Sửa Luật Đất đai năm 2013: Thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực

Kỳ 2: Không để lãng phí nguồn lực công sản

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Vì vậy mà nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí. Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp”.

Kỳ 2: Không để lãng phí nguồn lực công sản - ảnh 1
Hàng loạt vi phạm xây dựng nhà xưởng mọc lên như cụm công nghiệp ở Dương Liễu

Ở đâu cũng có vi phạm về đất đai
Mới đây, dư luận đặt nhiều dấu hỏi khi ở tỉnh Đồng Nai có trường hợp vi phạm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang xây dựng 45 công trình nhà xưởng quy mô lớn trên tổng diện tích 72ha, hình thành cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn phường Phước Tân. Ngày 25/8/2022, TP Biên Hòa thông tin đã báo cáo Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về sai phạm này. Đây là vi phạm có quy mô diện tích lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, đã có 11 cán bộ ở cấp phòng và cấp xã bị xử lý kỷ luật từ rút kinh nghiệm đến khiển trách, hạ bậc lương nguyên Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch phường Phước Tân bị cách chức. 

Theo kết luận thanh tra tỉnh Đồng Nai, CCN Phước Tân rộng 72ha được đưa vào quy hoạch năm 2015 nhưng chưa được cấp phép đầu tư. Kết luận cũng chỉ rõ, những vi phạm trên, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền, các doanh nghiệp đã xây nhà xưởng, nhà kho, các công trình xây dựng khác trên đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc thuê. 

Làm việc với Hà Nội (ngày 22/8) về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần kiểm đếm diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng, tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất nông nghiệp, giải quyết câu chuyện đất dịch vụ bởi đây là đặc thù của TP. Đối với các dự án treo, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc thống kê, kiểm điểm là một phần, quan trọng hơn là phải làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Về các công trình vi phạm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo giao cho UBND TP. Biên Hòa bắt đầu từ năm 2023 xây dựng lộ trình di dời các nhóm doanh nghiệp đến 2025 là hạn chót cho phép tồn tại. Sau đó giao TP Biên Hòa tham mưu để có quy hoạch theo đúng định hướng phát triển. 

Như vậy, với sự “quản lý lỏng lẻo của chính quyền”, diện tích 72ha đất vốn được quy hoạch để làm công viên, rừng trồng đã biến thành công trình nhà xưởng quy mô lớn. Thế nhưng, kết luận cán bộ sai phạm lại chỉ “giơ cao đánh khẽ” như “chưa kịp thời phát hiện, chưa kịp thời báo cáo” hoặc “xử lý nhưng chưa quyết liệt, chưa kịp thời chỉ đạo, đôn đốc”.

Tương tự tại Hà Nội, với tổng số 22.000ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nhiều nơi cũng đang diễn ra tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lợi dụng sự “buông lỏng quản lý” của chính quyền để xây dựng các công trình nhà xưởng, kho bãi, thậm chí là biệt thự nguy nga. Trong khi giá trị đất đai ngày một tăng thì việc vi phạm không ngừng diễn biến phức tạp.

Điển hình là huyện Hoài Đức - sắp được lên thành quận, nhiều năm nay nổi tiếng trên báo chí, bởi được “xướng tên” về tình trạng vi phạm có diện tích tính bằng hecta, như: Cụm công nghiệp An Khánh, An Thượng, Dương Liễu, Đông La… 

Tại xã Dương Liễu, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có nhiều bài phản ánh về hàng loạt vi phạm xây nhà xưởng trên diện tích hàng chục hecta nằm ở các khu Lò Gạch, khu đất bồi ven sông Đáy, khu giáp kênh tiêu. Với hình thức xây chân tường, dựng tôn, công trình mọc lên đi vào sử dụng được giao bán trị giá hàng chục tỷ đồng, cho thuê cũng hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có kết luận về một số vi phạm và yêu cầu huyện xử lý triệt để, huyện Hoài Đức cũng ra nhiều văn bản chỉ đạo xử lý. Song đến nay, các công trình cũ vẫn ngang nhiên hoạt động, mỗi năm vẫn có nhà xưởng mọc thêm. Thực trạng này khiến người dân bức xúc, dư luận lên tiếng mà đến nay vẫn chưa có trả lời thỏa đáng. 

