ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đồng bào Công giáo thành phố Hà Nội hiện đang sinh sống và làm việc ở 326/579 xã, phường, thị trấn, trong đó có 42 thôn Công giáo toàn tòng thuộc 10 huyện; 1.010 chức việc ở các Xứ, Họ và 206.046 nhân danh, chiếm gần 3% dân số toàn Thành phố (tăng 13.088 nhân danh so với năm 2017).

Xác định đồng bào Công giáo là một bộ phận không thể thiếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cũng như bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của các giáo dân thông qua hiến pháp và pháp luật. Về phần mình, đồng bào Công giáo cũng một lòng tin, yêu Đảng, vừa là “người Công giáo tốt, vừa là người công dân tốt”.

Loạt bài “Đảng trong lòng đồng bào Công giáo” đề cập đến mối quan hệ khăng khít, gắn bó và tình cảm của các giáo dân Hà Nội với Đảng.

ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 1

Hàng chục năm làm Bí thư Chi bộ ở địa bàn Công giáo, dù tuổi đời đã cao, nhưng họ vẫn say sưa cống hiến, đóng vai trò là cầu nối giữa Cấp ủy Đảng - Chính quyền - Giáo dân, lôi cuốn, tập hợp giáo dân một lòng đi theo Đảng. Các giáo dân khi nghĩ về Đảng “của dân, do dân, vì dân” trước tiên là qua hình ảnh của những Bí thư Chi bộ như thế.

ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 2
 
ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 3
Bà Trịnh Thị Chiến,

Bí thư Chi bộ thôn Mới

Thôn Mới, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ hiện có 257 hộ với 1.380 khẩu, trong đó 96% người dân theo đạo Công giáo.

Bí thư Chi bộ thôn Mới là bà Trịnh Thị Chiến, năm nay đã gần 70 tuổi. Điều thú vị, dù không theo đạo Công giáo nhưng bà lại đang đóng vai trò hạt nhân đoàn kết giáo dân, luôn lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả nhiều công việc ở vùng có đạo.

Tính đến nay, bà Chiến đã có gần 15 năm làm Bí thư Chi bộ. Trước đó, bà có 27 năm làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, 27 năm làm cộng tác viên dân số xã… Ở cương vị nào, bà cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bà thấy tâm huyết nhất với vai trò là Bí thư chi bộ. “Có ý kiến nói Đảng khó đến với bà con Công giáo do họ đã dành một lòng kính Chúa. Tuy nhiên, từ thực tế làm công tác Đảng ở vùng có đạo, tôi nhận thấy, không có sự đối lập giữa Đảng và đức tin của giáo dân”, bà tâm sự.

Để tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, bà đã mạnh dạn đưa ra sáng kiến mở rộng thành phần tham gia các cuộc họp chi bộ hàng tháng. Theo đó, bà mời cả đại diện các Hội, đoàn thể khác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cùng tham gia sinh hoạt một số nội dung của cuộc họp Chi bộ mở rộng. Nhờ thế, đại diện các đoàn thể có điều kiện nghe Chi bộ truyền đạt trực tiếp các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như nắm bắt kịp thời các Nghị quyết của Chi bộ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng bộ trong Nhân dân.

Là Bí thư Chi bộ, bà Chiến nằm lòng phương châm phải gần dân, hiểu dân. Sáng nào, bà cũng đạp xe một vòng quanh thôn, sà vào khu chợ, trò truyện với các giáo dân… để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Bà phân công các đảng viên trong Chi bộ, mỗi đồng chí phụ trách một số hộ giáo dân. Hàng tháng, trong cuộc họp Chi bộ, từng đảng viên sẽ báo cáo tình hình, cuộc sống của các hộ dân mà mình phụ trách. Nếu hộ nào gặp khó khăn, hay đang băn khoăn, thắc mắc về vấn đề nào đó sẽ được Chi bộ thăm hỏi, giúp đỡ, định hướng tư tưởng kịp thời.

ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 4

Bà Trịnh Thị Chiến, Bí thư Chi bộ thôn Mới đến nhà một giáo dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Như hồi năm 2012, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa của Nhà nước, bà cùng lãnh đạo thôn bàn bạc lên phương án cụ thể, họp dân để lấy ý kiến và được Nhân dân đồng thuận. Tuy nhiên, sau đó, một số hộ không nhận ruộng vì thấy chất lượng đất xấu, trũng và xa khu dân cư, gây khó khăn cho việc đi lại sản xuất. Ngay lập tức, bà và Ban Chi ủy đã bàn bạc xây dựng phương án mới.

Bà đến từng hộ để tuyên truyền, vận động, khuyến khích, đặc biệt là những hộ có con, em hoặc bản thân là cán bộ, đảng viên, những hộ có điều kiện về nhân lực và phương tiện sản xuất nhận ruộng xa, ruộng xấu, ruộng cao, ruộng trũng để cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc xây dựng trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp. Phương án mới được Ban Chi ủy triển khai đảm bảo dân chủ, khách quan và công bằng.


