Nỗi niềm của người ông cố níu hy vọng trong vô vọng

Chia sẻ

Tháng 5, trời oi bức. Khi màn đêm vừa buông xuống cũng là lúc lũ muỗi vo ve bay ra từ những lùm cây, bụi cỏ. Ông Tiến ngồi co chân trên chiếc giường cạnh cửa sổ, lặng lẽ hướng ánh mắt trầm tư ra khoảng sân sáng mờ mờ trước mặt của căn biệt thự, mặc cho bọn muỗi thi nhau tìm chỗ cắm vòi chích qua làn da đồi mồi chỉ còn “bọc lấy xương” của mình.

Ông cứ ngồi đó, trầm ngâm. Thi thoảng một vài chiếc ô tô đi qua, ánh đèn pha rọi từ ngoài hắt vào khung cửa sổ, phản chiếu lên tấm lưng còng rạp và thân hình gầy gò của ông, tạo thành cái bóng đen dài, cô độc bám trên tường. Cái bóng đen dường như cũng giống ông Tiến, đang cố bám víu lấy thực tại để níu kéo thứ hy vọng mong manh nào đó.

Ở ngưỡng tuổi thất thập cổ lai hy, nhiều lúc ông Tiến cũng muốn được giải thoát khỏi thế giới này để về chầu tiên tổ, về với người vợ yêu thương đã mất hơn chục năm trước. Nhưng ông lại nghĩ thương thằng cháu nội còn trứng nước, dại dột đang lầm đường lạc lối. Ông cứ sợ nếu chẳng may ông không còn, cháu ông sẽ bước ra khỏi ngôi nhà này, vĩnh viễn rơi vào vòng tay xã hội đen. Mà điều ấy, đến nghĩ ông Tiến cũng không muốn nghĩ tới.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trời càng lúc càng về khuya, ông Tiến vẫn một mình ngồi lặng lẽ bên cửa sổ. Mãi tới khi bên ngoài có tiếng những chiếc xe máy phanh kin kít, tiếng bánh xe rê thành đường cong xoàn xoạt, tiếng lũ thanh niên ầm ào, mở cổng cành cạch… ông mới loạng choạng bước xuống giường, đi nhanh ra phòng khách. Nhìn qua đồng hồ, ông Tiến lẩm bẩm trong đầu “ấy thế mà đã 10 giờ tối”.

- Ông già, nhà còn gì ăn không, tụi này đói quá rồi - tiếng một cậu thanh niên choai choai tóc nhuộm đỏ hoe the thé cất lên khi vừa thấy ông Tiến hé cửa.

- Im cái mồm mày lại, chào ông tao cho tử tế, không lần sau… “tàu lượn” - Đạt (cháu ông Tiến) gắt gỏng “đốp” lại.

Nghe cháu mình vặc nhau với cậu thanh niên đi cùng, ông Tiến vội can: “Thôi thôi, muộn rồi, đừng ầm ĩ, để cho hàng xóm xung quanh người ta ngủ”. Rồi ông quay sang phía Đạt: “Bố mẹ cháu hôm nay lên Hà Nội thăm vợ chồng chú út mới khỏi Covid-19. Một mình ông ở nhà không nấu cơm. Trong bếp vẫn còn mỳ tôm với trứng, mấy đứa đói thì tự nấu ăn rồi nghỉ sớm đi”. Xong xuôi, ông Tiến đóng cửa nhà, chậm rãi lê bước về phòng mình. Đến giờ, dù không muốn nhưng ông cũng phải quen với cảnh tượng thi thoảng Đạt lại đưa một đám bạn tóc nhuộm xanh đỏ, xăm trổ đầy người về nhà.

2 năm trước, khi Đạt học lớp 9, phát hiện cháu mình hay đi cùng với mấy cậu choai nhang nhác như vậy, ông Tiến đã nghi nghi... Ông nói chuyện với bố mẹ Đạt nhưng chúng phớt lờ, bảo ông cổ hủ vì bọn trẻ con bây giờ đều thế. Đến giữa năm lớp 11, khi cô giáo gọi phụ huynh lên tận trường để trao đổi về tình hình học tập của Đạt; rồi phát hiện dăm bữa nửa tháng cậu lại bỏ nhà đi bụi vài ngày, các con ông mới tá hỏa. Trong một buổi họp gia đình, bố mẹ Đạt mắng cậu té tát; thậm chí chỉ thẳng vào mặt mà quát: “Mày còn hư đốn như này thì cút, cút ra khỏi nhà tao, không còn bố con gì sất. Mới tí tuổi đầu, nứt mắt đã đòi ti toe học làm du côn. Từ nay tao cấm… không được giao du với mấy đứa như thế”. Nhìn cháu nội mặt không biến sắc, nghe “tai phải sang tai trái”, ông Tiến lo thầm trong bụng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tối đó, khi Đạt về phòng, ông mới vào gặp cháu tỉ tê. “Con cái dứt ruột đẻ ra nên không bố mẹ nào không thương con mình, bố mẹ cháu cũng thế. Có yêu mới “cho roi, cho vọt”. Ông biết cháu đã lớn, có suy nghĩ riêng, có quyền lựa chọn cách sống cho mình và ông tôn trọng điều đó. Ông già rồi, không giúp gì được cháu. Dù cháu thế nào ông cũng vẫn thương. Cả đời mình, ông chỉ tâm nguyện là được thấy con, cháu mình sống tốt, sống khỏe, sống hạnh phúc… không lầm đường, để bản thân ông tới lúc chết không phải ân hận, nuối tiếc” - ông Tiến cầm chặt tay Đạt, nước mắt cứ thế ứa ra từ đôi mắt nhăn nheo.

