Hành trình đầy nước mắt của những phụ nữ bị buôn bán trở về

Chia sẻ

Mặc dù đã về nước một thời gian, nhưng trong ký ức của những phụ nữ bị mua bán trở về, nỗi ám ảnh của tháng ngày sống trong địa ngục vẫn luôn “sống dậy” như vừa mới hôm qua mỗi khi có ai nhắc đến…

Giấc mơ đổi đời nơi… xứ ngoại

Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng chị T (quê Quảng Ninh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời gian bị bán làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Chị T nghẹn ngào kể: Năm 1988, một người bạn rủ chị đi làm đóng hộp hoa quả nhập khẩu ở Móng Cái (Quảng Ninh), tuy công việc có chút vất vả nhưng lương cao so với thu nhập hiện tại, chị T đồng ý. Khi ra đến bến xe Móng Cái thì chị bị say xe. Người này gọi cho chị một cốc chanh đá. Sau 5 phút uống cốc chanh đá, chị T đau đầu, chóng mặt, và ngủ thiếp đi. “Chị ta đưa tôi sang tỉnh Đông Hưng, Trung Quốc. 8h sáng hôm sau, tôi tỉnh lại thì không thấy chị ta đâu cả mà chỉ có một người đàn ông (người Việt gốc Hoa)” – chị T nhớ lại.

Sau khi biết mình đã bị lừa bán, chị T khóc nức nở và tìm cách chạy trốn. Thế nhưng, cổng khoá, người đàn ông này kéo lại và hứa sẽ đưa chị về nước. Tối hôm đó chị bị chuốc thuốc mê rồi bị đưa đến một vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. “Anh ta bán tôi cho một người đàn ông hơn tôi 30 tuổi để làm vợ. Nhà ông này rất nghèo, đến cơm còn không có mà ăn, mỗi bữa chỉ có cháo và củ cải mặn. Hàng ngày, tôi phải đi làm ruộng rồi về làm hết mọi việc trong nhà. Hễ làm gì không đúng ý, ông ấy đều đánh mắng, chửi bới tôi. Tôi không được đến chợ hay giao lưu với ai. Năm 1989, tôi sinh một bé trai nhưng bé đã tử vong sau sinh. Con mất, tôi trầm cảm. Thấy tôi không sinh được nữa, ông ta đánh đập, ép tôi làm việc ngày đêm và không cho ăn đủ bữa. Suốt hơn 15 năm trời, tôi chịu cảnh hành hạ, đánh đập và đi làm kiếm tiền nuôi chồng, nhiều lúc muốn tự tử nhưng nghĩ đến anh chị, bố mẹ ở quê nên cố duy trì mạng sống của mình” – chị T nức nở.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm 2009, chị T tình cờ gặp được một phụ nữ Việt Nam. Sau khi nói rõ hoàn cảnh của mình, người phụ nữ đó đã giúp đỡ, đưa chị về nước. Được về quê hương sau bao năm xa cách, mọi người vui mừng, còn chị thì nước mắt không ngừng tuôn rơi…

Cùng hoàn cảnh bi đát của chị T, chị M (quê Nghệ An) gặp một người phụ nữ và được chị ta rủ sang Trung Quốc làm ăn. Với khao khát đổi đời, chị M bị hấp dẫn trước lời dụ dỗ đó. Nhưng khi vừa đặt chân lên xứ người, chị đã bị bỏ lại với một người đàn ông xa lạ. “Lúc đó, tôi mới biết mình đã bị bán làm vợ cho người đàn ông Trung Quốc này. Cuộc sống của tôi như nhà tù giam lỏng, bị lạm dụng cả thể chất và tinh thần” – chị M đau lòng nhớ lại. Hằng ngày, chị bán rau, bán cỏ kiếm sống qua ngày. Kiếm được bao nhiêu tiền, chồng chị đều giữ lấy để ăn tiêu. Sau 2 năm, khi đã hiểu tiếng Trung, trong một lần ra chợ, chị tìm được người giúp đỡ cho về Việt Nam. “Khi rời khỏi Trung Quốc, hành trang mang theo của tôi là cô con gái bé bỏng. Giờ đã hơn 20 năm kể từ ngày trở về, con gái cũng đã lớn, tôi vẫn nhớ lại quãng thời gian đó mà lo sợ. Tôi mong phụ nữ hãy tỉnh táo để không rơi vào bẫy của bọn buôn người như tôi” – chị M nói.

Trở về từ “động quỷ”

Chị Y (quê Hưng Yên) là nạn nhân trong đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Sau những ngày sống tủi nhục ở “động quỷ”, chị Y được công an Việt Nam phối hợp với công an Trung Quốc (TQ) giải cứu về nước.

Nhắc lại quãng thời gian tủi hổ của mình, chị Y cho biết, nếu ngày đó không vì tin vào lời hứa của một người bạn quen qua mạng xã hội, có lẽ cuộc đời của chị bình yên hơn nhiều. Năm 2010, chị Y lên xe hoa về nhà chồng. Ở chung với bố mẹ chồng được một thời gian thì hai vợ chồng chị Y chuyển ra thuê phòng ở riêng. Cũng lúc đó, chị Y bị tai nạn giao thông, nghỉ việc để chữa bệnh. Mức lương 3-4 triệu đồng/tháng bấp bênh của chồng không đủ trang trải sinh hoạt và thuốc thang cho vợ. Em trai chồng chị Y đánh nhau, phải bồi thường cho gia đình bị hại hơn 50 triệu đồng. Hai vợ chồng chị Y lại phải cố gắng chạy vạy lo cho em trai, tối nào cũng trằn trọc không yên giấc.

Lần ấy, chị Y kể về hoàn cảnh khó khăn, túng bấn của mình cho Huy, một người bạn quen trên mạng xã hội từ trước khi lấy chồng. Huy an ủi, khích lệ, rồi bảo sẽ tìm cách giúp đỡ chị Y. Huy còn gọi điện nói chuyện với chồng chị Y về việc có mẹ buôn bán quần áo ở TQ thường nhận hàng về Hà Nội bán, sắp tới, anh ta sẽ lên Móng Cái nhận hàng, nếu đợt hàng này khá thì sẽ cho chị Y vay 10 triệu đồng lo chuyện gia đình. Dù rất băn khoăn, nhưng nghĩ đây là cách có thể cứu được cả gia đình, chị Y thuyết phục chồng cho mình đi cùng chuyến hàng với bạn. Huy đi taxi tới đón chị Y rồi vòng xe về Móng Cái. Đến nơi, Huy gọi điện cho một người phụ nữ nói là mẹ nhưng thực chất là một chủ chứa đến để xem mặt. Hai người đưa chị Y sang một con sông, nói là sang bên TQ để lấy vải, rồi đưa chị lên ô tô đến tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đến Lim – Coong (Quảng Đông, Trung Quốc), chị Y được một người phụ nữ đưa về một căn nhà. Ở đó, có khoảng 20 cô gái Việt đang ăn ở, sinh hoạt. Từ đó, chị Y bắt đầu cuộc sống trong địa ngục suốt gần 100 ngày đến khi được giải cứu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mới đầu sang Trung Quốc, chị Y nghĩ cách chạy trốn nhưng không thể thoát khỏi tai mắt của chủ chứa. Chị Y không thể nhớ hết được những trận đòn, những lần bị đánh đập, lăng mạ, sỉ nhục và hành hạ thể xác. Mỗi ngày, hành trình của chị Y và các cô gái bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, đoạn đường từ nhà ở đến nơi làm việc đều có người đưa đón, giám sát gắt gao. Buổi tối, không ai dám xin phép ra ngoài, phần vì sợ bọn “trai trẻ” chuyên đi bắt cóc gái mại dâm của chủ này bán lại cho chủ khác, phần nữa sợ chủ chứa biết sẽ đánh đập. Chủ chứa quy định mỗi người phải phục vụ ít nhất là 20 khách/ngày. “Ban ngày còn ít khách, chứ buổi tối, bình quân mỗi đêm, một cô gái phải tiếp đến hơn 40 khách làng chơi, mỗi lần trong vòng 15-20 phút. Có lần, khách đông quá, tiếp khách còn... không kịp mặc quần áo. Quá giờ: đánh mắng. Khách không hài lòng: đánh. Làm không đủ chỉ tiêu: đánh. Chúng không bao giờ để chúng tôi đói khát, bởi đói thì không tiếp khách được” – chị Y đau đớn nhớ lại.

Trong ký ức chắp nối của chị Y, những nỗi đau về thể xác và tinh thần của gần 100 ngày sống trong “động quỷ” luôn khiến cô kinh hoàng, sợ hãi. Để tránh các cô gái bỏ trốn, chúng dùng ma túy để giữ chân. Những cô gái Việt được đi ra ngoài thì không ai dám đến đồn cảnh sát nhờ giải cứu vì chủ chứa bảo, cảnh sát sẽ xích lại hoặc bán cho chủ chứa khác còn tồi tệ hơn nhiều…

Chị Y được công an Việt Nam phối hợp với công an Trung Quốc giải cứu về nước. Chị Y gọi điện cho chồng lên Móng Cái đón về. Về nước, chị được trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán người của tỉnh giới thiệu giúp đỡ việc làm. Chị Y cũng làm đơn tố cáo hành vi mua bán người của Huy và đồng bọn. Chị học nghề cắt tóc gội đầu, dự định mở một quán cắt tóc để làm lại cuộc đời. Y bảo, chị may mắn vì sớm được về nước, nhưng vẫn còn rất nhiều cô gái còn phải ngày ngày làm nô lệ tình dục kinh hoàng. Kể lại câu chuyện của cuộc đời mình, chị Y mong mọi người biết mà cảnh giác, đừng nhẹ dạ cả tin mà vướng vào cảnh éo le, đau khổ như chị. Giữa vòng xoáy trớ trêu của cuộc đời, người phụ nữ nhỏ nhắn vẫn luôn mong chờ sự chia sẻ, cảm thông của xã hội…

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.