Phòng chống đuối nước, nhiệm vụ của người lớn an toàn của trẻ nhỏ

AN TÚ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mùa hè nóng bức, không gì sung sướng bằng được lao xuống nước để tắm táp, vùng vẫy. Nhất là với trẻ nhỏ hiếu động. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ liên quan đến đuối nước rất cần được các phụ huynh quan tâm.

Đuối nước vì tắm sông hồ

Chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân tập trung vào lứa tuổi học sinh đã xảy ra trong cả nước. Mới đây nhất, ngày 27/6, 3 học sinh lớp 8 thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ra sông Dinh tắm và đã bị đuối nước thương tâm. Trước đó không lâu, ngày 19/6, 6 học sinh cùng trú tại phường Nam Khê (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) rủ nhau xuống khu bể bơi Thác Mơ (thuộc phường Minh Thành, TX Quảng Yên) tắm. Trong số 2 nam sinh đã bị đuối thì có 1 em tử vong.

Chiều 18/6, tại phường Hải Hòa (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), 2 cháu nhỏ 13-14 tuổi (trú tại Thái Bình và Lạng Sơn) được bố mẹ cho xuống nhà người thân ở TP Móng Cái chơi cũng tử vong khi ra sông Lục Lầm tắm.

Ngày 17/6, một nhóm 5 cháu bé đi tắm tại khu vực biển thuộc thôn Phú Hải (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) thì 4 cháu bé đuối nước. Cháu bé lớn nhất nhanh chóng lên bờ kêu cứu. May mắn, 3 cháu đã được cứu sống, còn 1 cháu bé 6 tuổi bị nước nhấn chìm dẫn đến tử vong. 

Phòng chống đuối nước, nhiệm vụ của người lớn an toàn của trẻ nhỏ - ảnh 1
Trẻ em được tập huấn về phòng chống đuối nước

Theo thống kê hàng năm, trong số các tai nạn thương tích ở trẻ, trẻ bị đuối nước có tỷ lệ tử vong cao hơn cả. Ở nước ta, tỷ lệ trẻ bị đuối nước hàng năm cao gấp nhiều lần ở các nước trong khu vực. Trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Con số này cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần so với các nước có thu nhập cao. 

Tại Đăk Lăk, theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ đuối nước thương tâm khiến 24 trẻ tử vong, trong đó có 7 vụ đuối nước tập thể và 5 vụ đuối nước lẻ. Đáng nói, nhiều vụ đuối nước xảy ra khiến cùng 1 lúc nhiều em nhỏ tử vong.

Như vụ đuối nước xảy ra ngày 4/6 khiến 3 học sinh trường THCS Chu Văn An (huyện EA H’Leo) tử vong, hay vụ việc xảy ra tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin khiến 3 anh em ruột trong một gia đình chết đuối dưới ao. Tại xã Cư Pơng (huyện Krông Búk), 3 chị em ruột 5 tuổi, 7 tuổi và 9 tuổi tử vong thương tâm tại hồ Ea Dhung Tiêng thuộc buôn Ea Dho, xã Cư Pơng…

Tại Hà Nội, đầu tháng 5/2022, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở một đập nước trên địa bàn xã Đồng Thái (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) khiến 3 em không may bị đuối nước. Trên địa bàn xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội), hai cháu bé 11 tuổi đi tắm ở Hồ Kè (thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà) chẳng may xảy ra một vụ đuối nước, tử vong. 

Đáng buồn hơn khi tỷ lệ nạn nhân là trẻ em và vị thành niên ngày càng tăng lên. Hầu hết các nạn nhân bị đuối nước do tắm ao, sông, hồ… - đây là những địa điểm nằm trong/gần khu vực các em cư trú, nên phát sinh chủ quan về sự cảnh báo hoặc răn đe từ người lớn. Đáng lo ngại là các vụ đuối nước xảy ra đối với trẻ do tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Ngoài ra, môi trường sống cũng luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập, gây nên tai nạn đuối nước.

