Câu chuyện “khát nước” xuyên nhiều thập kỷ

Kỳ 1: Gian nan tìm, mua nước sạch ở Sóc Sơn

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thiếu nước sạch sinh hoạt cho người dân ở khu vực nông thôn của Thủ đô luôn là câu chuyện nan giải, kéo dài nhiều năm bởi không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Đã có không ít gia đình phải chi lên đến hàng triệu đồng mỗi tháng chỉ để có nước ăn và nước sinh hoạt. Trước thực trạng này, thành phố Hà Nội đã và đang có nhiều giải pháp khắc phục để hỗ trợ người dân.

Kỳ 1: Gian nan tìm, mua nước sạch ở Sóc Sơn - ảnh 1
Cô giáo Dương Thị Thu Huế, Hiệu trưởng trường Mầm non Minh Phú giới thiệu về đường ống nước kéo từ giếng khoan cách trường 1,5km về trường, còn giếng khơi luôn trong tình trạng cạn nước.

Nỗi lo “khát nước” sạch
Nhiều năm nay, trường Mầm non Minh Phú, huyện Sóc Sơn là nơi thiếu nước trầm trọng. Trường có 2 cơ sở, ở thôn Phú Hạ và Thanh Trí, trong khuôn viên trường mỗi nơi đều có hai giếng khơi song luôn trong tình trạng không có nước. Để đảm bảo nước uống, nước ăn uống cho 638 học sinh và 76 cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhà trường đã phải mua nước đóng bình mỗi tháng 500 bình (20 lít/bình) từ nhà cung cấp - Công ty TNHH Công nghệ Acevina; còn nước sinh hoạt thì liên tục phải xoay xở nhiều cách để dẫn nước về. 

Chia sẻ về câu chuyện thiếu nước, Hiệu trưởng trường Mầm non Minh Phú Dương Thị Thu Huế tâm tư: “Nước sạch luôn là trăn trở của chúng tôi nhiều năm nay. Riêng nước ăn uống là phải mua nước đóng bình, còn nước sinh hoạt cũng liên tục phải loay hoay và phải vô cùng tiết kiệm”. 

Từ 12 năm trước (năm 2011) các giếng khơi ở trường đã rơi vào tình trạng thường xuyên cạn nước, không đáp ứng nhu cầu tối thiểu nên nhà trường đã được UBND huyện Sóc Sơn đầu tư máy bơm, đường ống để dẫn nước từ 1 giếng ở UBND xã Minh Phú về cơ sở 1 trường ở thôn Phú Hạ, đến cuối năm 2022, giếng này khô cạn. 

Chỉ vào giếng khơi không còn nước, cô Huế cho hay: Mỗi khi được thông báo nước sản xuất về kênh tưới của xã, về đồng ruộng là chúng tôi rất mừng vì nước sẽ ngấm xuống mạch ngầm, nước giếng khơi sẽ có thêm ít nước. Chờ mong có nước dềnh lên là tranh thủ bơm lên sử dụng. Tuy vậy, nhiều lắm thì cũng chỉ bơm lên 1-2 tiếng là hết. Đầu tháng 2 vừa qua, nhà trường phối hợp với trường THCS Minh Phú khoan giếng ở đỉnh kênh ở thôn Phú Hạ, dẫn nước qua hơn 1,5km về trường. “Giếng vừa làm xong, nước dẫn về trường ngày 12/2 thì đêm 16/2 lại bị mất trộm đường ống nước, mỗi trường phải chi phí thêm 30 triệu đồng làm lại đường ống”- cô Huế thở dài. 

Tiếng thở dài còn lặp lại cùng gương mặt đượm buồn của Trưởng thôn Thanh Trí Dương Văn Hiệp khi chia sẻ về việc thiếu nước trầm trọng đang khiến cuộc sống của 1.286 hộ/5.114 người dân nơi đây. Anh Hiệp cho hay, năm 2022-2023, tình trạng khô cạn nước khiến người dân chúng tôi cực kỳ vất vả. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay thiếu mưa, giếng khơi không có, người dân chủ yếu mua nước đóng bình về ăn và mua từng thùng nước về sinh hoạt. Hiện tại có tới 800-900 hộ dân phải chi phí cho việc mua nước lên đến 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi tháng. 

