Hàng hóa dồi dào, người dân vùng 1 chỉ cần mua hàng vừa phải, đủ dùng 2-3 ngày

Chia sẻ

(PNTĐ) - Để người dân không phải lo lắng về nguồn cung ứng hàng hóa trong thời gian thành phố thực hiện đợt giãn cách mới từ 6/9 đến 21/9, Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã có văn bản hóa tốc số 3853/SCT-QLTM gửi đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực công thương.

2 lần/tuần đi mua thực phẩm và hàng thiết yếu

Chiều 6/9, có mặt tại cửa hàng “Chợ Nông trang” ở phố Lê Hồng Phong, anh Nguyễn Văn Ba, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông cho biết: Tôi vừa được tổ dân phố phát phiếu đi chợ vào thứ 2, thứ 6 trong 2 tuần, ngay chiều nay đã phải đi mua lương thực thực phẩm cho gia đình sử dụng đến thứ 6. Anh Ba cho biết, cửa hàng có nhiều mặt hàng từ rau củ quả đến thịt cá, một số đồ ăn sẵn. Giá cả cơ bản vẫn giữ nguyên, chỉ có một vài món cảm thấy đắt hơn trước như: Bánh chưng 80.000 đồng/chiếc cỡ nhỏ 15cm x 2,5cm. “Có lẽ do ngày mai là mùng Một nên giá có tăng”. Anh Ba cho biết thêm, ngoài đi mua trực tiếp, vợ anh cũng đặt hàng online và shipper mang đến tận cửa nhà chịu thêm phí chỉ từ 20-30 nghìn đồng/ đơn hàng. “Vì vậy, gia đình tôi cũng yên tâm thực hiện đúng quy định về giãn cách xã hội của thành phố và mong sớm đẩy lùi dịch Covid-19”.  

Tại cửa hàng tiện ích Tại cửa hàng tiện ích "Chợ Nông trang" ở đường Lê Hồng Phong hàng hóa dồi dào đủ các mặt hàng

Chị Nguyễn Thu Hà ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân cho biết, "Đi làm về tôi qua chợ mua đồ thăp hương mùng 1 âm lịch và mua thức ăn. Hàng hóa tại chợ đầy đủ, giá cả vẫn ổn định. Khu vực nhà tôi có nhiều cửa hàng tiện ích nên chỉ mua vừa đủ dùng trong 2 đến 3 ngày".

Ghi nhận tại các siêu thị VinMart, Coop Mart, Mega Mart, các cửa hàng tiện ích và một số chợ Hà Đông, Khương Thượng, Nghĩa Tân… lượng hàng hóa dồi dào và số người đi chợ ngày hôm nay cũng đông hơn vì ngày mai là mùng một (âm lịch). Vì vậy các mặt hàng đồ ăn sẵn như bánh chưng, xôi, gà,… cũng được bày bán nhiều.

Giá cả các mặt hàng đều ổn định. Cụ thể, giá rau bí xanh 25.000 đồng/kg, mướp 8.000 đồng/kg (như ngày thường); cải 5.000 đồng/mớ; cao hơn tuần trước 8.000 đồng/kg; su su 15.000 đồng/kg; bắp cải 20.000 đồng/kg; giá thịt lợn 120.000-150.000 đồng/kg…; thịt bò có giá từ 180.000-250.000 đồng/kg tùy loại…

Doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp hàng hóa gấp 2-3 lần

Hệ thống các siêu thị đều bày hàng hóa dồi dàoHệ thống các siêu thị đều bày hàng hóa dồi dào

Từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, TP. Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại 3 vùng: Vùng 1 - khu vực đô thị trung tâm; Vùng 2 - phía Bắc, phía Đông sông Hồng; Vùng 3 - phía Tây, phía Nam Thành phố. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp bán lẻ đã tích cực chuẩn bị hàng hóa.

Theo ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc, hệ thống đã chuẩn bị các kịch bản bảo đảm chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Hiện, VinMart có 4 kho hàng ở Đông Anh, Thanh Trì và một kho bổ trợ ở Bắc Ninh. Các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn. Còn đối với hệ thống siêu thị Big C tăng 30%-50% lượng thực phẩm khô dự trữ so với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao, hàng tươi sống. Big C đã làm việc cùng các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng 200%-300% so với thông thường. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường. 

Ông Khúc Tiến Hà cho biết, về xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động bình thường theo luồng xanh. Nhân viên của hệ thống sẽ hoạt động theo phân vùng 1 - 2 - 3, bao gồm cả vận chuyển các đơn hàng online đến người dân. Còn tại các vùng cách ly y tế, hệ thống đã chuẩn bị các phương án để cán bộ, nhân viên thực hiện "3 tại chỗ" tại siêu thị, cửa hàng, bảo đảm cung cấp hàng hóa xuyên suốt và kịp thời đến người tiêu dùng. Hệ thống đã nhanh chóng gửi danh sách nhân viên cần được cấp giấy đi đường lên Sở Công Thương Hà Nội. Ông Khúc Tiến Hà bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn Sở Công Thương và Công an thành phố nhanh chóng hoàn thiện việc cấp giấy đi đường để phục vụ tốt việc cung ứng hàng hóa cho người dân”.

Về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị tạm đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện.

Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong Thành phố. Các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. Hiện, đã có 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối đa dạng các hình thức bán hàng (bán hàng truyền thống, bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, bán hàng không người bán, đăng ký phục vụ 24/24/7....) để phục vụ nhân dân.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở đã công khai 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng online để người dân tham gia mua sắm trực tuyến. Đồng thời sẽ chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống, giữa các vùng 1, 2, 3 và tăng cường bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24 giờ.

Về phía các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ nay đến hết ngày 21/9, doanh nghiệp bán lẻ sẽ phối hợp với các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… tổ chức những điểm bán hàng lưu động, bởi những địa phương này có ít hệ thống phân phối, hoặc chợ truyền thống bị đóng cửa do có ca F0…

Cùng với việc cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ cho Thanh phố, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản hóa tốc số 3853/SCT-QLTM gửi đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực công thương. Trong đó, văn bản đề cập chi tiết đến việc hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển (QR Codr) trong Vùng 1.

Cụ thể, đối tượng doanh nghiệp được cấp giấy gồm 4 lĩnh vực: Doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu, logistics, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thiết yếu gồm: Doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh siêu thị; doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích; đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ.

Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, LPG (đã được sở công thương cấp giấy chứng nhận của lĩnh vực này); doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hà Nội; doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhu yếu phẩm thiết yếu khác thuộc lĩnh vực công thương (tã, bỉm, sữa,…).

Về quy trình cấp giấy phép, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chuẩn bị 3 file mềm/bản scan các tài liệu sau: Công văn đề nghị của doanh nghiệp đơn vị (có ký tên, đóng dấu), lưu ý doanh nghiệp, đơn vị cung cấp đầu mối liên lạc (tên, địa chỉ, điện thoại, email…); lập các danh sách theo mẫu và việc cấp giấy sẽ được thực hiện theo hình thức online (trực tuyến).

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.