Tưng bừng đi du lịch sau đại dịch

Q. NHƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau hơn 2 năm bị đại dịch Covid-19 “kìm hãm”, nhiều gia đình bắt đầu nô nức đặt tour du lịch để được nghỉ ngơi, gắn kết hơn tình cảm gia đình…

“Đua” nhau đi du lịch 

Những năm gần đây, các phụ huynh càng ngày càng ý thức việc con bị ảnh hưởng tiêu cực từ các thiết bị công nghệ, ít ra ngoài và lười vận động hơn. Do đó, để giảm thiểu tác hại của công nghệ cho con, các gia đình đang có xu hướng đưa con đi du lịch. Các kỳ nghỉ có tác dụng kết nối, gắn bó các thành viên cũng như kiến tạo nên những kỷ niệm trong đời. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến cho đời sống kinh tế - xã hội của đa số người dân bị xáo trộn nên suốt hơn 2 năm đại dịch Covid-19 “ghé thăm”, đa số các gia đình phải “án binh bất động”, không thể đi đâu xa. Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều người nhận ra tầm quan trọng của sự cân bằng cuộc sống, giá trị của yêu thương và trân trọng tình cảm gia đình. Do đó, sau đợt dịch bùng phát mạnh mẽ vừa qua, khi ngành du lịch bắt đầu mở cửa, cuộc sống quay lại trạng thái “bình thường mới”, nhiều gia đình đã bắt đầu sắp xếp thời gian,  tài chính để đưa con đi du lịch, chăm sóc sức khỏe tinh thần, nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình…

Tưng bừng đi du lịch sau đại dịch - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bên cạnh việc trẻ trở lại học trực tiếp ở trường, cha mẹ bắt đầu cho trẻ đến các trung tâm thương mại, khu vui chơi, tổ chức ăn uống tại các nhà hàng – điều mà 2 năm qua đã phải “bỏ lỡ”. Ở nhiều khu vui chơi, công viên, số lượng người tham quan ngày một đông, trong đó có trẻ em. Đáng nói, nhiều người lớn, trẻ em đã bỏ khẩu trang, không tuân thủ quy định về an toàn phòng dịch như trước.

Năm nào cũng vậy, gia đình chị Văn Hương (Đống Đa, Hà Nội) cũng đều tổ chức các chuyến du lịch xa, gần cho các con nghỉ dưỡng, khám phá. Hai năm nay, do tình hình dịch bệnh, trẻ phải học online, chị tạm hoãn các kỳ nghỉ dưỡng gia đình. Do đó, năm nay, khi cả nhà đều đã được tiêm 2-3 mũi vắc-xin phòng Covid-19, chị lập tức đặt vé để cả gia đình đi du lịch Phú Quốc. “Chuyến đi kéo dài 4 ngày, vào đúng ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên rất đông khách du lịch. Mặc dù vậy, các con tôi (bé lớn 15 tuổi, bé nhỏ 11 tuổi) cảm thấy rất hào hứng và thích thú, bởi rất lâu rồi mới được đi chơi xa như vậy” - chị Hương cho biết. Theo chị Hương, do đã tiêm vắc-xin, đồng thời cả nhà đã nhiễm Covid-19 nên tâm lý của chị khá thoải mái khi đi du lịch, thậm chí đến chỗ đông người. 
Nhà báo Hoàng Vững, Phó Tổng biên tập báo Gia đình Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm “Du lịch gia đình hậu Covid-19: Gắn kết tình thân và giải pháp của nhà tổ chức” do báo Gia đình Việt Nam tổ chức mới đây nhằm đưa ra những tư vấn, giải pháp cho kỳ nghỉ gia đình sau thời gian dài dịch bệnh cho biết, sau đỉnh dịch Covid-19 trôi qua, việc đi du lịch được rất nhiều người quan tâm. Điều mà gia đình anh quan tâm nhất cũng là đi đâu để du lịch được trọn vẹn. Mấy năm trước, gia đình anh thường hay chọn các tour vì nó rất bài bản, tuy nhiên, hai năm trở lại đây, dịch bệnh ảnh hưởng khiến gia đình anh hạn chế các chuyến du lịch xa, phải di chuyển nhiều trên các phương tiện giao thông công cộng. “Hiện tại, gia đình tôi cũng chỉ lựa chọn đi dã ngoại ở ngoại thành. Để chuyến đi trọn vẹn, chúng ta cần có lựa chọn đúng đắn. Đi du lịch phải tìm hiểu trước xem đi đâu, chọn chỗ nào” - anh Vững cho biết. 