Chị Hoàng Thị Hậu ở thôn Thanh Trí cho biết, nhiều năm nay gia đình phải mua nước đóng bình về ăn uống, còn nước sinh hoạt sử dụng giếng khơi, khi nào giếng cạn lại phải mua. Từ cuối năm 2022 đến nay, giếng khơi không còn giọt nước nên phải mua nước đóng thùng về đổ xuống giếng rồi bơm lên lọc sau đó sử dụng. Chi phí cho việc mua nước mỗi tháng của gia đình chị Hậu lên đến 1 triệu đồng. “Chúng tôi phải bớt ăn bớt tiêu vì chi phí cho nước ăn, nước dùng bị đội lên như vậy. Chúng tôi mong Nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi sớm có nước máy về làng”- chị Hậu giãi bày. 

Đề xuất với các cấp, các ngành sớm đưa nước sạch về cho bà con - Trưởng thôn Thanh Trí Dương Văn Hiệp nhấn mạnh: Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước của chúng tôi đang rất bức thiết. Ở nông thôn, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua nước, hầu hết các gia đình phải vất vả xoay xở tìm nguồn nước để làm sao giảm chi phí nhất có thể. Được biết, ở các địa phương có nước máy về làng, mỗi hộ gia đình cũng chỉ sử dụng chừng 80.000-120.000 đồng/tháng, so với chi phí hiện các hộ dân trong làng phải trả gấp cả chục lần.

Bao giờ người dân Sóc Sơn được dùng nước sạch?
Câu chuyện về tình trạng thiếu nước, “khát nước” ở trường học hay ở các hộ dân ở thôn Phú Hạ, Thanh Trí của xã Minh Phú đã diễn ra xuyên thời gian nhiều thập kỷ, có những người sống ở đây gần một đời người chia sẻ rằng họ lo nước còn khó hơn lo gạo. Các cô giáo trường Mầm non Minh Phú luôn phải lo lắng và vô cùng tiết kiệm từng giọt nước, việc sử dụng nước luôn được quán triệt làm sao để vừa dùng ít nước nhất có thể mà vẫn phải đảm bảo cho các con được sạch sẽ từ ăn uống đến vệ sinh. 

Về thực trạng thiếu nước sạch trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Huy Du cho biết: Toàn xã có 8 thôn với 3.500 hộ, 15.000 nhân khẩu, trong đó 2 thôn có dân số đông nhất xã là Thanh Trí và Phú Hạ thiếu nước trầm trọng từ 8-10 tháng mỗi năm. Địa phương cũng nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên các cấp, các ngành để sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn về nước sạch cho người dân. 

Tình trạng “khát nước” diễn ra không chỉ xã Minh Phú mà trên toàn huyện Sóc Sơn có tới 18/26 xã, thị trấn với hàng chục nghìn hộ dân chưa có nước sạch sử dụng. Đơn cử, tại xã Thanh Xuân có 4.000 hộ dân với 15.000 người ở 10 thôn, hiện chủ yếu sử dụng nước ngầm từ giếng khoan và giếng khơi. Tuy nhiên, 2/3 số hộ gặp khó khăn về nước. Các thôn thiếu nước sạch trầm trọng như: Chợ Nga, thôn Na, Thanh Nhàn, Đồi Cốc… do đa phần không khoan được giếng. Hơn nữa, người dân lo ngại về nước sông Cà Lồ bị ô nhiễm nguồn nước ngầm. Trong khi theo quyết định của Thành phố thì cuối năm 2020, người dân xã Thanh Xuân sẽ được sử dụng nước sạch nhưng đến nay vẫn phải chờ đợi.

Theo báo cáo của UBND huyện, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND Thành phố, người dân đã từng bước được tiếp cận và sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Tuy nhiên, đến nay tiến độ đầu tư các dự án cấp nước sạch trên địa bàn huyện còn rất chậm so với yêu cầu. Tính đến ngày 1/2/2023, toàn huyện có khoảng 25.900 hộ dân ở 11 xã/26 xã, thị trấn được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung, đạt 30% số hộ. 