Ngày đó, bà Chiến là nữ Bí thư Chi bộ duy nhất và cũng là Trưởng Tiểu ban dồn điền đổi thửa là nữ duy nhất của xã Hồng Phong cũng như huyện Chương Mỹ. Nhưng bà đã chứng minh “phụ nữ chân không yếu, tay không mềm” khi thành công trong thuyết phục 100% số hộ trong thôn đồng tình, hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa ở thôn Mới. Từ đây, người nông dân được canh tác trên “cánh đồng mẫu lớn”, càng biết ơn hơn bao giờ hết chủ trương đúng đắn của Đảng, của Nhà nước và thêm trân trọng nữ Bí thư Chi bộ tuổi đã cao vẫn luôn hăng say vì lợi ích của bà con. Đến nay ở thôn Mới đã có 68 hộ làm trang trại tổng hợp, là điển hình của xã trong công tác dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. 

Bà cũng có thành tích trong vận động 2 thanh niên đi cai nghiện tại trung tâm khi thời điểm này việc vận động đi cai còn khó khăn. Song, khó nhưng không từ bỏ, bà không quản ngại sớm tối tới tận nhà để thuyết phục, thậm chí ngủ lại tại nhà một trong hai thanh niên để đưa bằng được cháu này đi cai nghiện. Nhờ đó, cháu đã cai nghiện thành công, trở về nhà lập gia đình, có việc làm ổn định.

“Là Bí thư Chi bộ ở vùng Công giáo, tôi thấy việc Đảng, việc của giáo dân luôn hòa quyện làm một, đúng là “trong Đảng có giáo dân và trong giáo dân có Đảng”.

Bà TRỊNH THỊ CHIẾN, Bí thư Chi bộ thôn Mới

Bà Chiến tâm sự, dù không theo đạo Công giáo, nhưng việc lớn, việc nhỏ trong thôn, bà đều cùng tham gia với giáo dân. Bà tham gia Ban Chấp hành Hội Bắc Ái từ thiện của bà con Công giáo. Hội gồm 160 hội viên là giáo dân, chuyên thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo từ nguồn quỹ đóng góp của hội viên. Tham gia hội, hàng tháng, bà cũng cùng các giáo dân ủng hộ tiền để gây quỹ, mua quà tặng người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt là lương giáo hay Công giáo ở trên địa bàn và nhiều tỉnh/thành khác, qua đó củng cố thêm mối đoàn kết toàn dân tộc.

Ở thôn Mới, trước kia có một vài đoạn đường trũng như đoạn ở ngõ Cửa Làng dài 217 m, có lúc nước ngập cao, làm ảnh hưởng tới  sinh hoạt của bà con giáo dân. Không bị động chờ đợi kinh phí Nhà nước cấp, bà Chiến đã cùng cấp uỷ, ban Quân-Dân-Chính trong thôn vận động bà con giáo dân đóng góp tiền nâng cấp đường. Tin và hiểu Chi bộ Đảng, chính quyền luôn nghĩ cho dân, 17 hộ dọc đoạn đường Cửa Làng đã tình nguyện đóng góp, mỗi hộ 7 triệu đồng dù ở nông thôn và với người nông dân, đây không phải số tiền nhỏ. Cùng với nguồn kinh phí xã hội hóa khác mà bà và các cán bộ thôn vận động được, con đường đã được bê tông hóa sạch đẹp với tổng kinh phí trên 160 triệu đồng trong niềm vui, phấn khởi của bà con giáo dân.

ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 5

 

Sự tận tụy, nỗ lực của Bí thư chi bộ Trịnh Thị Chiến đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành, nhưng quan trọng hơn chính là tình cảm mến yêu của bà con công giáo. Bà cũng đã góp phần vào thành tích năm 2015 thôn Mới được công nhận là “Làng văn hóa”.

“Là Bí thư Chi bộ ở vùng Công giáo, tôi thấy việc Đảng, việc của giáo dân luôn hòa quyện làm một, đúng là “trong Đảng có giáo dân và trong giáo dân có Đảng”, bà chia sẻ.

ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 6
ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 7
ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 8
Ông Nguyễn Văn Hoàn bỏ phiếu trong Đại hội Chi bộ thôn Giữa nhiệm kỳ 2022-2025.

Đó là bí quyết của ông Nguyễn Văn Hoàn, sinh năm 1960, với 30 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Giữa, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây là thôn Công giáo toàn tòng với 445 hộ, 1.476 nhân khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hoàn vào Đảng từ năm 1983, khi còn đang ở trong quân ngũ. Nói về việc này, ông chia sẻ: Ông chưa bao giờ phải băn khoăn về việc người Công giáo có nên vào Đảng không? Bởi là giáo dân, ông tin vào Chúa. Nhưng là công dân có lý tưởng, ông cũng luôn tin vào Đảng. Quả thật đến nay, với 40 năm tuổi Đảng, ông chưa bao giờ thấy việc vào Đảng đã cản trở tự do tín ngưỡng, tôn giáo của ông.

