Để gia đình mãi là tổ ấm

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều nghiên cứu cho thấy "bức tranh" về bạo lực gia đình trong giai đoạn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có những "gam màu" tươi sáng. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn nhiều phụ nữ đang phải chịu bạo hành nhưng vẫn không dám nói ra…

Nỗi đau khôn xiết

Nhớ lại quãng thời gian chung sống với người chồng vũ phu, chị H (Chương Mỹ, Hà Nội) kể lại trong nước mắt rằng, chị cảm mến người đàn ông khéo ăn, khéo nói khi cùng đi làm ăn ở Tây Nguyên, dù biết anh đã có một đời vợ với hai con riêng. Thời gian đầu, vợ chồng chị sống khá hạnh phúc. Có chút vốn liếng làm ăn, chị dồn tiền để chồng buôn xe đạp, xe máy. Sau đó, anh mua đất rồi bán lại, lãi cũng tương đối cao. Nhờ đó, cuộc sống ngày càng khấm khá, xây được căn nhà hai gian để ở, mua xe ô tô và mấy mảnh đất xung quanh. 

Cuộc sống của chị bất hạnh khi gia đình bắt đầu có “của ăn của để”. Chồng chị có tiền nên nảy sinh tật xấu, quan hệ bất chính với phụ nữ khác. Khi chị phát hiện và làm toáng lên, thì anh ta cho rằng, chị không nể mặt chồng nên đã dằn hắt, chửi bới, đánh đập vợ. Thậm chí, anh ta còn cấm đoán, quản chặt sinh hoạt của của mấy mẹ con chị. “Tôi vừa sinh đứa con thứ ba được mấy tháng thì biết chồng qua lại với một phụ nữ khác. Biết chuyện, anh ta không những không đưa tiền sinh hoạt cho tôi mà còn lạnh nhạt, mắng chửi. Khi con út tròn 1 tuổi, mâu thuẫn vợ chồng càng thêm trầm trọng” – chị nói.

Để gia đình mãi là tổ ấm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị H kể, có lần, anh ta còn cầm tóc chị kéo ngược lại rồi đánh. Chị phải bỏ trốn. Đêm đến, không có chỗ tá túc, chị đành phải về nhà, nhưng gọi cửa mãi mà anh ta vẫn không ra mở. Sáng ra, thấy chị dựa vào góc sân để ngủ, chồng chị nhẫn tâm đuổi chị đi lần nữa. Có hôm bị ốm, chị phải truyền nước, chồng chị vẫn lạnh lùng để mặc vợ nằm ngoài hiên mà không cho vào nhà… Chị nhớ nhất lần ấy, vì công việc, chồng chị đi công tác ở Sơn La 10 ngày. Trước khi đi, anh ta đưa cho vợ 1 triệu đồng và nói ở nhà lo đồ ăn cho ba đứa con. Thế nhưng lúc về, thấy chị đã tiêu hết số tiền ấy, anh ta chì chiết, mắng chửi vợ tiêu pha hoang phí. Chị phản ứng lại thì anh ta bực tức ném búa đinh vào chị khiến chị bị gãy chân. Lần khác, chị bị chồng ném chiếc đèn học của con đến rách mí mắt, máu chảy nhiều. Có hôm, anh ta còn cầm dao đe dọa khiến chị sợ quá, phải gọi 113. Hôm ấy, công an xã có mặt nhưng anh ta vẫn hung hăng thách thức…

“Tôi đưa các con trốn vào ở nhờ nhà cậu ruột ở Tây Nguyên. Sau 2 tháng, anh ta vào năn nỉ xin tha thứ. Nghĩ các con cần bố, tôi lại dắt con theo chồng về quê. Nhưng rồi, chồng tôi vẫn chứng nào tật nấy, bạo hành vợ không tiếc tay” – chị H kể. Quá bĩ cực, chị H làm đơn ly hôn. Thế nhưng, sau khi tay trắng ra đi (vì tài sản đều đứng tên người khác, cái thì anh trai, cái lại là họ hàng nhà chồng), chị vẫn bị chồng đưa tin lên facebook để sỉ nhục, lăng mạ, xúc phạm…

Trường hợp của chị H chưa phải là cá biệt. Còn rất nhiều trường hợp người vợ bị ngược đãi, hứng chịu bạo lực từ người chồng, tất cả đều liên quan đến vấn đề hết sức “nhạy cảm”: Ngoại tình, ghen tuông, rượu chè... Bạo lực không chỉ là việc xâm phạm trực tiếp thân thể gây ra thương tích cho nạn nhân mà còn bao gồm những ngược đãi về lời nói, tình cảm và cả quan hệ tình dục. Như chị M ở huyện Mê Linh, Hà Nội đã có chồng và hai con. Khi chồng chị có quan hệ bất chính với người khác bỗng sinh ra thường xuyên cáu bẳn, mắng chửi và đánh đập vợ. Có lần, chị bị chồng đánh đến nhập viện. Sau khi đánh vợ trọng thương, chồng chị không hề hối cải, không quan tâm, chia sẻ mà trắng trợn nhân đó qua lại với người tình. Vết thương trên mặt từ trận đòn ấy để lại sẹo xấu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến chị luôn tự ti, mặc cảm…

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), bạo lực gia đình trong đại dịch Covid-19 tăng lên về cả tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn. Đáng nói, nhiều nạn nhân cho biết, họ không biết phải tìm tới đâu để được hỗ trợ và bảo vệ. Như vụ việc một nạn nhân bị chồng đánh nhiều lần, nhưng do dịch bệnh, chị không thể cầu cứu được ai. Chồng chị thường xuyên đổ lỗi cho chị không biết đi chợ, nấu cơm. Dù chị đã giải thích do khó khăn kinh tế trong và sau dịch, đồng thời mong chồng thông cảm, nhưng vẫn bị đánh đập, chồng còn cầm dao đòi giết chị. Chị bế con chạy về bố mẹ để trốn, anh ta cũng không buông tha. Hay một phụ nữ 43 tuổi khác ở tỉnh Hưng Yên bị chồng bạo hành hơn 14 năm. Do dịch bệnh, kinh tế khó khăn, chồng chị càng ức chế, trút hết bực dọc lên người vợ. Các cán bộ CSAGA đã hỗ trợ nạn nhân về tâm lý để nạn nhân ổn định tinh thần, ngoài ra còn tư vấn cho gia đình cách thức hỗ trợ cho nạn nhân và làm việc với chính quyền địa phương để bạo lực được can thiệp và chấm dứt…

Để gia đình mãi là tổ ấm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Xóa bỏ bạo lực để gia đình là tổ ấm

Sau 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về phòng, chống bạo lực, góp phần bảo vệ nạn nhân bị bạo lực, nghiêm trị các hành vi bạo lực, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nan giải. Ở nhiều vụ việc, bạo lực gia đình đã có mức độ nghiêm trọng, phức tạp, diễn biến tinh vi, khó lường.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành trong giai đoạn từ 2009-2021, tổng số vụ bạo lực gia đình ở các địa phương trên cả nước đã phát hiện là 324.641 vụ. Số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: Năm 2009 là 53.206 vụ, năm 2021 giảm còn 4.967 vụ. Trong khi đó, điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện năm 2019 cho thấy, năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có 1 phụ nữ bị chồng bạo lực về thể xác hoặc tình dục (chiếm 32%). Đáng nói là có hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực về thể xác/tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Điều này cho thấy, so với số liệu cuộc điều tra thực hiện năm 2009 thì số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam còn tăng lên. 

Bạo lực gia đình được xem là một trong những tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân, phá hủy hạnh phúc gia đình, để lại nhiều hệ lụy xấu cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Do đó, rất cần có những giải pháp thiết thực để phòng ngừa và ứng phó. Bên cạnh việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể hóa các hành vi bạo lực, giao trách nhiệm cho các bên liên quan trong công tác giải quyết, xử lý các vụ bạo lực và bảo vệ nạn nhân trước, trong và sau bạo lực, thì mỗi cá nhân cần tự “phòng ngừa” bạo lực, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân như: Nhận biết các dấu hiệu bạo lực, xóa bỏ rào cản tư tưởng “xấu chàng hổ ai” để mạnh dạn lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực. Với những người có nguy cơ bị bạo lực cần phòng bị điện thoại để liên lạc với bên ngoài, lưu lại số điện thoại khẩn cấp của cán bộ khu phố, công an địa phương, 113; ghi nhận các bằng chứng về hành vi bạo lực của đối phương; gặp gỡ chuyên gia tâm lý để nhận được sự giúp đỡ giải quyết các tình huống bạo lực tình dục…

Cuộc chiến chống bạo hành phụ nữ vẫn đang tiếp diễn, còn không ít chông gai. Vấn đề này không của riêng ai mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong tất cả các hành trình, thay vì vung tay, hãy nắm tay nhau để cảm thông và thấu hiểu, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội bình đẳng, văn minh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.