Hóa giải mâu thuẫn “mẹ chồng – nàng dâu” khó hay dễ ?

Chia sẻ

Thời đại ngày nay khi nhiều bà mẹ chồng “xì - tin” hơn và các cô gái trẻ khi về làm dâu đã có chính kiến hơn, chuyện mẹ chồng - nàng dâu không còn là sự áp đặt, sợ hãi mà đã trở thành cách đối nhân xử thế của những người có văn hoá.

Mẹ chồng (bên trái) nấu nước ngâm chân bằng rau mùi cho Ngọc Ánh hôm 30 Tết để con dâu đỡ tủi thân trong cái Tết xa nhà đầu tiên (Ảnh:NVCC)Mẹ chồng (bên trái) nấu nước ngâm chân bằng rau mùi cho Ngọc Ánh hôm 30 Tết để con dâu đỡ tủi thân trong cái Tết xa nhà đầu tiên (Ảnh:NVCC)

Mẹ chồng - nàng dâu là mối quan hệ gây ra nhiều ám ảnh đối với các cô gái. Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện xoay quanh mẹ chồng khiến người ta xuýt xoa, như câu chuyện của Quách Ngọc Ánh (sinh năm 1997) trong một group trên mạng xã hội. Ánh kể, mình may mắn cưới chồng lại có mẹ chồng - cô Đoàn Thị Minh Tuyên ở Hải Phòng chăm lo như con đẻ, để ý con dâu từng chút một, yêu thương, chăm sóc.

Một tuần sau khi Ánh làm dâu, mẹ chồng cô đã viết một bài đăng dài lên facebook con dâu để chia sẻ tâm tình của mình: “Làm dâu mẹ phải thức dậy trước 11h sáng, bắt con trai mẹ giặt quần áo, nấu cơm, lau nhà. Con tuyệt đối không được rửa bát vì xà phòng ngấm vào móng tay sẽ bị bong bị hỏng. Mẹ rút kinh nghiệm từ mẹ, phụ nữ lười một chút sẽ hạnh phúc. Đừng cái gì cũng làm hết, biết hết, không cần quá giỏi quá đảm đang. Hãy luôn cười thật tươi và trang điểm, diện bộ váy thật xinh”.

Nhiều người bình luận hỏi xin bí quyết của Ánh để làm dâu được yêu thương. Cô bật cười: “Mình chẳng có bí quyết gì cả nhưng lúc nào cũng suy nghĩ rằng cứ coi mẹ chồng như mẹ đẻ thì mẹ sẽ coi mình như con đẻ. Hãy cứ suy nghĩ tích cực lên và đón chờ những điều tốt đẹp phía trước”.

Đúng là có những câu chuyện về mối quan hệ hôn nhân khiến người ta phải tấm tắc mãi. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế, chuyện mẹ chồng - nàng dâu hiếm khi được như vậy.

Lý giải về mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu tồn tại suốt nhiều giai đoạn lịch sử, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa cho biết: Xung đột là một bộ phận tự nhiên trong đời sống gia đình. Các gia đình thường có bất đồng từ nhỏ đến lớn, chỉ khác nhau về tần số, mức độ, tính chất, biểu hiện và cách giải quyết. Trong đó, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu rất phổ biến. Trong chế độ cũ, mẹ chồng thường là “nỗi kinh hoàng” của những nàng dâu vì xã hội phong kiến với quan niệm hôn nhân gả bán cho phép người ta “mua” vợ cho con khác nào mua người làm không công, trả cái nợ đồng lần mà chính người mẹ chồng trước đây phải gánh chịu. Trong hoàn cảnh ấy, đại đa số những người phụ nữ phải cam chịu, nín nhịn. Thêm nữa, với truyền thống và quan niệm “Sống lâu lên lão làng” đã ngự trị từ lâu, khi nàng dâu bước vào nhà chồng, trọng trách giáo dục, hướng dẫn thành viên mới không ai khác chính là người mẹ chồng, giống như trước đây bà được mẹ chồng của mình trực tiếp hướng dẫn. Để hòa nhập vào gia đình mới, cô dâu phải thay đổi thói quen và lối sống của mình, phục tùng sự dạy dỗ và kiểm soát nghiêm khắc của mẹ chồng, nên mâu thuẫn là điều khó tránh, thậm chí gay gắt.

Tuy nhiên, mối quan hệ này ngày nay không còn là mối quan hệ quyền uy nữa mà là mối quan hệ tình cảm nên việc điều chỉnh tâm lý, tình cảm của mỗi người là cần thiết. Để xử lý vấn đề mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu, ta có thể để hai bên xác định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ bổn phận của mình trong gia đình. Thậm chí, nếu biết mở lòng và hiểu nhau, giữa mẹ chồng – nàng dâu hoàn toàn có thể không có mâu thuẫn.

Trong Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH -TT&DL ban hành có phần bàn về ứng xử để tạo nên hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình. Theo đó, trong một gia đình việc tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ với nhau của mọi thành viên chính là sự kết nối song hành với yếu tố huyết thống và sự ràng buộc về pháp lý.

“Hạnh phúc bắt đầu từ hành vi ứng xử giữa con người với con người. Từ ứng xử tốt đẹp phù hợp dẫn đến sự nảy nở của tình cảm. Từ tình cảm trong sáng sinh ra tình yêu thương. Và bắt nguồn từ tình yêu thương đã hình thành nên gia đình mà đích đến của nó là tổ ấm hạnh phúc, là bến đỗ đời người. Với mẹ chồng – nàng dâu cũng vậy, tình cảm và sự yêu thương phải xuất phát từ hai phía, tùy thuộc vào ý thức vun đắp và “xích lại gần nhau” thì mọi chuyện mới ổn thỏa không dẫn đến mâu thuẫn, xung đột gia đình”, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh.

 CHI MAI

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.