Ông Hoàn cho biết: “Muốn làm tốt vai trò của  người đứng đầu cơ sở Đảng ở vùng Công giáo toàn tòng, Bí thư Chi bộ phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác Đảng, công tác tôn giáo và công tác Dân vận”. Năm 2006, khi các giáo dân ở Bích Hòa có nguyện vọng xây Đền Đức Mẹ, Chi bộ thôn Giữa đã đưa vào Nghị quyết nội dung hỗ trợ Ban Hành giáo và giáo dân thực hiện các thủ tục để cấp phép xây dựng. 

“Muốn làm tốt vai trò của  người đứng đầu cơ sở Đảng ở vùng Công giáo toàn tòng, Bí thư Chi bộ phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác Đảng, công tác tôn giáo và công tác Dân vận”

Ông NGUYỄN VĂN HOÀN, Bí thư Chi bộ thôn Giữa

Sau đó, Chi bộ báo cáo Đảng ủy đồng thời giao cho Trưởng thôn lập báo cáo gửi chính quyền đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ Ban Hành giáo và giáo dân trong thôn nhanh chóng hoàn tất thủ tục pháp lý. Nhờ đó, Đền Đức Mẹ đã được xây dựng thuận lợi, sau khi hoàn thành đã trở thành nơi để giáo dân sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.

ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 9

 

Vào giai đoạn 2003-2006, Nhà nước thu hồi đất để xây dựng Cụm Công nghiệp Thanh Oai nằm trên địa bàn xã Bích Hòa, thôn Giữa có khoảng hơn 10 ha đất trong diện thu hồi. Ban đầu, nhiều giáo dân chưa hiểu rõ nên chưa hợp tác.

Ông Hoàn nhớ lại: “Nếu không tuyên truyền, làm cho dân hiểu thì một chủ trương đúng có thể bị các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động giáo dân chống đối Đảng, chính quyền”.

ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 10
Dù đã 30 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Nguyễn Văn Hoàn vẫn nhận được tín nhiệm cao, tiếp tục trúng cử Bí thư Chi bộ thôn Giữa nhiệm kỳ 2022-2025 (Ảnh: Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Hoàn (thứ hai từ phải qua) nhận hoa chúc mừng từ ông Bùi Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bích Hòa)

Vì thế, ông đã cùng Chi bộ thôn Mới khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền tới người dân trên địa bàn về vai trò của khu công nghiệp khi ra đời nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cụ thể hóa công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thanh Oai, qua đó nâng cao đời sống Nhân dân, trong đó có giáo dân. Cuối cùng, các giáo dân đều một lòng ủng hộ chủ trương, đồng thuận giao đất. Các thế lực chống phá đã không có cơ hội để gây mất đoàn kết giữa giáo dân và Đảng.

Khi xã Bích Hòa thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa cũng vậy, có luồng ý kiến phản đối, chủ yếu là sợ phải nhận về mình phần ruộng xấu. Ông Hoàn hiểu rằng, muốn thuyết phục giáo dân thì toàn bộ quy trình từ ghép ô, thửa, gắp phiếu, niêm yết... đều phải công khai, minh bạch. Ông và các đảng viên trong Chi bộ phải gương mẫu đi đầu, vận động gia đình mình chấp hành chủ trương dồn điền đổi thửa trước để quần chúng noi theo. Các đảng viên cũng chịu sự giám sát của người dân trong quá trình dồn điền đổi thửa, đảm bảo không có hành vi khuất tất, tranh thủ phần ruộng đẹp, tốt. Chính nhờ sự minh bạch ấy mà thôn Giữa đã sớm hoàn thành chủ trương lớn, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới, quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng vùng sản xuất hàng hoá.

Ông Hoàn cho biết: Ở xã Bích Hòa, Đảng- Chính quyền - Giáo dân luôn có sự kết hợp hài hòa và không có sự đối kháng. Như trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các hoạt động tôn giáo tập trung đông người đều phải tạm dừng. Ông Hoàn đã cùng các ban, ngành và Cha xứ tuyên truyền để giáo dân hiểu và chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước, Thành phố. Thôn Giữa nhờ đó đã giữ được an toàn, không có người nhiễm Covid-19 ngay cả trong giai đoạn căng thẳng nhất.

Với thâm niên 30 năm lãnh đạo công tác Đảng, ông Hoàn đã trở thành Bí thư Chi bộ kỳ cựu và có uy tín lớn ở vùng giáo xứ Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự cố gắng nỗ lực với vai trò là Bí thư Chi bộ, ông Hoàn đã lãnh đạo Chi bộ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được huyện ủy Thanh Oai ghi nhận và khen thưởng.

ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO - ảnh 11

(Còn nữa)

 

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.