Nhân ngày Dân số thế giới 11/7

Thế giới sẽ đạt 8 tỷ người: Cơ hội, thách thức vẫn còn ở phía trước

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo Dự báo dân số thế giới năm 2022 do Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc công bố, dân số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022. Đây là khoảnh khắc vui mừng cần được chào đón, nhưng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho toàn nhân loại để cùng tìm kiếm những giải pháp giúp giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

Những thách thức phải đối mặt

Công tác dân số trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong những thập kỷ qua, tuy nhiên, công tác dân số trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam vẫn còn nhiều những quan ngại cần vượt qua.

Những thách thức mà nhân loại phải đối mặt là hết sức cấp bách: các vấn đề có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ như biến đổi khí hậu, xung đột, và Covid-19… Các vấn đề này đang gây ra những tác động không đồng đều tới những nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương. Cho đến nay, hàng triệu người vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học có chất lượng. Phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa được thực hiện quyền cơ bản là đưa ra quyết định về cơ thể và tương lai của mình, và chúng ta đang chứng kiến một sự tụt hậu đáng lo ngại về việc thực hiện quyền của phụ nữ ở nhiều quốc gia.

Thế giới sẽ đạt 8 tỷ người: Cơ hội, thách thức vẫn còn ở phía trước - ảnh 1
Trẻ em là đối tượng cần quan tâm, chăm sóc (ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, sau gần 50 năm nỗ lực, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 với tổng tỷ suất sinh =2,09 con/phụ nữ và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua. Tuy nhiên, mức sinh thay thế không đồng đều giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở một số nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí cao trên 2,5 con/phụ nữ như Trung du miền núi phía Bắc (2,41 con), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2,31 con), Tây Nguyên (2,41 con), đồng bằng sông Hồng (2,34 con). Đáng chú ý, tại một số nơi trước đây đã đạt mức sinh thay thế thì nay lại tăng rất cao trở lại.

Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống từ năm 2006 đến nay. Tình trạng này còn diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng. Tình trạng già hóa dân số cũng đặt Việt Nam vào trong tình trạng phải chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Số lượng người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh từ 7,67 triệu năm 2009 lên 11,4 triệu năm 2019. Theo dự báo đến năm 2030, người cao tuổi ở nước ta khoảng 18 triệu chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 người cao tuổi…

Việt Nam đã đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng (cơ cấu dân số tuổi có 2 người tuổi lao động có ≤ 1 phụ thuộc dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Với cơ cấu dân số như hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thực hiện thành công kế hoạch cơ bản trở thành nước công nghiệp. Tuy nhiên, nếu không tận dụng tốt cơ hội, kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ gặp khó khăn, thách thức khi "dân số vàng" trở thành "dân số già" dự báo sau năm 2035.

Thế giới sẽ đạt 8 tỷ người: Cơ hội, thách thức vẫn còn ở phía trước - ảnh 2
Cán bộ dân số tuyên truyền về mức sinh thay thế và giảm thiểu mất cân bằng giới tính cho người dân (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chất lượng dân số của nước ta còn thấp. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm; Gánh nặng bệnh tật kép, thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh; chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài...

hội và hướng tới xây dựng tương lai bền vững cho tất cả mọi người

Mặc dù còn nhiều thách thức song trong tương lai lý tưởng 8 tỷ người, dân số toàn cầu và Việt Nam đã có được những thành tựu lớn, giảm được tỷ lệ đói nghèo, đạt nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Việc thế giới có dân số đông đảo hơn bao giờ hết một phần do tuổi thọ tăng lên và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh...  

Tiến sĩ Natalia Kanem, Giám đốc Điều hành Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, việc chỉ tập trung hoàn toàn vào tổng dân số và tỷ lệ tăng trưởng là một thiếu sót - và thường dẫn đến các biện pháp cưỡng chế và phản tác dụng sẽ gây ảnh hưởng tới quyền con người. Trên thực tế, con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững”.

Theo UNIFPA, từ nay cho đến tháng 11/2022, UNFPA sẽ làm việc với các đối tác và cộng đồng khắp nơi trên thế giới để khai thác sức mạnh của 8 tỷ người. Khi các quyền và sự lựa chọn của tất cả mọi người dân đều được bảo vệ để ai cũng được hưởng một cuộc sống khỏe mạnh và được trao quyền và cơ hội, thì nhân loại sẽ có được chìa khóa vạn năng giúp khai phá tiềm năng của tất cả mọi người, từ đó giải quyết những thách thức đang đe dọa xã hội và các vấn đề toàn cầu khác.

Tiến sĩ Natalia Kanem nêu thông điệp: Phía sau con số là những câu chuyện về dân số phong phú và nhiều màu sắc. Con người là giải pháp, không phải là vấn đề. UNFPA ủng hộ việc đo lường và dự đoán những thay đổi về nhân khẩu học. Mỗi quốc gia cần có những thông tin cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân số đa dạng và để đảm bảo rằng mỗi cá nhân có thể nhận ra tất cả tiềm năng của mình. Khi mọi người có quyền đưa ra những lựa chọn sáng suốt về việc có con hay không có con và thời điểm sinh con, khi nào họ có thể thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình thì khi đó họ có thể vượt qua các rủi ro, thách thức và trở thành nền tảng của những xã hội hòa nhập, dễ thích ứng và bền vững hơn. 

“Để thích ứng được với sự thay đổi nhân khẩu học này, chúng ta cần phải bắt đầu bằng một cam kết: đó là không chỉ để đếm số lượng người trên thế giới, mà còn là nhận ra các cơ hội để phát triển và vượt qua thách thức. Chúng tôi kêu gọi thay đổi các chuẩn mực xã hội tạo ra phân biệt đối xử gây cản trở tới sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng một nền kinh tế phù hợp cho tất cả mọi người, thay vì chỉ phù hợp với một số ít người và sử dụng hợp lý các nguồn lực để chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro và đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Các con số cũng rất quan trọng, nhưng chúng ta cần phải làm hơn thế. Đó là xây dựng một thế giới với 8 tỷ con người kiên cường, một thế giới đề cao quyền và lựa chọn của từng cá nhân, mang đến những khả năng vô hạn - khả năng cho con người, xã hội và hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng” – Tiến sĩ Natalia Kanem cho biết. 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.