Cùng nữ lao động di cư khó khăn "nắm tay" vượt qua mùa dịch

Chia sẻ

Sáng 18/9, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT), tổ chức Oxfam tại Việt Nam tặng 480 suất quà bằng tiền mặt (mỗi suất 500.000 đồng) với tổng giá trị là 240 triệu đồng tại 11 phường của 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh (thứ 2 từ trái qua) và chị Yến - Phụ trách dự án Viện LIGHT thông qua Hội LHPN phường trao quà cho các nữ lao động di cư khó khăn.Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh (thứ 2 từ trái qua) và chị Nguyễn Hoàng Yến - Phụ trách dự án Viện LIGHT thông qua Hội LHPN quận Hai Bà Trưng trao quà cho các nữ lao động di cư khó khăn. (Ảnh: T.H)

Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực của Hội LHPN Hà Nội nhằm hưởng ứng chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động. Qua đó kêu gọi, huy động cán bộ hội viên, phụ nữ cả nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát huy tinh thần tương thân, tương ái, cùng chung tay quyên góp, ủng hộ các phần quà hỗ trợ an sinh xã hội cho phụ nữ, trẻ em, nhất là đối tượng lao động di cư tự do và người dân sinh sống tại các tỉnh, thành phố đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát đến nay đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống, sức khỏe của mọi người dân trên cả nước, trong đó có những nữ lao động di cư tại Hà Nội. Với đặc thù phải thuê nhà ở, làm công việc thời vụ như: bán hàng rong, thu nhặt phế liệu, làm thuê trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ… nên khi Hà Nội triển khai giãn cách xã hội, các cô, các chị hầu hết không có thu nhập, cuộc sống bị tác động, ảnh hưởng nặng nề.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh trao quà hỗ trợ cho cô Lê Thị Hợp (đang tạm trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội).Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh trao quà hỗ trợ cho cô Lê Thị Hợp (đang tạm trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh: T.H)

Vợ chồng ly hôn, nhiều năm trước, cô Lê Thị Hợp (SN 1961, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cùng con trai nay đã hơn 20 tuổi ra Hà Nội thuê trọ, làm nghề thu mua phế liệu để sinh sống qua ngày. Theo lời kể của cô Nguyễn Thị Tuyết – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 1, phường Phúc Xá, quận Ba Đình: Ở quê, gia đình cô Hợp cũng thuộc diện hộ ngèo; nhờ sự giúp đỡ của người thân, cô xây được căn nhà nhưng chỉ cất được nóc chứ không mua được cửa.

Con trai cô Hợp hiện làm nghề chạy xe ôm, sống tạm cùng bạn ở khu vực phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội, cháu bị kẹt lại bên đó nên hai mẹ con mỗi người một nơi. Không thể đi làm đồng nghĩa thu nhập không có, khó khăn chồng chất khó khăn. Chẳng có tiền nên đến điện cô Hợp cũng không dám bật khiến căn phòng trọ chưa tới 8 mét vuông, ẩm thấp vốn đã tối vì ánh sáng mặt trời không chiếu đến nay càng tối tăm. Hầu như ngày nào cô cũng ăn mỳ tôm cho qua ngày. Có một bữa thịt no nê với cô những ngày này thực sự là một điều xa xỉ.

Đại diện lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội và Viện LIGHT tặng quà, động viên các nữ lao động di cư trên địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình.Đại diện lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội và Viện LIGHT tặng quà, động viên các nữ lao động di cư trên địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình. (Ảnh: T.H)

Hay như gia đình chị Bùi Thị Thạch (quê Nam Định), hiện đang tạm trú tại khu đường dân sinh ven sông, tổ dân phố số 1, phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Chị Thạch vốn đã yếu lại mắc bệnh về sức khỏe tâm thần. Gần 10 năm nay, chị được chồng đưa ra Hà Nội chữa bệnh. Để kiếm tiền mua thuốc cho vợ và nuôi con ở quê ăn học, chồng chị Thạch hàng ngày chạy xe ôm, làm thuê làm mướn. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát, hơn 2 tháng nay anh không có một đồng thu nhập khiến cuộc sống chật vật vô cùng.

