Phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh và chuyển đổi số

Chia sẻ

Chuyển đổi số là một tất yếu, là yêu cầu cần thiết, quan trọng trong thời đại ngày nay. Chính phủ đã xác định chương trình chuyển đổi số quốc gia với 2 mục tiêu phát triển là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực vươn ra toàn cầu.

Thách thức và cơ hội

Chuyển đổi số thời gian qua đã mang lại những tác động tích cực trong một số lĩnh vực, người dân nói chung và phụ nữ nói riêng đã và đang được hưởng lợi từ thủ tục hành chính số, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, học trực tuyến… để chuyển đổi cuộc sống của mình sang hướng hiện đại, văn minh hơn. Trong lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp đang hoạt động cũng đã tận dụng công nghệ số để thay đổi quản trị doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, cách thức vận hành sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm tạo ra nhiều giá trị mới cho khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đối với phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh, cũng giống như các nhóm công dân khác, đã và đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức và chịu sự tác động, ảnh hưởng sâu sắc của chuyển đổi số như sau:

Về cơ hội, chuyển đổi số nhìn từ khía cạnh phát triển nền tảng công nghệ số đã mang lại nhiều cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh, họ có thể tận dụng trên 40 nền tảng mang thương hiệu Việt Nam được hình thành trong thời gian qua để lựa chọn, sử dụng phù hợp với quy mô, điều kiện thực tế để phát triển bền vững và có khả năng chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp. Đồng thời, có thể tận dụng mạng lưới xúc tiến thương mại điện tử để quảng cáo, tiêu thụ các sản phẩm làm ra với số lượng lớn trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, họ cũng có thể kết nối cung cấp sản phẩm cho các sàn thương mại điện tử chuyên nghiệp như: Shopee, Tiki, Sendo, Lazada; Chủ động tạo ra các kênh kinh doanh trực tuyến trên Facebook, Website hoặc sử dụng các mạng xã hội khác như Zalo, Viber… để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.

Với sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, bài toán về vốn đầu tư kinh doanh trực tuyến được nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đánh giá không còn là điểm nghẽn, khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp nói chung và phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh nói riêng khi tham gia chuyển đổi số.

Về thách thức, chuyển đổi số đòi hỏi phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp, kinh doanh cần có nhận thức đúng ngay từ đầu về việc tổ chức toàn bộ tài sản thông tin, quy trình làm kinh tế, sản xuất, kinh doanh và thiết lập các mối quan hệ vận hành trên môi trường số; Sử dụng các phần mềm thuế, kế toán, chữ ký số, nhật ký điện tử... Ngoài ra, họ cũng cần phải quan tâm đến hạ tầng số dữ liệu và nhân lực để quản trị thành công và cạnh tranh hiệu quả; Vấn đề bảo mật an toàn thông tin và tuân thủ, chấp hành, sử dụng quy định pháp luật trong quá trình hoạt động.

Về khó khăn, thực tế phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh đa số có nền tảng kiến thức về khoa học công nghệ không cao; Xu hướng đầu tư không bài bản, đồng bộ, lựa chọn công nghệ, phương tiện, máy móc cũ để giảm chi phí; Tư duy làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh tương đối độc lập, khép kín nên khả năng nhiều người không thể tham gia vào sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.

Thách thức và khó khăn trên là những vấn đề không nhỏ, không dễ đáp ứng và thay đổi ngay trong một thời gian ngắn để có thể tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số. Theo đó, trước mắt, phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh có thể quan tâm đến việc sẵn sàng chuyển đổi số, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để phát triển từng bước, tiến đến chuyển đổi số khi đủ điều kiện và năng lực.

 Bà Nguyễn Lan Hương - UVTV Thành ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cùng các đại biểu tham quan sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ Thủ đôBà Nguyễn Lan Hương - UVTV Thành ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cùng các đại biểu tham quan sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ Thủ đô (Ảnh: Nguyễn Thực)

Để phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh chuyển đổi số thành công

Làm thế nào để phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh có thể tham gia một cách hiệu quả vào công cuộc chuyển đổi số là câu hỏi đặt ra không chỉ đối với phụ nữ mà còn cho nhiều cơ quan, tổ chức để cùng đồng hành, trong đó đặc biệt là Hội LHPN Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội luôn đặt công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội, và thực tế đã có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của Nhà nước, địa phương.

Bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam cũng đã có những hoạt động thiết thực hướng đến việc thay đổi về quản trị, vận hành hoạt động của tổ chức Hội. Đồng thời, quan tâm đặc biệt đến phụ nữ làm kinh tế và khởi nghiệp kinh doanh theo hướng tiếp tục phát huy thành tựu trong hoạt động hỗ trợ theo hình thức truyền thống, và chuyển hướng dần sang mô hình đồng hành cùng phụ nữ vượt qua khó khăn để thích ứng với chuyển đổi số với nhiều hoạt động thiết thực.

Năm 2017, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh. Tuy nội dung của đề án chưa đề cập nhiều đến chuyển đổi số để hòa nhập với môi trường doanh nghiệp, kinh doanh chung, nhưng việc thực hiện đề án đã làm thay đổi nhận thức của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia nhiều hơn vào việc phát triển kinh tế, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về doanh nghiệp và mục tiêu quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2020-2030.

Để phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh chuyển đổi số thành công, tiếp tục cần có sự tham gia tích cực của Hội LHPN Việt Nam và các cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác với các giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, bồi dưỡng kiến thức cơ bản và chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng mạng internet, về chuyển đổi số cho phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh để họ nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số, yêu cầu phải đảm bảo để chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, bồi dưỡng phương pháp, quy trình, lộ trình chuyển đổi số; Phương pháp kinh doanh thương mại điện tử, quản trị doanh nghiệp thời đại công nghệ số; Cách thức xây dựng mạng lưới kinh doanh trực tuyến… Đồng thời, tạo ra các bài giảng online dạng video hoặc audio, xây dựng mô hình thực hành ảo để phụ nữ rèn luyện các kỹ năng kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, đàm phán, giới thiệu sản phẩm… trên môi trường số.

Thứ hai, tạo nền tảng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử đa dạng; Xây dựng và vận hành bản đồ thương mại điện tử dành riêng cho phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh. Nâng cao chất lượng các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp và tạo thêm các cuộc thi khác để phụ nữ được giao lưu, chia sẻ với nhau, tìm ra cơ hội hợp tác mới để phát triển.

Thứ ba, chuyển đổi số không thay thế được hoạt động sản xuất, kinh doanh, chỉ là công cụ làm cho các hoạt động này trở nên có hiệu quả hơn. Do đó, song song cùng với những hỗ trợ để chuyển đổi số, cần tiếp tục hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, vệ sinh cụ thể; Tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh lành mạnh của sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục vận động phụ nữ tiết kiệm để tự tăng quy mô vốn trong phát triển kinh tế, biết tái đầu tư từ lợi nhuận làm ra một cách thiết thực nhất.

Thứ tư, Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ xây dựng và vận hành mạng lưới chia sẻ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ đã được Hội hỗ trợ thành lập với phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh theo địa phương và liên kết địa phương hoặc liên kết vùng để cùng hỗ trợ nhau phát triển; Chú trọng hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp kinh doanh giữ gìn phẩm chất tự tin, tự trọng của phụ nữ Việt Nam trong thương mại điện tử và trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời có giải pháp để hiện thực hóa định hướng hỗ trợ 1 triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; Thúc đẩy phụ nữ tham gia thương mại điện tử; Mở rộng kết nối, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.

Ths. HÀ THỊ THANH VÂN

Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

(PNTĐ) - Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc.