Cha mẹ đang hiểu sai về hướng nghiệp cho con?

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau mỗi kỳ thi THPT, phụ huynh và học sinh lại có một áp lực khác, đó là tiếp tục chọn ngành, chọn nghề và chọn trường. PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội có buổi nói chuyện với phóng viên Tuần san Đời sống Gia đình về vấn đề này.

Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, áp lực lớn nhất với phụ huynh và thí sinh gặp phải trong các mùa tuyển sinh là vấn đề chọn trường, chọn ngành, định hướng nghề nghiệp như thế nào cho đúng đắn. Theo PGS.TS, hiện nay phụ huynh học sinh còn phải đối mặt với khó khăn nào trước áp lực này nữa?

Từ trước đến nay, cha mẹ và học sinh thường hiểu sai về công tác hướng nghiệp. Họ nghĩ hướng nghiệp chỉ là chọn một việc để làm và kiếm sống thôi, cứ chọn một cái nghề nào đó mà gia đình đã có am hiểu và có quan hệ (theo nghề bố mẹ) để đảm bảo sự ổn định lâu dài nên đã không có kế hoạch chuẩn bị.

Nhưng trên thực tế, hướng nghiệp là quá trình phức tạp cần có thời gian để cá nhân trải nghiệm, cân nhắc xác định lựa chọn nghề nghiệp dựa trên những căn cứ về nguyện vọng, sở thích và nhu cầu thị trường lao động. Hướng nghiệp bây giờ phải theo những tiến trình quy chuẩn, dựa trên bằng chứng khoa học để đảm bảo cá nhân có thể thích ứng với mọi biến động và bất định nghề nghiệp trong tương lai.

Và càng ngày, thế giới càng mở ra nhiều con đường về nghề nghiệp để giúp cá nhân phát triển bản thân đi đến thành công. Các học sinh hiện nay có rất nhiều con đường lựa chọn để học tập… Đặc biệt như năm nay, các phương thức xét tuyển vào trường đại học cũng nở rộ, lên tới 20 phương thức xét tuyển. Điều này càng làm cho các gia đình, thí sinh cảm thấy hoang mang và lo sợ về những lựa chọn của mình có thể không chính xác. Phải ra quyết định trong bối cảnh rất nhiều yếu tố bất định hiện cũng là một dạng áp lực với các gia đình và thí sinh.

Cha mẹ đang hiểu sai về hướng nghiệp cho con? - ảnh 1
PGS.TS Trần Thành Nam

Giữa việc chọn nghề theo sở thích và chọn nghề theo sở trường, học sinh nên chọn nghề, chọn trường như thế nào? Lựa chọn nghề theo khả năng có quan trọng không?

Chọn nghề yêu cầu đảm bảo 5 nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc đầu tiên là chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân. Nguyên tắc thứ 2 không kém quan trọng là không được chọn nghề mà bản thân không có đủ điều kiện đáp ứng (cả về tính cách, giá trị bản thân, năng lực…). Nguyên tắc thứ 3 là chỉ chọn khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề đó (ví dụ như đã trải nghiệm thực tế về điều kiện, môi trường làm việc, tính chất của công việc, những khó khăn thách thức về thời gian, về sức khỏe, về phẩm chất…). Nguyên tắc thứ 4 là không nên chọn những nghề mà xã hội sẽ không còn nhu cầu hoặc nhu cầu sẽ giảm đi trong tương lai (cha mẹ và học sinh cần phải biết xu hướng những ngành nghề nào sẽ phát triển hơn trong tương lai và những ngành nghề nào sẽ dần biến mất). Cuối cùng: Phải chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà học sinh coi là quan trọng và có ý nghĩa với bản thân mình (ví dụ: bạn luôn tâm niệm một giá trị muốn giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ người khác thì bạn sẽ rất hợp với lựa chọn trở thành giáo viên, nhà tâm lý hoặc nhân viên công tác xã hội).

Với tôi, khi xếp hạng các nguyện vọng, bạn hãy đặt thứ tự ưu tiên cho ngành nghề mà bạn thích nhất và giỏi vừa vừa, sau đó mới đến những ngành nghề mà bạn giỏi nhất nhưng chỉ thích vừa vừa. Đừng đặt nguyện vọng vào một ngành hoặc một trường vừa miếng để đỗ nhưng bạn chẳng thích cũng chẳng giỏi.

Thực tế, vẫn còn nhiều người quan niệm, đại học là con đường bước đến tương lai an toàn và ổn định. Hiện nay, dư luận đang nói đại học không phải là hướng đi duy nhất... 

Trong bối cảnh mà tri thức của nhân loại có thể được tiếp cận một cách công bằng cho tất cả mọi người, những yếu tố độc đáo, sáng tạo, lối tư duy phản biện, cách nhìn mới về một vấn đề mới là yếu tố quyết định gia tăng giá trị sản phẩm và gia tăng giá trị của tổ chức. 

Tôi từng nghe một cán bộ cấp cao của Google nói: Chiến lược tuyển nhân sự của Google không còn quan tâm đến ứng viên tốt nghiệp tại trường đại học nào và có bằng cấp ra sao. Vì trong rất nhiều năm, những nhân viên tốt nhất của Google và thành tích học tập ở đại học hay tấm bằng danh giá của một trường nào đó rất hiếm có sự liên hệ với nhau. Tất nhiên, một công ty như Google rất cần kiến thức chuyên môn nhưng không phải là “lý thuyết chuyên ngành sâu” mà là những kỹ năng thực chiến các bạn áp dụng vào giải quyết vấn đề thực tế. Vì vậy, họ chỉ cần bạn có những “micro - degree” (chứng chỉ ngành nghề chuyên môn) tương đương với những chứng chỉ chuyên sâu thể hiện rằng bạn có năng lực giải quyết vấn đề họ cần, kèm vào đó là khả năng tự học hỏi và sự tò mò một cách thông minh của bạn mà thôi.

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về bằng cấp. Bằng đại học không phải là một chứng nhận đảm bảo rằng bạn không thất nghiệp vì thực tế đang ngày càng có nhiều cử nhân ra trường không có đủ năng lực hội nhập với thị trường lao động 4.0 đang phải cất đi bằng đại học để học lại bậc học thấp hơn!

Để thành công trong thế kỷ 21, người học ngoài kỹ năng chuyên môn sâu để đưa sản phẩm nghề mình làm trở thành một “nghệ thuật” thì còn phải bồi đắp những kỹ năng chuyển đổi để có thể thích ứng với sự chuyển đổi công việc nữa. Nói cách khác, chúng ta cần chuẩn bị tâm thế chọn học 1 ngành nhưng ra đời làm được nhiều nghề và ngược lại để một nghề nghiệp của mình được thăng hoa thì sẽ phải học từ nhiều ngành khác nhau, học suốt đời.

Cha mẹ đang hiểu sai về hướng nghiệp cho con? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Vậy theo PGS.TS, trước ngưỡng cửa cuộc đời, cha mẹ cần làm gì để giúp con định hướng ngành nghề hiệu quả?

Trong quá trình hướng nghiệp cho con cái, cha mẹ thường mắc một số sai lầm cơ bản như: Thiếu tôn trọng mong muốn của con; áp đặt với suy nghĩ “con còn nhỏ, đã biết gì mà chọn”; bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề, không nói với con về vấn đề này từ sớm; coi trọng hình thức nghề (doanh nhân, bác sỹ, giáo sư) hơn giá trị xã hội của nghề; sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con (học gì, ra làm gì, sẽ thăng tiến thế nào); hướng nghề không căn cứ vào khả năng của con (cứ học trường để cha mẹ cảm thấy tự hào); sử dụng tài chính đề giúp con hoàn thành chương trình và có việc làm; chọn học trường vì chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường của con… Tất cả những sai lầm đó nếu xảy ra sẽ khiến cho năng lực thực của đứa trẻ thui chột; trẻ cảm thấy chán nản, mệt mỏi với ngành học và chân dung nghề nghiệp tương lai. Kể cả khi tốt nghiệp ra trường, cá nhân cũng không thực sự gắn bó với nghề và vì thế không gặt hái được nhiều thành công. 

Chọn nghề sai làm cũng khiến gia đình, xã hội lãng phí nguồn nhân lực và chi phí đào tạo do chuyển đổi ngành nghề.

Do đó, để lựa chọn đúng, cha mẹ phải giúp trẻ tự hiểu mình trước. Thứ nhất là hiểu về sở thích, tính cách, những điều muốn làm, giá trị nào thường mang lại hạnh phúc cho con. Tiếp theo, cha mẹ hãy giúp con hiểu về thể chất, sức khỏe, năng khiếu và các năng lực khác một cách tổng thể xem con có thể làm tốt điều gì.

Sau đó cha mẹ cần hướng giúp con tìm hiểu thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mà con ưa thích và có năng lực. Kết nối con với những người làm nghề, đến thăm và trải nghiệm môi trường việc làm và quan sát điều kiện làm việc. Phim ảnh và game nhập vai cũng có thể là một cách để con hiểu hơn về ngành nghề đó. Cha mẹ cũng có thể cùng con tìm hiểu thêm về các tiêu chuẩn hành nghề trong lĩnh vực đó từ yêu cầu về sức khỏe, những kỹ năng đặc biệt, yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp và các yêu cầu đặc biệt khác.

Cha mẹ cũng trao đổi với con để chỉ rõ những khó khăn tiềm năng của bản thân con (ví dụ như động lực hoặc thiếu một số kỹ năng nào đó) khó khăn từ gia đình (ví dụ tiềm lực tài chính) hay khó khăn về đầu ra (cơ hội việc làm hoặc phải đi làm xa gia đình). Trên cơ sở đó gia đình cùng học sinh cân nhắc lựa chọn tối ưu qua đó thể hiện được sự thống nhất giữa yêu cầu và khả năng của con, thống nhất giữa nguyện vọng của gia đình và mong muốn của con cũng như thống nhất giữa cơ hội và hoàn cảnh gia đình hiện tại.
Sau khi đã thống nhất và xác định được ngành nghề, hãy tìm kiếm bậc đào tạo phù hợp, xác định cơ sở đào tạo dựa trên uy tín, điều kiện cơ sở vật chất, các lợi thế của cơ sở giáo dục về mặt địa lý, học phí…

Cuối cùng, việc cha mẹ cần làm là duy trì động cơ tích cực, nỗ lực thực hiện mục tiêu thôi. Đừng có “học đại” ở đại học, nếu không muốn mọi kế hoạch và dự kiến của bạn chỉ mãi là kế hoạch!

Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thành Nam về bài phỏng vấn này!

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.