Bởi vậy, nhận được sự hỗ trợ, những phần quà của Hội LHPN Hà Nội, Viện LIGHT, với cô Hòa hay chị Thạch đều vô cùng ý nghĩa và quý giá trong lúc này. “Nhiều lúc thấy các chị đến tặng quà, tôi xúc động mà xót xa cho chính mình. Nhưng cũng nhờ có các chị, tôi được tiếp thêm nghị lực sống tiếp, sống tốt vì biết rằng mình không đơn độc, mà luôn được các cơ quan, đoàn thể quan tâm, đồng hành, hỗ trợ” - cô Hợp nghẹn nghào chia sẻ.

Đón nhận suất quà, chị Nguyễn Thị Kim Thanh (hiện thuê trọ tại quận Hai Bà Trưng) phấn khởi cho biết: Tôi làm dọn dẹp trong một quán internet trên phố Trần Đại Nghĩa. Chồng bị tai biến nặng. Dịch Covid-19 khiến cuộc sống gia đình trở nên vô cùng khó khăn. Nay nhận được quà, tôi rất xúc động và biết ơn.Đón nhận suất quà, chị Nguyễn Thị Kim Thanh (hiện thuê trọ tại quận Hai Bà Trưng) phấn khởi cho biết: Tôi làm dọn dẹp trong một quán Internet trên phố Trần Đại Nghĩa. Chồng bị tai biến nặng. Dịch Covid-19 khiến cuộc sống gia đình trở nên vô cùng khó khăn. Nay nhận được quà, tôi rất xúc động và biết ơn. (Ảnh: T.H)

Không riêng cô Hợp, chị Thạch, mà trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn rất nhiều lao động di cư, đặc biệt lao động nữ gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trước thực tiễn ấy, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cấp huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ nữ lao động tự do và có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng này. 

Cảm ơn sự quan tâm của Hội LHPN thành phố, Viện LIGHT và các tổ chức tới chị em phụ nữ phường Phúc Xá, đồng chí Trần Thị Tố Tâm – Bí thư Đảng ủy phường chia sẻ: Phúc Xá hiện có khoảng 1.500 lao động di cư đang tạm trú trên địa bàn phường. Trong 4 đợt giãn cách xã hội, chúng tôi đã tặng 5.700 suất quà an sinh cho lao động tự do, người khó khăn trên địa bàn. Tới đây, chúng tôi mong tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm hơn, nhất là với phụ nữ di cư để họ vượt qua khó khăn. Cũng mong các chị được nhận quà hôm nay chung lan tỏa thông điệp để tất cả chị em phụ nữ di cư tham gia hoạt động Hội, xem đây như một nơi gắn kết, hỗ trợ nhau, cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nổi bật là các mô hình hỗ trợ nữ lao động nhập cư nghèo tại Hà Nội với 8 câu lạc bộ phụ nữ di cư tại 4 đơn vị (Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng) thu hút hơn 800 thành viên; 2 Chi hội nữ lao động di cư tại Phúc Tân, Hoàn Kiếm và Phúc Xá, Ba Đình; Chi hội phụ nữ trẻ ở Đông Anh; 20 nhóm tự lực, 20 nhóm nòng cốt, 15 điểm cung cấp thông tin dành cho lao động di cư tại 4 phường thuộc Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... Mô hình “Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm” tại Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng với 15 Câu lạc bộ (CLB) giúp việc gia đình thu hút 500 thành viên; mô hình “Nhà trọ an toàn” tại huyện Đông Anh hỗ trợ cho các nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư trên địa bàn có nhu cầu được tiếp cận các thông tin về nơi ở và công việc an toàn.

