Mệt mỏi vì chồng quá sạch sẽ

Chia sẻ

Chị Thủy vô cùng mệt mỏi với cảnh chồng soi từng hạt bụi trên chiếc bàn hay rửa kỹ càng từng cọng rau mỗi khi nấu ăn.

Lau chùi ba lượt từ trong phòng ngủ ra ngoài ban công, chỉnh lại chăn ga trải giường, vuốt ve là lượt tủ quần áo của vợ chồng và hai đứa con xong, chị Thủy vẫn giật mình thon thót khi thấy chồng bước chân vào nhà. Anh Nam chồng chị, là một người cực kỳ sạch sẽ và khó tính. Mặc dù anh làm ra tiền nhưng mọi việc nhà anh đều tự quán xuyến bởi vì chẳng có giúp việc nào chịu đựng được tính cách của anh. Còn chị Thủy luôn sống trong tâm trạng ức chế, khó chịu vì sợ chồng săm soi từng ly từng tý, nếu không vừa lòng anh lại cằn nhằn không yên.

Chị Thủy kể, từ ngày mới yêu, chị đã biết anh là người sạch sẽ, ngăn nắp, thế nhưng sau khi cưới về ở chung một nhà chị mới thấy áp lực. Hàng xóm, bạn bè, những người xung quanh nhìn vào đều nói chị sướng vì chồng vừa làm ra kinh tế lại vừa chịu khó làm việc nhà. Đâu ai biết được nỗi khổ của chị.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh Nam dù đi làm về muộn hay mệt mỏi đến mức nào cũng phải ngó qua nhà cửa một lượt. Nếu thấy chỗ này vẫn còn bụi bẩn, chỗ kia đồ đạc không để đúng chỗ là anh cau có, khó chịu. Anh đi làm cả ngày đến chiều tối mới về, con có tíu tít chào bố thì anh cũng chỉ gật đầu cho qua rồi xắn tay áo lên để lau chùi, dọn dẹp lại nhà cửa. Thậm chí, đồ chơi của con để trên nền nhà chưa kịp dọn là anh cũng vứt bỏ thùng rác. Chị Thủy phản đối thì anh cho rằng “con cái phải dạy từ nhỏ nếu không lớn lên sẽ quen thói bừa bộn”.

Nhà chị Thủy ở mặt phố, suốt ngày xe cộ đi lại, thế nhưng từng centimet trong căn nhà không bao giờ vướng bụi vì luôn có bàn tay anh lau chùi ngày hai đến ba lần. Thay vì đi thể dục hay gặp gỡ bạn bè ở quán cafe, trên sân golf, anh Nam chỉ về nhà và cặm cụi lau sàn nhà hay từng góc nhỏ trên cánh cửa. Nhiều hôm, chị Thủy và hai đứa con ngồi trước mâm cơm đã dọn sẵn chờ mãi mà vẫn chưa được ăn vì anh Nam đang mải mê lau cọ nhà tắm và bếp. Chị Thủy cho con ăn cơm trước, chị chờ anh ăn cùng thì lúc đó cơm canh đã nguội ngắt. Chị Thủy bực mình vô cùng nhưng đành nín nhịn cho qua.

Quần áo cũng vậy, anh Nam không cho vào máy giặt luôn mà phải giặt bằng tay với xà phòng rồi sau đó mới cho vào máy giặt. Lúc phơi phải vuốt ve từng chiếc quần cái áo cho phẳng phiu. Nhiều lúc chị Thủy bận hay mải chăm con, phơi quần áo vội vàng, anh liền lột xuống, cho vào máy xả lại rồi mới phơi lên.

Biết tính chồng nên chị Thủy không bao giờ mời bạn đến nhà chơi. Thỉnh thoảng có khách của anh đến nhà vì công việc thì bất đắc dĩ anh mới tiếp, khách vừa ra khỏi nhà, anh đã lao vào lau dọn chỗ khách ngồi, cốc khách uống nước thì anh mang đi rửa rồi tráng nước sôi. Anh rất dị ứng với việc cho người khác vào nhà, vì sợ họ mang theo bụi bẩn, virus, vi khuẩn. Cũng chính vì thế mà mấy đứa trẻ hàng xóm chưa bao giờ được bước chân vào trong nhà anh chị, hiếm hoi lắm chúng chỉ dám thập thò ngoài cửa để rủ hai đứa nhỏ nhà chị đi chơi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh kỹ tính ở nhà với vợ con thì đã đành, đằng này với ai anh cũng đòi hỏi khắt khe. Mẹ đẻ chị Thủy trước đây thường khuyên nhủ con gái “cố gắng nhường nhịn chồng, nó sạch sẽ như vậy là tốt hơn những đứa bừa bộn lại lười, việc gì cũng đến tay mình”. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn lên ở với “con rể yêu quý” mẹ chị Thủy cũng phải thở dài ngao ngán.

Đó là thời gian khi chị Thủy sinh bé thứ hai phải nhờ bà ngoại xuống trông con để đi làm. Những ngày sống chung đó mọi mâu thuẫn mới dần nảy sinh. Trước khi bà ngoại xuống, chị Thủy đã dặn chồng đừng quá kỹ tính làm mẹ buồn hay phải suy nghĩ và anh Nam cũng gật đầu.

Mấy ngày đầu anh Nam có vẻ thoải mái khiến chị Thuỷ cảm thấy yên tâm. Thế nhưng những ngày sau đó thì anh lại trở về như con người thật của mình. Mẹ vợ làm gì anh cũng không vừa mắt, bà làm gì anh cũng ngó nghiêng xem sạch hay chưa, nhà lau chưa khô anh đi lau lại. Mẹ vợ biết con rể kỹ tính nên cũng hết sức để ý, chỉn chu trong mọi việc, nhưng dường như chẳng việc gì vừa mắt anh.

Bữa đó cả nhà ăn canh chua cá với rau sống. Mẹ vợ đã ngâm rau, rửa rau sạch sẽ nhưng khi đến bữa ăn, dọn mâm cơm ra rồi anh Nam vẫn hỏi: “Mẹ rửa mấy nước rồi, mà sao vẫn thấy có lá úa”. Chỉ là một chút lá mùi vàng bé tí ti mà anh Nam mang rổ rau đi rửa lại trước sự ngỡ ngàng của mẹ vợ. Anh đứng rửa từng chiếc lá rau thêm 3 lần nước nữa, đến khi xong thì cơm canh đã nguội. Mẹ chị Thủy vừa bực mình vừa ngại không thể nuốt trôi cơm.

Biết mẹ buồn vì thái độ của con rể, chị Thủy vào phòng ngủ nói với chồng: “Anh cũng vừa phải thôi chứ, sao lại có thể làm thế như thế trước mặt mẹ. Bà tự ái, suy nghĩ rồi về quê thì làm sao? Với lại, anh cũng cố gắng sống thoáng ra, chứ quá sạch sẽ, kỹ tính vậy thì ai ở được với anh”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị Thủy dù bực mình nhưng nói rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên khi nghe thấy vợ trách móc, anh Nam quát rõ to khiến mẹ chị ở phòng bên cũng nghe thấy: “Tôi làm thế cũng vì sức khỏe của mọi người và nề nếp của cái nhà này. Có gì sai mà cô phải nói cái giọng kiểu đấy nhỉ? Mọi việc là tôi tự tay làm chứ có bắt mọi người đứng lên làm đâu mà khó chịu? Cô là vợ, là mẹ không chỉn chu, sạch sẽ noi gương cho con, còn lên giọng trách cứ gì ở đây. Nếu bà ngoại thấy khó chịu thì bà về, thế thôi”.

Mẹ chị Thủy nghe thấy vậy giận thật sự, muốn về quê ngay lập tức. Nhưng nghĩ lại, nếu bà về thì không có ai trông cháu. Thương con gái, thương cháu ngoại, bà lại một lần nhắm mắt cho qua. Nghĩ ngợi chán chê, bà gọi cả con gái và con rể sang giao hẹn: “Tôi ở lại đây cũng vì thương cháu, đến khi nó đủ tuổi đi lớp thì tôi về ngay. Thế nhưng từ giờ trở đi, tôi chỉ bế cháu thôi, còn việc nhà, cơm nước, anh chị tự lo, tự làm, tôi không quan tâm đến”.

Nghe mẹ nói vậy thì Thủy thở phào nhẹ nhõm vì bà không bỏ về quê nữa. Còn anh Nam đáp lời: “Hôm trước con có nói điều gì không phải mong mẹ tha lỗi, việc nhà từ nay mẹ cứ để vợ chồng con lo, mẹ trông cháu còn thời gian rảnh để nghỉ ngơi”. Chị Thủy biết tính chồng mình khó thay đổi nhưng dù sao cuộc nói chuyện hôm nay cũng khiến chị cảm thấy thoải mái hơn nhiều.

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.