Phòng chống đuối nước, nhiệm vụ của người lớn an toàn của trẻ nhỏ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Giám sát và bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện các biện pháp sau: Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ...; làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước; đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…); sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm…).

Người lớn cần giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia giao thông đường thủy.

Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối nước. Khi xảy ra vụ việc đuối nước cần tìm mọi cách báo nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết; gọi điện cho cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 hoặc chính quyền nơi gần nhất.

Anh Văn Đình Tưởng, Bí thư đoàn xã Thư Phú (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho rằng, công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước đã được chính quyền địa phương triển khai sâu rộng, song nhiều gia đình vẫn còn buông lỏng quản lý con cái, chưa sâu sát việc học bơi cho trẻ. Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng ao hồ còn tự phát, nhiều gia đình tự đào ao hồ, hố công trình xây dựng; một số ao hồ, giếng đình, ao làng… chưa có rào chắn. Mặc dù đã được cảnh báo nguy hiểm từ trước, song trẻ vẫn lén lút tổ chức bơi lội với nhau vì tính hiếu động… 

Phòng chống đuối nước, nhiệm vụ của người lớn an toàn của trẻ nhỏ - ảnh 3
Ảnh minh họa

“Đoàn thanh niên và các đơn vị liên quan cần xây dựng các kế hoạch vui chơi hè cho trẻ em, tuyên truyền để các em không đi chơi tại các điểm ao hồ, sông suối nguy hiểm. Để trẻ an toàn trong môi trường nước, cần quan tâm phối hợp dạy kỹ năng sinh tồn, trong đó có kỹ năng thoát hiểm khi bị rơi xuống nước trong các tiết ngoại khóa của nhà trường, buổi sinh hoạt cuối tuần, đồng thời hướng dẫn tập bơi trên cạn, học trực quan qua các video về cách xử lý tai nạn, tham quan mô hình bơi lội tại các trung tâm thể dục thể thao, khu điền kinh dưới nước…

Ngoài ra, những nơi sông suối, ao hồ rộng, đặc biệt là nơi thường xuyên xảy ra đuối nước, bên cạnh các biện pháp cảnh báo nguy hiểm cần được tuần tra, theo dõi, lắp camera giám sát thường xuyên” – anh Tưởng đề xuất. 

Còn bà Vũ Thị Kim Hoa, Cục phó Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết trung bình cả nước chỉ có khoảng 30% trẻ em biết bơi và tỷ lệ này tại một số tỉnh thành còn thấp. Phần lớn trẻ em Việt Nam thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; không quen nhận biết “vùng nguy hiểm”. Nhiều địa phương chưa hoặc bố trí ít kinh phí cho chương trình phòng chống đuối nước trẻ em. “Các địa phương cần sớm lập bản đồ điểm nóng về tai nạn đuối nước, cảnh báo để trẻ nhận biết nơi nào được tắm hay chơi”, bà Hoa nói. 

Chống đuối nước hiện trở thành ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ ban hành. Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm 10% trẻ em tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.

Tính đến năm 2022, Chương trình phòng, chống đuối nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã dạy bơi cho khoảng 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, đồng thời, hơn 30.200 trẻ em tại 8 tỉnh có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất cả nước cũng đã được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Bên cạnh việc trẻ em phải được học kỹ năng an toàn với nước như nhận biết khu vực có dòng xoáy, chỉ bơi khi có người lớn ở bên hay đang bơi chuột rút phải làm gì, thì các gia đình cần rà soát nơi ở để khắc phục, loại bỏ ngay các nguy cơ gây đuối nước như dựng hàng rào xung quanh quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước và đậy nắp giếng nước, bể nước… Sự quan tâm của cộng đồng và gia đình đối với trẻ là biện pháp hữu hiệu giúp trẻ tránh được các tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.