Hà Nội: Triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho người tiêm vắc-xin Covid-19

Chia sẻ

Tính tới nay, Hà Nội đã được phân bổ 3 đợt vắc-xin Covid-19 với tổng số trên 132 nghìn liều. Nhờ nỗ lực trong triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn tiêm chủng, hầu hết các trường hợp sau tiêm vắc-xin Covid-19 có phản ứng ở mức độ nhẹ và được xử trí kịp thời.

Quy trình chặt chẽ, cách làm sáng tạo

Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, từ 11/6, Trung tâm Y tế (TTYT) quận Cầu Giấy bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đợt 3, 4 cho đối tượng thuộc các nhóm: người đã được tiêm mũi 1, đảm bảo khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ 8-12 tuần; người làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn quận; thành viên BCĐ phòng chống dịch các cấp, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn quận, phóng viên báo chí.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, hoạt động tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại đây được thực hiện rất chặt chẽ theo quy trình 1 chiều, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế: Khai báo y tế, tiếp đón, khám sàng lọc, thực hiện tiêm, theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng…

Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên tại TTYT quận Cầu GiấyTiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên tại TTYT quận Cầu Giấy (Ảnh: T.H)

Đặc biệt, quy trình sàng lọc, phân loại trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng, trì hoãn tiêm, chống chỉ định với vắc-xin Covid-19 theo quyết định số 2995/QĐ-BYT được cán bộ TTYT quận Cầu Giấy thực hiện rất kỹ lưỡng, nghiêm ngặt. “Tất cả các trường hợp có tiền sử dị ứng với các loại dị nguyên khác nhau (dị ứng thức ăn, thuốc, hóa mỹ phẩm, thời tiết…); bệnh lý mạn tính (tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu…) đã điều trị ổn định; người mất năng lực hành vi, rối loạn tri giác; người từ 65 tuổi trở lên; người có tiền sử giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu; người có bất thường dấu hiệu sống... đều được chuyển tới tiêm tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội (theo phân cấp) để đảm bảo an toàn về hồi sức cấp cứu nếu có sự cố bất thường xảy ra” - chị Nguyễn Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cho biết.

Tại TTYT quận Bắc Từ Liêm, các khâu chuẩn bị cho quá trình tiêm chủng vắc-xin từ chuẩn bị danh sách đối tượng cần tiêm, chuẩn bị địa điểm, rà soát con người, chứng chỉ tiêm chủng, trang thiết bị phục vụ cấp cứu (thuốc chống sốc, bình oxy…), tập huấn chuyên môn cho anh chị em để kịp thời xử lý sự cố phát sinh ngay sau khi rút mũi tiêm và 30 phút sau tiêm… cũng được triển khai rất nghiêm túc.

Chị Đỗ Thị Kỳ - Phó Trạm trưởng TYT phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: Tất cả moi người trong danh sách tiêm vắc-xin Covid-19 đều được cán bộ y tế khám sàng lọc rất cẩn thận, sau đó lập phiếu, đo huyết áp, cân nặng… khi đủ điều kiện sẽ được tư vấn kỹ về phản ứng phụ có thể xảy ra để người tiêm quyết định đồng ý hay không đồng ý tham gia tiêm chủng. Tại bàn tiêm, cán bộ y tế cũng giới thiệu kỹ lưỡng cho từng người tiêm thông tin về tên vắc-xin, hạn dùng, hướng dẫn tư thế tiêm chuẩn.

Đảm bảo tiêm nhanh, an toàn với chiến dịch tiêm chủng 200.000 mũi tiêm/ngày

Theo kế hoạch, tới đây Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 quy mô rộng trên toàn thành phố, cao điểm có thể đạt 200.000 mũi tiêm/ngày. Đối tượng tiêm chủng là trường hợp ưu tiên căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19; các nhóm đối tượng ưu tiên các đợt tiêm chiến dịch căn cứ theo các văn bản chỉ đạo và quy định của Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hà Nội; người dân cư trú trên địa bàn Hà Nội đủ điều kiện tiêm vắc-xin theo quy định của nhà sản xuất và Bộ Y tế.

Để thực hiện được mục tiêu trên, “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) đã xây dựng dự kiến 3 phương án tổ chức triển khai. Trong đó,  phương án 1 là thiết lập 1.000 - 1.200 điểm tiêm trên toàn thành phố, gồm cả lưu động và cố định. Phương án 2 là thiết lập 2 điểm tiêm/1 xã, phường. Phương án 3 là thiết lập điểm tiêm theo quy mô dân số” - BS Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội thông tin.

Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị của thành phố tổ chức tiêm nhanh, đạt tỷ lệ cao nhưng vẫn phải đảm bảo giãn cách, không để tụ tập đông người làm lây lan dịch bệnh khi tổ chức tiêm chủng; đảm bảo tiêm chủng an toàn, chất lượng, đúng tiến độ cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định và tiếp cận công bằng, minh bạch, công khai cho người dân…

Đề phòng trường hợp người tiêm bị sốc phản vệ, Sở Y tế cũng đã yêu cầu tất cả các điểm tiêm chủng trang bị sẵn phương tiện phòng chống phản vệ như: hộp thuốc cấp cứu phản vệ tại bàn tiêm chủng và khu vực theo dõi xử trí phản vệ sau tiêm chủng, có bảng phân công nhân lực cụ thể để xử trí phản vệ sau tiêm chủng tại từng điểm tiêm, xây dựng các phương án và quy trình xử trí phản vệ.

Tại tất cả các Trung tâm Y tế, bệnh viện, các điểm tiêm chủng lưu động đều có đội cấp cứu lưu động sẵn sàng thường trực tại đơn vị với đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu sẵn sàng tham gia cấp cứu, điều trị người bệnh khi có trường hợp phản vệ xảy ra.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.