Bi kịch gia đình vì đứa con bất hiếu

Chia sẻ

Suốt cả phiên toà, người bố tuổi cao, tóc bạc, lưng còng nghẹn giọng xin toà tha cho đứa con bất hiếu…

Nhát dao oan nghiệt

Ngày 15/7/2021, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà sơ thẩm về tội Giết người đối với bị cáo Phạm Anh Dũng (SN 1967, trú ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Bị hại trong vụ án là bố Dũng - ông Phạm Gia Thuỵ, SN 1946.

Theo cáo trạng, khoảng 19h ngày 1/12/2020, gia đình ông Thuỵ gồm ông, vợ ông là bà Nguyễn Thị Thành (SN 1951) và Phạm Anh Dũng ăn cơm tối tại nhà. Khi mâm cơm vừa dọn ra, Dũng muốn đi mua rượu về uống nhưng bị vợ chồng ông Thụy ngăn cản.

Bị cáo Phạm Anh Dũng tại tòaBị cáo Phạm Anh Dũng tại tòa

Ấm ức, Dũng cự cãi và lớn tiếng với bố, đồng thời đập chiếc bát ăn cơm trên mâm. Tuổi già sức yếu, ông Thụy chỉ biết ngăn cản nghịch tử. Bố vừa dứt lời, Dũng lập tức vung tay tát bố vài cái. Ngăn cản chồng con xô xát, bà Thành vội chạy sang nhà công an viên gần đó để cầu cứu. Khi đồng chí công an xuất hiện, Dũng và ông Thụy dừng việc cự cãi, xô xát nhau và ngồi vào bàn uống nước. Khi đồng chí công an về, cuộc cãi lộn của 2 bố con lại bùng lên. Ngay sau đó, Dũng đứng dậy ra hiên nhà lấy con dao nhọn cầm ở tay, nói: “Ông có tin là tôi đâm ông không”? Cho rằng nghịch tử chỉ dám “nói bậy”, nên ông Thụy ưỡn ngực ra thách thức. Tức thì Dũng đâm thẳng nhát dao vào ngực bố.

Bị đâm, ông Thụy kêu lên rồi ngã gục. Nghe tiếng chồng kêu, bà Thành vội đến. Bị mẹ chì chiết, nghịch tử sau đó đi thẳng sang nhà hàng xóm nhờ người gọi hộ chiếc taxi để chở ông Thụy đến bệnh viện. Hôm sau, Dũng tới cơ quan công an đầu thú. Về phía ông Thụy, do được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết. Kết luận giám định cho thấy, ông Thụy bị tổn hại 15% sức khỏe.

Tại Tòa, Dũng thừa nhận hành vi, nhưng cho rằng không cố ý tước đoạt mạng sống của bố. “Lúc đó, bị cáo đã uống chút rượu và không kiểm soát được hành vi của mình” - bị cáo hối lỗi.

Nước mắt người cha

Vợ chồng ông Thuỵ, bà Thành đã gần 80 tuổi, vượt gần 50km đến Toà để dự phiên xét xử con trai. Trước khi đi, bà Thành còn vào bếp nấu cho con một suất xôi xéo - là món mà con thích ăn nhất để mang đến Toà. Nhìn cảnh ông bà dìu dắt nhau trên tay còn cầm túi đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn vào phòng xử, ai cũng cám cảnh đến đau lòng.

Trình bày trước toà, ông Thuỵ nghẹn giọng nói, sự việc xảy ra là ngoài mong muốn của hai bố con. Con trai ông nghiện ma tuý lâu năm, nghiện rượu nên tâm tính thất thường. Mỗi lần uống rượu xong, Dũng lại chửi bới bố mẹ. Không ít lần, Dũng còn cầm dao doạ giết bố. Giờ nghị án, ông ngồi bần thần kể, trước đây, gia đình ông được coi là nền nếp, gia giáo. Hai vợ chồng sinh được ba con trai. Con trai lớn chẳng may mất trong một tai nạn giao thông khi tham gia bộ đội ở chiến trường biên giới phía Bắc. Dũng là con trai thứ hai, sau khi học xong lớp 7 thì đi học lái xe, rồi làm lái xe cho một cơ quan nhà nước. Đến năm 1982, Dũng vướng vào ma tuý. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều bị Dũng mang đi bán để có tiền chích hút. Dũng còn cầm cố xe của cơ quan, vay mượn để chích hút. Bà Thành ở nhà phải bán nhà trong phố để trả nợ cho con, rồi chuyển ra ngoại thành sinh sống. Tiền và hàng hoá mà ông Thuỵ gửi về cho vợ con đều bị Dũng mang đi bán…

Dũng đã từng đi cai nghiện nhiều lần nhưng lại tái nghiện. Vừa cai nghiện ma túy xong, Dũng lại vướng vào nghiện rượu. Mỗi lần uống rượu, Dũng không ý thức được việc mình làm, thường xuyên chửi mắng mẹ.

HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo Dũng đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm tính mạng sức khoẻ của người khác, vi phạm thuần phong mỹ tục. Dù bố Dũng không bị tử vong, hành vi phạm tội chưa đạt nhưng hành vi của Dũng là đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội. HĐXX quyết định tuyên phạt Phạm Anh Dũng 13 năm tù về tội Giết người. Nghe thế, ông Thuỵ vội đứng dậy nói trong nước mắt: Xin toà hãy tha cho cháu, gia đình tôi xin được tự dạy bảo cháu ở nhà. Tuy nhiên, vị chủ toạ giải thích, Toà xử lý theo quy định của pháp luật, ông Thuỵ có thể làm đơn kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho con trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Rời toà, Dũng vẫn quay lại nói bố mẹ hãy yên tâm, con nhất định sẽ cai rượu để trở thành người tốt. Vợ chồng ông Thuỵ vội vã bước ra theo con. Nhìn chiếc xe chở phạm nhân lăn bánh, đưa con trai về trại giam, một lần nữa, người cha nấc nghẹn. “Tôi đã dạy cho không biết bao thế hệ học sinh thành đạt, nhưng lại không dạy được con nên người…” – nói rồi, ông lau nước mắt.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.