Chia sẻ thêm về hoạt động hỗ trợ nữ lao động di cư, đồng chí Lê Kim Anh – Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Trong 2 năm dịch diễn biến phức tạp, Hội LHPN thành phố và một số Quận, huyện có đông lao động nhập cư đã nhiều lần tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến các khu trọ để nắm bắt cuộc sống, ghi nhận khó khăn và thăm, tặng quà nữ lao động tự do, di cư. Trên cơ sở đó, Hội đưa ra khuyến nghị phù hợp, đề xuất cách thức triển khai chính sách an sinh dành cho đối tượng này.

Chị Nguyễn Hoàng Yến, phụ trách dự án của Viện LIGHT trao quà cho một phụ nữ di cư có hoàn cảnh khó khăn của quận Ba Đình.Chị Nguyễn Hoàng Yến, phụ trách dự án của Viện LIGHT trao quà cho một phụ nữ di cư có hoàn cảnh khó khăn của quận Ba Đình. (Ảnh: T.H)

Từ 27/4 đến ngày 15/9, Hội cũng đã tập trung khai thác các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho phụ nữ yếu thế, lao động di cư, với 7.338 suất quà, tổng trị giá trên 2,2 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Chương trình hỗ trợ nữ lao động di cư có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 dự kiến tiếp tục được triển khai vào tháng 10/2021. "Những phần quà ít ỏi nhưng là tình cảm, sự sẻ chia với mong muốn góp một phần nhỏ giúp chị em phụ nữ lao động di cư bớt phần khó khăn trong cuộc sống, yên tâm thực hiện tốt quy định phòng dịch, bảo vệ an toàn cho sức khỏe bản thân và cho cộng đồng" - đồng chí Lê Kim Anh thông tin.

Trước đó, Hội LHPN Hà Nội cũng đã phối hợp với Viện LIGHT gửi Thư khuyến nghị tới UBND cấp huyện và cơ sở triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 3642 và 15 của UBND Hà Nội về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, với mong muốn đảm bảo các chủ trương, chính sách của Chính phủ và thành phố được triển khai hiệu quả xuống cơ sở, không bỏ sót đối tượng nào.

Với mong muốn đồng hành, sẻ chia với phụ nữ di cư khó khăn, tới đây Hội LHPN Hà Nội và Viện LIGHT sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi để có các hoạt động hỗ trợ tiếp theo.Với mong muốn đồng hành, sẻ chia với phụ nữ di cư khó khăn, tới đây Hội LHPN Hà Nội và Viện LIGHT sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi để có các hoạt động hỗ trợ tiếp theo. (Ảnh: T.H)

Thông qua các hoạt động phối hợp hỗ trợ này, chị Nguyễn Hoàng Yến, phụ trách dự án của Viện LIGHT bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ hỗ trợ thêm nhiều đối tượng nữ lao động di cư khó khăn. “Chúng tôi cũng mong rằng, các cô, các chị được nhận quà hôm nay cũng sẽ chia sẻ, trao đổi với đồng hương của mình khi ra Hà Nội lao động, làm việc hãy tham gia tổ chức đoàn, hội tại địa phương, trong đó có Hội Phụ nữ, để khi gặp khó khăn trong cuộc sống sẽ dễ dàng, nhanh chóng nhận hỗ trợ hơn”.

THẢO HƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho lãnh đạo, cán bộ Hội các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc; các đồng chí là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Hội LHPN Hà Nội.
Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

(PNTĐ) - Ngày 15/4, Hội LHPN quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị năm 2023-2024 trong các cấp Hội và Tập huấn Quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Hội LHPN Hà Nội: Bàn giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ trên không gian mạng

Hội LHPN Hà Nội: Bàn giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ trên không gian mạng

(PNTĐ) - Ngày 17/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ trên không gian mạng”. Chủ trì hội thảo có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam và bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội.