Nhiều vấn đề đời sống dân sinh được đưa vào nghị trường

Chia sẻ

Trong tuần đầu tiên họp trực tuyến (từ 20-24/10/2021), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, đóng góp ý kiến cụ thể về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: Công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Công tác phòng, chống tham nhũng.

Nâng cao điều kiện sống để người lao động không phải rút BHXH 1 lần

Ngày 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020… Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, số tiền thu BHXH bắt buộc trên 261.700 tỷ đồng, tăng gần 6,3% so với năm 2019. Tổng chi chế độ từ nguồn quỹ BHXH trên 193.600 tỷ đồng (tăng hơn 15.100 tỷ, 8,47%). Trong đó, số người hưởng BHXH một lần năm 2020 khoảng 860.700 (tăng 6,65%). Quy định hiện nay là người đóng BHXH được hưởng lương hưu sau 20 năm đóng, điều kiện để rút BHXH một lần cũng dễ dàng. Nhưng theo Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, thời gian đóng BHXH ít nhất để được hưởng lương hưu có thể giảm từ 20 năm xuống 15 năm, thậm chí 10 năm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá quy định này rất tốt vì nếu người lao động tham gia đóng BHXH mà chỉ phải chờ 10-15 năm thì sẽ muốn theo đuổi tiền lương hưu. Khi rút một lần, người lao động chỉ được hưởng phần mình đóng là chính (trong BHXH có phần của người lao động đóng và phần doanh nghiệp đóng). Nhu cầu quan trọng nhất hiện nay, theo ông Vương Đình Huệ, là khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kèm theo đó là Luật về việc làm. Nếu sớm sửa đổi được các quy định này thì sẽ quản lý tốt hơn số người hưởng BHXH một lần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định vấn đề đảm bảo an sinh xã hội phải dựa trên ba trụ cột, gồm giảm thiểu rủi ro thông qua BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Khắc phục rủi ro thông qua bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách người có công; Phòng ngừa rủi ro trên cơ sở việc làm bền vững, có năng suất cao, phát triển thị trường lao động, nguồn nhân lực. Đánh giá ba trụ cột này rất đồng bộ, Thủ tướng cho rằng cần tổng kết thực tiễn, chỉ ra những điểm được và chưa được để sửa chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Thảo luận về nội dung trên, đại biểu Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn với thực tế thời gian qua, người tham gia hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng rất đáng lo ngại. Rút BHXH một lần sẽ không đảm bảo được vấn đề an sinh cho người lao động khi về già. Trong khi đó, hưởng BHXH một lần thường rơi vào số lao động trẻ tuổi, lao động nữ. Nhiều trường hợp lao động nữ đến khi sinh con là chuyển sang hưởng BHXH một lần. Qua đó cho thấy, người lao động vẫn chỉ nhìn tới những khó khăn trước mắt, không chú ý tới lợi ích lâu dài. Chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách rất cụ thể, hiệu quả để người lao động nâng cao hiểu biết cũng như điều kiện sống để họ không phải rút BHXH một lần.

Về BHYT, mặc dù tỷ lệ bao phủ đạt cao trên 90%, tuy nhiên, theo đại biểu Hà Thị Nga, các địa phương đạt BHYT cao chủ yếu rơi vào các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT, cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển đối tượng tham gia BHYT. Để giải quyết tốt hơn những vướng mắc tồn tại, kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào các nhóm gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, nhằm thay đổi nhận thức cho người dân để lo cho chính sức khỏe của bản thân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận về bảo hiểm xã hội tại tổ, chiều 22/10Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận về bảo hiểm xã hội tại tổ, chiều 22/10 (Ảnh: Hoàng Phong)

Cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến với vụ án liên quan trẻ em

