Con biết mình phải làm gì

Chia sẻ

“Mẹ đừng chăm sóc con nữa, con biết mình phải làm gì. Con đã lớn rồi” - đó là câu Bình vẫn thường nói mỗi khi mẹ làm điều gì khiến Bình phật ý.

Mà những điều ấy thì nhiều vô kể.

Bình vốn gầy gò, nói đúng hơn là Bình không có ý định ăn nhiều để cải thiện vóc dáng. Chỉ cần nghe ai đó nói đến từ mũm mĩm, tròn trịa là Bình đã không thích, nói gì đến từ béo. Bình thấy mình vẫn ổn, hoàn toàn ổn nhưng chỉ có mẹ là không thấy vậy. Mẹ suốt ngày ca cẩm, rên rỉ là Bình gầy yếu quá, mặt xanh như tàu lá.

- Con gái, mẹ đã nấu đồ ăn sáng rồi, con xuống ăn đi cho nóng.

Buổi sáng, trước khi Bình đến trường, mẹ lại lên phòng gọi và giục Bình xuống ăn sáng. Đó sẽ là một bát phở bò hai trứng, một bát xôi to với thịt kho, một đĩa bánh cuốn ăn kèm với chả. Thường thì Bình sẽ dậm chân dậm cẳng đáp lại: “Con không muốn ăn”, và phải đợi mẹ kiên nhẫn nài nỉ, dỗ dành, Bình mới ăn vài miếng rồi bỏ đó trước sự thất vọng của mẹ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đến bữa tối, mẹ thường cố gắng lèn thật nhiều cơm vào bát trước khi đưa cho Bình bởi Bình tuyên bố “sẽ chỉ ăn một bát cơm”. Và bao giờ, Bình cũng phải đùn đẩy, xới trả lại vào bát mẹ dù chỉ một miếng cơm nho nhỏ. Mẹ sẽ xót xa thốt lên: “Con phải ăn nhiều để có sức khỏe chứ. Con nhìn con kìa, nhỡ ốm thì sao”. “Con lớn rồi, con biết phải làm gì”, Bình trả lời mẹ. Bình đã là cô sinh viên đại học chứ đâu phải đứa trẻ lên năm lên bảy trong vòng tay của mẹ thủa nào.

Ngày Bình đỗ đại học, bố mẹ bàn với nhau mua cho Bình một chiếc xe máy thay cho chiếc xe đạp điện Bình vẫn đi đến trường phổ thông. Có chiếc xe mới, Bình như mọc thêm đôi cánh, tha hồ vi vu các nơi. Nào thì đi với bạn bè, đi dạo phố, đi làm các việc Bình thích, tham gia đủ loại hoạt động. Có hôm, Bình ra khỏi nhà từ sáng sớm và đi một mạch tới tối muộn mà chẳng nhớ ra mình cần gọi về nhà để mẹ yên tâm.

- “Con ơi, hôm nay con có về ăn cơm không?”, “Con gái, con về sớm đi, về muộn không an toàn đâu con”, “Con đi xe chậm thôi, đừng phóng nhanh kẻo có vấn đề gì”… Cứ thế, mẹ lại gọi điện để nói với Bình mấy câu quen thuộc đó. Tất nhiên là Bình sẽ phụng phịu đáp lại: “Con đã lớn rồi, con biết mình phải làm gì, mẹ không cần lo cho con đâu” và tắt máy.

Rồi cũng đến lúc Bình có người yêu. Đó là một anh chàng học cùng trường đại học hơn Bình hai tuổi. Mấy lần nhìn thấy cậu bạn tới nhà nhưng đỗ xe ở tít ngoài để đón Bình, mẹ lờ mờ đoán ra quan hệ của hai đứa nên bảo: “Con mời cậu bạn vào nhà để mẹ gặp mặt một chút. Mẹ là người lớn nên có kinh nghiệm nhìn người hơn con”. Bình trả lời: “Trời ơi, con đã lớn rồi, mẹ cứ kệ con đi. Con biết cách chọn một người tử tế để yêu mà”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bình không nhớ đã bao nhiêu lần cố thoát ra khỏi sự chăm sóc của mẹ. Cho đến một ngày Bình phát hiện anh chàng người yêu của mình “bắt cá nhiều tay”, vừa quen Bình vừa cưa cẩm các cô gái khác. Bình giận dữ, tổn thương vì Bình đã dành tất cả sự tin tưởng, tình yêu của mình cho người đó. Cuối cùng, trong lúc nghĩ quẩn, Bình quyết định tìm đến cái chết để con người bội bạc kia phải ân hận.

Bình tỉnh lại và thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Bên cạnh Bình là mẹ đang sụt sùi nước mắt ngắn dài. Thấy Bình mở mắt, mẹ vội reo lên: “Trời ơi, vậy là con không sao rồi. Mà sao con dại thế, con cứ bảo con đã lớn, kỳ thực con chưa lớn đâu”.

Mấy ngày sau đó, mẹ túc trực bên Bình, bón cho Bình từng miếng ăn, ngụm sữa. Nằm trên giường bệnh, Bình mới thấy cuối cùng vẫn là mẹ đã sinh ra Bình lần thứ hai.

Đó là chuyện của hơn 1 năm trước. Từ đó đến nay, Bình đã thay đổi nhiều. Bình không còn khăng khăng tự cho mình là người lớn, để rồi bỏ mặc lời khuyên can, dạy bảo của mẹ.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.