viên y tế để theo dõi tốt hơn; sử dụng các kỹ thuật mà cơ sở sẵn có để điều trị, tránh trường hợp diễn biến nặng không kịp kiểm soát.

Ngoài việc tham gia thiết kế, giám sát triển khai BV dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực, chúng tôi vẫn ngày đêm tham gia hội chẩn các ca bệnh nặng của BV Đa khoa tỉnh. Và trong nhóm tham gia điều trị, tôi cũng là thành viên, liên tục đưa ra các hướng dẫn điều trị, chỉnh sửa những gì mà chúng tôi thấy chưa trọn vẹn để có kết quả tốt nhất cho người bệnh. Đó là những điều mà đội ngũ BV Bạch Mai đã và đang hỗ trợ được trong đợt chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang.

- Xin cảm ơn chia sẻ của TS.BS Đỗ Ngọc Sơn!

NGỌC MAI (thực hiện)

 

Tin cùng chuyên mục

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

(PNTĐ) - Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc.
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội kiểm tra các dự án, khu chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội kiểm tra các dự án, khu chung cư tăng giá bất thường

(PNTĐ) - Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 1488/BXD-QLN gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn. Theo đó, đề nghị UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo có hiệu quả các nội dung này và có báo cáo gửi về Bộ trước ngày 20/4/2024.
Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

(PNTĐ) - Với tinh thần “đoàn kết - dân chủ - trách nhiệm - sáng tạo - phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận Bắc Từ Liêm lần thứ III, nhiệm kỳ 2024-2029 đã hiệp thương dân chủ, cử ra Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III gồm 55 đại biểu. Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III.