Bàn về thể chế tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến trong 2 ngày 23-24/10, hầu hết các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết, phạm vi và cách thức tổ chức, cho rằng việc này vừa có ý nghĩa trước mắt để đối phó với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng vẫn bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định pháp luật, đồng thời về lâu dài góp phần từng bước xây dựng Tòa án điện tử nước ta, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nên xem xét bổ sung tổ chức phiên tòa trực tuyến hoặc bán trực tuyến trong một số trường hợp: Đối với vụ án xâm hại tình dục hay những vụ việc bị hại, bị cáo là trẻ em; Lấy lời khai của người làm chứng tại phiên tòa… Việc xét xử trực tiếp trong những vụ án này có thể gây tổn thương nhất định về tâm lý đối với người bị hại. Trong khi xét xử trực tuyến nếu được áp dụng cũng sẽ có giá trị và ý nghĩa rất lớn, thậm chí mang tính quyết định đối với những vụ việc bị hại, bị cáo là trẻ em, với tâm lý ổn định, không sợ hãi. Đây cũng là một trong những cách thức tạo môi trường thân thiện trong xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em trong hoạt động tố tụng.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ trăn trở: Dù tình hình tội phạm đã được kiềm chế nhưng một số loại tội phạm lại gia tăng, trong đó số vụ hiếp dâm trẻ em tăng đến 9,26%, số vụ giao cấu với trẻ em tăng 2,64%. Đây là một vấn đề không những bức xúc mà còn vô cùng đau xót. Hiếp dâm trẻ em là loại tội phạm thể hiện mức độ cao nhất của sự suy đồi đạo đức xã hội.

Những nạn nhân của các vụ hiếp dâm trẻ em phần lớn đều bị tước đoạt tuổi thơ, tước đoạt cơ hội hạnh phúc, để lại dấu ấn hãi hùng trong cả cuộc đời. Trong thời gian tới, dự báo loại tội phạm này tiếp tục tăng. “Là một đại biểu Quốc hội nữ, là một người mẹ, là một người đã lắng nghe rất nhiều ý kiến lo lắng của cử tri về tình hình tội phạm hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em ngày một gia tăng với tính chất nghiêm trọng hơn, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, đề nghị Chính phủ có những giải pháp quyết liệt hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn nữa để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này” - đại biểu Nga kiến nghị.

Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng Luật Đăng ký tài sản

Cũng trong 2 ngày 23-24/10, Quốc hội khóa XV đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Về vấn đề này, đa số cử tri đồng tình cho rằng, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được thực hiện và xử lý vi phạm với tinh thần cương quyết. Nhất là xử lý một số tướng lĩnh trong quân đội, công an vi phạm pháp luật, minh chứng cho công cuộc này không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn, tạo sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công, lợi ích nhóm, “sân sau” vẫn còn phổ biến. Đặc biệt, tham nhũng trong lực lượng vũ trang, ngành y, các cơ quan bảo vệ pháp luật gây bức xúc trong nhân dân; Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn chưa hiệu quả, “số mất với số lấy lại chưa tương xứng”…

Kiến nghị giải pháp để công cuộc phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, đại biểu Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu, xem xét để đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, là xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Hiện nay, chúng ta chỉ mới có kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, nhưng còn bỏ một khoảng trống rất lớn với tài sản ngoài xã hội các đối tượng đang đứng tên, chiếm, sở hữu mà có thể đó là hợp pháp hay không hợp pháp, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không...

Ngoài ra, Chính phủ nên có một lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức độ ngày càng tốt nhất, đặc biệt trong xu thế hiện nay đang áp dụng trực tuyến để thanh toán, không qua ngân hàng. Việc này cần đẩy mạnh hơn nữa để góp phần thu hồi tài sản do phạm tội mà có một cách minh bạch. Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được.

Chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu về nội dung “tham nhũng” từ các hoạt động kêu gọi, vận động từ thiện trong phòng chống dịch, thiên tai lũ lụt vừa qua, dẫn tới tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống, đại biểu Lê Minh Trí khẳng định: Theo Điều 331 của Luật Hình sự, đó là tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Thời gian sắp tới, cơ quan điều tra, kể cả viện kiểm sát và tòa án sẽ thống nhất với nhau để xem xét những hành vi này và phải xử lý để đảm bảo trật tự, kỷ cương của xã hội.

Trong tuần đầu tiên của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV cũng nghe trình bày Tờ trình và thảo luận về: Dự án Luật SĐBS một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật SĐBS một số điều của Luật Thống kê; Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Dự án Luật SĐBS một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

 YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.