Không chỉ đất nông nghiệp mà đất rừng cũng bị vi phạm. Huyện Sóc Sơn thông tin, hiện có tới hơn 2.700 vi phạm đất rừng để xây hàng loạt khu nghỉ dưỡng, biệt thự nguy nga, tráng lệ khiến đất rừng bị thu hẹp. 11/25 xã, thị trấn của Sóc Sơn có rừng thì hầu hết đều có các vi phạm, như: Lấn chiếm đất rừng xây dựng công trình ở xã Minh Trí; “xẻ thịt” đất rừng ở xã Hiền Ninh, Tiên Dược, Phù Ninh, Minh Phú, Quang Tiến; nhiều khu rừng được địa phương giao khoán quản lý, bảo vệ thì cũng bị “hô biến” thành nhà riêng ở xã Tiên Dược… Vi phạm diễn biến ngày càng phức tạp trong nhiều năm như vậy, song việc xử lý vi phạm của các cấp chính quyền từ xã đến huyện vẫn là bài toán khó, thậm chí phải nói rằng “giậm chân tại chỗ”.

Hệ lụy từ những “cụm công nghiệp”, những biệt thự, khu nghỉ dưỡng… hoạt động không phép còn là gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đời sống dân sinh, gây bức xúc trong nhân dân về tính nghiêm minh pháp luật, mất mát niềm tin của dân với cán bộ chính quyền, cơ quan chức năng. 

Vấn nạn “quy hoạch treo, dự án treo”
Câu chuyện về quy hoạch chậm triển khai, dự án chậm triển khai (còn gọi là quy hoạch “treo” cũng “nóng” vào cả nghị trường Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) chất vấn Thủ tướng Chính phủ: “Vấn nạn “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn vẫn chưa triển khai. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế-xã hội, người dân trong ranh giới quy hoạch rơi vào khốn đốn, khó khăn trăm bề, Nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác”.

Năm 2021, cả nước đã thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16.000ha, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53.000ha, chấm dứt chủ trương đầu tư 7.700ha; kiến nghị thu hồi 17.800 tỷ đồng và 811ha đất; xử phạt 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; xử phạt 3.694 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 437 vụ/259 người.
10 năm nay, (2012-2022), Hà Nội đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và hơn 1.855ha đất vi phạm, kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc vi phạm.
 

Ý kiến của đại biểu đã nói đúng, trúng tâm tư của người dân ở các dự án treo, quy hoạch treo. Một điển hình là siêu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc có quy mô hơn 1.000ha, tổng mức đầu tư cũng cả tỷ USD nhưng hơn 17 năm đến nay mới chỉ hoàn thành khoảng 10% kế hoạch. Trong khi hàng nghìn người dân phải nhường đất cho dự án đang sống mòn vì ở những căn nhà tạm bợ, xập xệ, làm mới không được, sửa không xong, chưa biết bao giờ mới được giải thoát.

Qua rà soát, trên địa bàn TP có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, tổng diện tích đất hơn 5.000ha. Từng bước tháo gỡ, đặc biệt là sau áp lực giám sát, tái giám sát của HĐND TP Hà Nội, đến nay, toàn TP còn 400 dự án treo, các dự án tập trung nhiều nhất là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án diện tích 2.000ha), Nam Từ Liêm (48 dự án),… Vậy là đang có hàng nghìn hecta đất “bờ xôi ruộng mật” bị để bỏ hoang, hàng nghìn người mắc kẹt chờ ngày dự án được “hạ”. 

Thiệt hại cho các bên khó mà tính hết được. Bên cạnh các dự án chưa bàn giao đất thì còn có không ít những dự án đã bàn giao đất mà doanh nghiệp không triển khai đúng tiến độ bởi mục đích “ôm” đất, bán, chuyển nhượng dự án cho đơn vị khác.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá: “Tình trạng “quy hoạch treo” là áp lực lớn đối với cơ quan quản lý và nhà đầu tư nên không còn tính định hướng phát triển lâu dài, phục vụ cả quá trình công nghiệp hóa. Tổn thất của Nhà nước, người dân trong quản lý quy hoạch là rất lớn, làm cản trở sự phát triển của đất nước khi có nhiều dự án đầu tư có chi phí giải phóng mặt bằng chiếm từ 70-80% tổng mức đầu tư”.

Để khắc phục tình trạng "quy hoạch treo", "dự án treo", ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị đóng góp ý kiến cụ thể về quy chế làm việc để TP sớm ban hành cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Đến hết tháng 10/2022 có những kết quả cụ thể, phương án xử lý của từng dự án để tổng hợp báo cáo HĐND TP. Đồng thời, TP kiên quyết xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm thực hiện nhiệm vụ được giao.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.