Đường tới trái tim:

Yêu thương trong “tổ chim cúc cu”

TRÂM ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Xây dựng nên tổ ấm ấy, họ có thể mất nhiều thời gian và công sức hơn những người bình thường. Nhưng với họ, “được cùng nhau làm” đó chính là hạnh phúc”.

Yêu thương trong “tổ chim cúc cu” - ảnh 1
Anh Hiệp và chị Vân   Ảnh: NVCC

Mỗi ngày, anh Trần Quốc Hiệp (36 tuổi) và chị Lê Thị Vân (21 tuổi) đều bận rộn với công việc lên đơn, chăm sóc khách hàng, giao hàng… cho tiệm tạp hóa online, bán các đặc sản vùng miền của mình. Xong việc, họ lại cùng nhau chuẩn bị cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Những người trong Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV) đều gọi anh chị như một cặp đôi chim cúc cu, bởi làm gì cũng có nhau, và trên môi họ luôn thường trực nụ cười.

Anh Hiệp và chị Vân đều là người khuyết tật. Anh Hiệp, sau một trận sốt hồi 7 tháng tuổi bị tổn thương não ảnh hưởng đến khả năng vận động. Giờ đây, anh là người khuyết tật với mức độ đặc biệt nặng, còn chị Vân mắc chứng teo gai thị giác, trở thành người khiếm thị.

Họ vốn là hai người xa lạ, nhưng nhờ cái duyên mà gặp được nhau trên mạng xã hội. Anh Hiệp từng ngạc nhiên khi nhìn hình ảnh đại diện trên facebook của chị Vân. “Tôi không hề nghĩ cô ấy là người khiếm thị. Vì Vân rất xinh, đôi mắt của em rất đẹp nữa”. Còn chị Vân, ngày một cảm mến người đàn ông dù gặp nhiều thiệt thòi nhưng hiểu biết rộng, tâm lý và biết lắng nghe, dù cả hai hơn kém nhau đến 15 tuổi.

Sau 7 tháng quen và nảy nở tình cảm qua mạng xã hội, họ quyết định gặp nhau. Anh Hiệp cùng người bạn thân thuê xe ô tô lên quê nhà chị Vân ở Hữu Lũng, Lạng Sơn để gặp bạn gái. “Đường vào nhà Vân rất khó tìm, khó đi nữa. Vừa phải rẽ liên tục, lại xóc nảy liên hồi. Nhưng Vân đã chỉ đường qua điện thoại cho tôi rất tỉ mỉ, chi tiết nên chúng tôi không bị lạc. Lúc gần đến nơi, khi tôi còn chưa kịp nhìn thấy bạn gái mình thì cô ấy đã reo lên “Em ở đây này!”. Giữa sân nhà là một cô gái bé nhỏ, đang vẫy tay đón chúng tôi, dù không nhìn thấy gì. Đó là hình ảnh tôi nhớ mãi”- anh Hiệp bồi hồi chia sẻ.

Là người khiếm thị, nhưng bù lại, khả năng cảm nhận về không gian, thời gian của chị Vân rất tốt, khiến anh Hiệp bất ngờ. Hỏi chị sao lại biết anh Hiệp đã đến nhà mình mà reo lên thế, chị cười “chắc là thần giao cách cảm giữa hai đứa”. Bạn bè anh thì tin rằng, đó là tình yêu đã kết nối cho hai người tìm thấy nhau. 

Quyết định cùng nhau đồng hành của cả hai gặp nhiều trắc trở, bởi gia đình đôi bên còn ái ngại. Cả bố mẹ anh Hiệp lẫn chị Vân đều cho rằng, người thường chăm nhau, lo cho nhau đã khó, đây lại là hai người khuyết tật, khó khăn gấp bội phần, bên nhau thì sẽ khổ đến mức nào. “Mình biết, bố mẹ nói vậy chỉ là vì thương mình, thương Vân. Nhưng đó cũng là động lực để cả hai chúng mình chứng minh với bố mẹ hai bên, rằng chúng mình cũng có thể độc lập và tự chủ tài chính, lo cho bản thân được”-anh Hiệp cho biết. 

Cũng vì còn dè dặt nên gia đình đôi bên mới đồng ý cho cả hai được ở bên nhau thay vì ngăn cản, để cho các con có cơ hội thử thách xem tình cảm và quyết tâm đến đâu. Coi như được đồng ý, họ cùng trở lại Hà Nội và nỗ lực. Cả hai được Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam tạo điều kiện cho ở một căn phòng trong tòa nhà trên đường Đê La Thành, Hà Nội.

Được sự giúp đỡ của mọi người, ngoài công việc tại doanh nghiệp xã hội dành cho người khuyết tật Go Green, hai người còn mở một tiệm tạp hóa online mang tên “Cúc Cu”, chuyên bán những sản vật vùng miền. Từng là những người xa lạ với buôn bán, với công nghệ thông tin, nhưng bằng tinh thần tự học và sự chung tay của cộng đồng, giờ đây, sau gần 3 tháng tiệm tạp hóa đi vào hoạt động, những đơn hàng đến với Cúc Cu đã dần ổn định. Nhờ đó, anh chị đã bắt đầu có thu nhập.

“Và hơn cả, cái nhìn của đôi bên gia đình về chúng mình đã bớt lo lắng hơn và tin vào quyết tâm của chúng mình”- anh Hiệp cho hay. Bận rộn suốt một tuần, họ chỉ có một ngày cuối tuần để thực sự dành cho nhau. Nhưng, đó là khoảng thời gian thực sự chất lượng. “Anh đưa mình đi chơi, đi thăm thú và kể cho mình về cuộc sống. Anh chính là đôi mắt của mình”- chị Vân nói.

Tôi hỏi anh Hiệp: “Hai người sẽ có một đám cưới chứ?”, anh cười hiền: “Một ngày không xa thôi. Từ giờ đến lúc ấy, chúng mình sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa”. Ổn định được kinh tế, anh Hiệp sẽ để chị Vân đi học thêm các khóa học về bấm huyệt, mát xa, tin học văn phòng. Còn anh sẽ tiếp tục công việc bán hàng onlie và cố gắng tự lập nhiều hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Đôi bạn trẻ đang cùng nhau lên kế hoạch để xây dựng một tương lai bền vững. 

Theo chị Đinh Thị Lan Anh, Chủ nhiệm Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, “Hàng ngày được làm việc cùng Hiệp và Vân, có những lúc mình lặng lẽ nhìn Vân cặm cụi rửa bát, nấu cơm, rồi lại hạnh phúc đút cơm cho Hiệp (dù sử dụng tay đẩy được xe lăn nhưng lại không cầm được thìa, đũa), mình lại thấy cuộc sống này thật đẹp. Đôi bạn trẻ Hiệp và Vân cũng giúp chị thêm tin vào sức mạnh của tình yêu.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.