Đạt nghe ông nội nói vậy vẫn im lặng, nhưng trong ánh mắt dường như có chút gì đó xáo trộn. Với kinh nghiệm hơn 70 năm sống trên đời, ông Tiến đủ tinh tế để nhận ra điều đó. Và ông hy vọng. Nhưng rồi chính các con ông lại là người cướp đi hy vọng mong manh ấy. Chúng tự cho rằng mình làm bố, làm mẹ thì có quyền được chì chiết, áp đặt, bạo hành “tinh thần” con trai; mà không hiểu cách dạy ấy vô tình đẩy Đạt đi ngày càng xa vòng tay gia đình và đến gần hơn vòng tay “xã hội”. Đạt lỳ lợm, lỳ đòn và bất cần, bỏ cả học cấp 3, trở thành “thủ lĩnh” của một đám choai choai, có đợt còn đi “dạt” vào tận trong Nam. Bố mẹ Đạt vì bất lực nên tuyên bố kệ cho con trai “sống chết mặc bay”. Còn ông Tiến thương cháu, lại nghĩ sự thể thành ra thế này cũng một phần do lỗi của mình nên cứ cặm cụi dõi theo, chăm lo cho thằng bé. Cái lưng của ông đã còng nay lại còng thêm vì “gánh nặng” thi thoảng phải trả nợ đậy cho Đạt.

Tuần trước, con trai út của ông Tiến ngoài Hà Nội gọi điện cho bố, giọng hốt hoảng: “Con không dám chắc nhưng lo quá bố ạ. Mấy hôm nọ cháu Đạt ra đây chơi, ở cùng phòng với thằng Lâm nhà con. Ngày nào con vào phòng 2 đứa cũng thấy trên bàn có cái bật lửa. Con cứ giấu đi hôm trước, hôm sau lại xuất hiện cái mới. Con hỏi Lâm là: “Con lấy bật lửa trên bàn thờ cho anh Đạt à?”, cháu nói: “Con không, là anh Đạt tự mua”. Con hỏi tiếp: “Thế anh Đạt lấy bật lửa làm gì?”, cháu Lâm trả lời “con cũng không biết”. Nhưng 3 ngày nay, từ khi cháu Đạt về quê, thằng Lâm nhà con lúc nào cũng ngủ li bì, đầu óc mụ mị. Con chỉ sợ cháu Đạt đã dính vào ma túy. Hay tới đây bố ra ngoài này ở hẳn với vợ chồng con. Con thấy bố… cứ chịu khổ như vậy… trong lòng xót xa, day dứt lắm. Chúng con thì không can thiệp, thay đổi được vợ chồng bác cả (bố mẹ Đạt)”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Tiến nghe con trai út nói mà… lặng người. Ông đăm chiêu một hồi rồi kiên quyết từ chối: “Thôi con ạ, bố không đi đâu hết. Bố lo nếu mình không ở đây, thằng Đạt cũng chẳng về nhà nữa. Anh con giờ đâu quan tâm nó sống chết thế nào. Mà giả sử bố lên đấy, rồi thằng Đạt lên theo, chẳng may lại làm hư thằng Lâm thì khổ lắm”. Chẳng biết có phải tuổi già khiến con người ta yếu lòng hơn hay không, nhưng sau cuộc điện thoại, ông Tiến thấy mắt mình cay cay.

Người ngoài vẫn ghen tị vì thấy ông Tiến ở biệt thự, đi đâu cũng có con trai đưa rước bằng xe hơi. Họ nào biết ông sống với vợ chồng con trai cả âu cũng là lựa chọn bất đắc dĩ. Chúng có tiền tỉ trong tay nhưng hàng tháng con dâu vẫn “thu” của ông bố chồng già 4 triệu tiền chi tiêu. Bảo ông không buồn là không đúng. Nhưng con người ông lương thiện, chẳng suy tính thiệt hơn, lại nghĩ tuổi già không tiêu mấy đến tiền, bỏ đi 4 triệu cũng chưa hết lương hưu… nên tặc lưỡi mặc kệ. Điều khiến ông đau đáu, bận tâm nhất chỉ có chuyện thằng Đạt.

Ngày trước ông Tiến chẳng sợ già, chẳng sợ chết. Nhưng nay cứ nghĩ mình chẳng còn sống được bao lâu nữa là ông lại sợ, lại ứa nước mắt khi không biết Đạt sẽ ra sao, sẽ đi về đâu, liệu có trở về là “người” được không hay mãi mãi thành “ngợm”. Và đến giờ ông cũng vẫn tự trách mình thiếu kiên quyết, cứng rắn. Ông tiếc nuối giá như hồi Đạt còn bé, nếu ông chịu thúc ép vợ chồng thằng cả dạy dỗ, quan tâm, không kệ cho Đạt sống tự do, vô tổ chức theo lối “màn trời, chiếu đất”, “tối” đâu cũng là nhà, “ngã” đâu cũng là giường; nếu ông dám mạnh tay uốn nắn thằng cháu thay vì cứ ve vuốt, lo sợ mạnh tay quá khiến “cây cong gẫy cành”… thì có lẽ cơ sự không tới nỗi. Giờ ông chỉ hy vọng một lúc nào đó Đạt tỉnh ngộ, rời xa cái xấu, sống làm người tử tế. Nhưng hơn ai hết, ông Tiến biết rõ hy vọng ấy mong manh và xa xôi tới nhường nào.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.