Ký ức Tung thu

Chia sẻ

Những ngày cuối tháng 9, khi những vệt nắng cuối hạ phai nhạt dần trên từng kẽ lá, cũng là lúc những cơn gió thoảng đưa mùa thu sang. Với nhiều người, thu đến lúc nào cũng mang niềm nhớ, mùa thu đến như là một quy luật thời gian của thiên nhiên đất trời, buộc con người ta phải xao lòng về những kỷ niệm, những ký ức.

Dù đã qua lâu rồi cái tuổi hồi hộp ngóng trông ông trăng tròn, tròn như cái mâm con vào Rằm tháng 8, nhưng mỗi khi đi qua con phố Hàng Mã tôi vẫn không khỏi bồi hồi nhớ lại Trung thu xưa.

Đã xa rồi những mùa Trung thu cũ. Xa rồi đêm trăng Rằm tháng Tám với tiếng trống rình rang khắp phố phường của những đoàn lân sư rồng, với ánh sáng lung linh từ ngọn nến trong chiếc đèn ông sao làm bằng giấy kính đỏ, xa rồi mâm cỗ Trung thu với mấy chiếc bánh nướng, bánh dẻo, bình trà bên ông bà, cha mẹ, và cả khoảnh khắc đêm Trung thu ngồi trên sân thượng nghển cổ cũng lũ bạn nhỏ hàng xóm nghe kể chuyện chị Hằng, chú Cuội.

Ký ức Tung thu - ảnh 1

Lũ trẻ con ở cùng số nhà năm nào cũng dành dụm tiết kiệm từng xu hào lẻ bỏ lợn, bưởi ăn xong để dành hạt phơi khô xâu vào dây đốt. Thời ấy thiếu thốn lắm! Mỗi nhà được mua một cặp bánh gói trong giấy dầu thấm đầy mỡ, tiếng trống thì thụp của trẻ con ngoài phố gõ nghe rất vui tai, những chiếc đèn ông sao, ông sư xanh đỏ buộc trên chiếc xe đạp cọc cạch của chị bán rong đi lại dọc ngang phố cổ. Tôi biết sắp Trung thu rồi đấy! Ở nhà ngoại có sân thượng lát gạch vuông đỏ, lũ trẻ con chúng tôi khệ nệ mỗi đứa bê một thứ đặt vào chiếc mâm đồng và trải báo ngồi xung quanh mâm cỗ. Ôi chao! Những bưởi, na, hồng xanh, bánh nướng, bánh dẻo, chó bông xù mua bằng tiền tiết kiệm, mỗi người 1, 2 miếng, ít mà sao thấy ngon và thiêng liêng vô cùng. Không có nhiều trò chơi hiện đại như bây giờ, dưới ánh trăng vằng vặc trông đứa nào cũng rạng rỡ ánh nhìn, rộn ràng niềm vui, đầy ắp kỷ niệm dưới trăng mà đến tuổi này vẫn nhớ...

Còn Trung thu giờ đây, lồng đèn điện được bày bán khắp nơi, bọn trẻ con chẳng còn háo hức thắp nến rước đèn đêm Rằm như ngày nào. Những chiếc bánh Trung thu được bày bán khắp nơi, chẳng còn mang ý nghĩa thiêng liêng trên mâm cỗ Trung thu theo truyền thống của mỗi gia đình như ngày xưa, mà thay vào đó, bánh Trung thu như một món quà, một tặng phẩm để thể hiện các mối quan hệ trong xã hội, người mua để mang tặng nhau thì nhiều, mà người thật sự muốn ăn bánh Trung thu thì lại chẳng có bao nhiêu vì sợ ăn vào sẽ mập, gây bệnh vì nhiều đường. Dần dần rồi với nhiều người, mỗi năm dịp Trung thu có ăn bánh Trung thu hay không cũng không còn là điều quan trọng.

Tuổi thơ tôi đi qua rồi. Giờ đây cuộc sống thời 4.0 với đủ thứ áp lực quay cuồng với cơm áo gạo tiền, tôi cũng chẳng còn cảm giác mong chờ Trung thu như ngày còn thơ bé nữa. Người ta nói đúng, có những cái mất đi vẫn lấy lại được nhưng thời gian, kí ức, tuổi thơ mãi mãi là hoài niệm trong tâm trí của mỗi người.

Tôi vẫn mong được một lần sống lại trong giấc mơ xưa cũ ấy. Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ tôi có thể đi qua hết được nỗi nhớ của mình để đo được chiều dài của ký ức tuổi thơ cùng ánh trăng Rằm đêm Trung thu. Nơi ấy có ngôi nhà chứa đầy kỷ niệm, tôi có gia đình, có ông bà ngoại, có mẹ cha, có lũ bạn con nít ngây thơ trong sáng cùng lớn lên từ những ngày thơ ấu bao cấp nhưng đầy tình thương yêu. Năm nay dịch bệnh Covid-19 căng thẳng giãn cách kéo dài, chợ Hàng Mã sẽ không lung linh đèn sao như những năm trước, trẻ con không ra đường cũng vắng đi tiếng trống gõ thì thùng, đội múa lân không đi diễu qua các phố với đám con nít lốc nhốc chạy theo sau, các gian bánh Trung thu cũng không dựng rạp trên vỉa hè với các hộp bánh đủ sắc màu. Tết Trung thu năm nay vì sức khỏe cả người lớn và trẻ con tuân thủ quy định giãn cách của thành phố Hà Nội, Trung thu sẽ ấm cúng giản dị quây quần gia đình bên mâm cỗ đón trăng rằm tại không gian ngôi nhà yên bình.

LÊ VÂN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.