Tại huyện Sóc Sơn hiện chỉ có Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội là đơn vị duy nhất đang quản lý và cấp nước sạch ổn định cho người dân của 11 xã từ mạng lưới cấp nước tập trung (khoảng 23.900 hộ, chiếm 28% số hộ dân toàn huyện).
Với đặc thù huyện Sóc Sơn có địa bàn rộng, nhiều khu vực dân cư không tập trung, hệ thống mạng truyền dẫn, mạng phân phối chưa được đầu tư nhiều, dẫn đến nhân dân nhiều xã trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe của nhân dân. Điều này đã được cử tri kiến nghị nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri với đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. 

Theo chỉ tiêu của Thành phố đến năm 2025, tỷ lệ người người dân Sóc Sơn được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch là 100%, năm 2023, Thành phố giao chỉ tiêu này là 85%. Tuy nhiên, thực tế hiện tại tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch trên địa bàn huyện mới chỉ đạt 30%. Đã gần qua quý I/2023, với 3 quý còn lại mà chỉ tiêu cần đạt phải lên tới 55% là thách thức không nhỏ với huyện Sóc Sơn. 

Trong giai đoạn hiện nay, các xã của huyện Sóc Sơn đang tập trung hoàn thành nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó tiêu chí nước sạch cung cấp cho các hộ dân phải đạt trên 65% đối với xã nông thôn mới nâng cao và đạt 100% đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cho nên, việc chậm triển khai cấp nước sạch cũng là khó khăn trong công tác xây dựng, hoàn thành nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong khi đó, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng, hoàn thiện mạng lưới cấp nước tập trung khu vực 18 xã của huyện Sóc Sơn chưa được Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, vì vậy chưa đủ cơ sở để nhà đầu tư triển khai dự án.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện đang triển khai nhiều dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Nhưng việc nhà đầu tư chưa đủ cơ sở để triển khai thi công lắp đặt đồng bộ đường ống cấp nước với hạ tầng kỹ thuật sẽ dẫn đến khối lượng đào cắt lớn ở bước thi công sau này, gây lãng phí và hư hỏng kết cấu...

Với những lý giải trên cho thấy, để giải bài toán nước sạch cho người dân huyện Sóc Sơn, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành Thành phố.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tuyên truyền không sử dụng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh

Tuyên truyền không sử dụng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh

(PNTĐ) -  Trước tình hình hoạt động của hàng loạt các phương tiện xe ba bánh, xe tự chế, xe mô tô kéo theo xe khác chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường gây nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT – Công an Hà Nội) đã cử cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tiểu thương và tài xế kí cam kết không sử dụng các phương tiện tự chế để chở hàng cồng kềnh, sai quy định.
Hơn 5 triệu đội viên, thiếu nhi tham dự ngày hội “Thiếu nhi vui khoẻ”

Hơn 5 triệu đội viên, thiếu nhi tham dự ngày hội “Thiếu nhi vui khoẻ”

(PNTĐ) - Sáng ngày 18/3/2024, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp tổ chức ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe”, phát động 07 tuần thi đua cao điểm của thiếu nhi Việt Nam chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại tỉnh Hà Tĩnh. Đây là hoạt động có quy mô lớn chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).
30.000 lớp học được lồng ghép kiến thức sức khỏe học đường

30.000 lớp học được lồng ghép kiến thức sức khỏe học đường

(PNTĐ) - Ngày 14-15/3/2024, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp với Quỹ Mars Wrigley tổ chức Hội thảo chia sẻ về công tác y tế trường học và tổng kết Dự án “Sức khỏe và Dinh dưỡng Học đường” sau 12 năm triển khai (2011-2024) tại 125 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thuộc Hà Đông (Hà Nội), Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang. Hội thảo không chỉ đánh giá hiệu quả các hoạt động dự án mà còn là cơ hội để các đối tác chia sẻ các bài học kinh nghiệm và những mô hình tốt trong công tác y tế trường học tại Việt Nam.