Chị Lê Luyến (Hà Đông, Hà Nội) vừa cùng gia đình đi chuyến du lịch Đà Lạt trọn vẹn 4 ngày. Đây là chuyến đi đã được chị ấp ủ từ lâu, vì muốn cho hai con trải nghiệm cùng. Tiêu chí của chị là lựa chọn những nơi gần gũi với thiên nhiên và không quá xô bồ để nghỉ lại. Theo chị Luyến, du lịch thời điểm này gần như đang là “mốt” vì hầu như gia đình nào cũng đều muốn đi đâu đó sau khoảng thời gian phải ở nhà quá lâu. Vốn là người thích xê dịch nên chị khá chuyên nghiệp trong việc chuẩn bị trước khi đi. Gia đình chị đã chi khoảng 5 triệu đồng/người cho chuyến đi này. “Nhà mình chọn chỗ ở thật mộc mạc, xung quanh là vườn cây, để cả nhà cùng thư giãn, ngoài ra là thời gian ăn uống nhẹ nhàng, đi tham quan vài điểm mình cảm thấy thích”.

Đi du lịch thời nay không đơn giản chỉ là đi nghỉ mà còn là lúc nhiều người thể hiện gu thời trang hoặc phong cách bản thân. Do đó, trước ngày đi chơi, các gia đình thường bỏ ra một khoản tiền sắm quần áo mới và vô số phụ kiện đi kèm. Gia đình chị Luyến đã đầu tư mua bộ đồ mới cho cả gia đình, chọn những bộ đồ thiết kế đơn giản, hài hòa màu sắc để lên hình. Túi, vali da cũng đều được chị mua mới. Nhờ chuẩn bị kỹ càng, cả gia đình chị đã có những bức ảnh rất đẹp trên mạng xã hội…

Chuẩn bị gì khi du lịch mùa hậu Covid?

Sau thời gian cách ly xã hội, thị trường du lịch đang dần “nóng” trở lại. Nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn càng tăng cao khi kỳ nghỉ hè của con trẻ đang đến gần. Những ông bố, bà mẹ cũng đang mong mỏi một kỳ nghỉ “xả hơi” đúng nghĩa.

Theo khảo sát về xu hướng du lịch nội địa từ tác động của đại dịch Covid-19 do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) thực hiện, hơn 53% người tham gia khảo sát sẵn sàng đi du lịch ngay trong hè này khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu du lịch biển tăng cao (67%) và có tới 89% lựa chọn đi du lịch cùng gia đình hoặc theo nhóm nhỏ bạn bè. Do đó, dễ hiểu khi thời khắc mở cửa xã hội hậu Covid-19, cũng là lúc nhà nhà, người người nghĩ đến việc lên đường đi du lịch.

Tưng bừng đi du lịch sau đại dịch - ảnh 2
Ảnh minh họa

Có thể thấy rõ, dấu hiệu phục hồi của du lịch nội địa ngay từ kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng rất cao. Nắm bắt được điều đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quảng bá du lịch địa phương, các điểm đến du lịch kỳ thú, các chính sách mới phù hợp với thời cuộc để người dân thỏa sức lựa chọn. Những ngày cuối tuần, nhu cầu nghỉ dưỡng du lịch của các gia đình ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng cao. Nhiều gia đình thay vì du lịch xa đã chọn đến các điểm nghỉ dưỡng ở ngoại thành thành phố để giải tỏa áp lực cuộc sống, gắn kết tình thân. Việt Nam có nhiều điểm đến như SaPa, Ninh Bình, Hội An, Quảng Bình… Trước đây, du lịch có thể là vui chơi, khám phá nhưng hiện nay, du lịch mang tính trải nghiệm, gắn kết, do đó, các nhóm khách hàng gia đình đang tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng, đây là thời điểm để các gia đình lựa chọn các gói du lịch phù hợp với mình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như chặt chém, giá cả nơi lưu trú, cơ sở vật chất chưa đảm bảo… Vì vậy, với những gia đình muốn đi du lịch thì cần có sự chuẩn bị trước về các tour du lịch, lựa chọn một chuyến đi phù hợp nhất”.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống, song các chuyến du lịch đều có nguy cơ nhiễm hoặc lây lan Covid-19. Do đó, trước khi đi du lịch, các gia đình cần kiểm tra về tình hình Covid-19 ở địa phương chuẩn bị đến; kiểm tra trước những lựa chọn có sẵn tại điểm đến du lịch của gia đình như phương tiện đi lại, thức ăn, chỗ ở; chuẩn bị đủ thuốc thang, chọn phương tiện di chuyển an toàn nhất, nếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hãy tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chính - giữ khoảng cách tiếp xúc, hạn chế chạm vào các bề mặt và vệ sinh tay thường xuyên. Giữ một hàng ghế giữa bạn và những du khách khác nếu có thể. Trong chuyến đi, các thành viên cần lên kế hoạch tránh đến các không gian quá đông đúc, không thông thoáng hay các cuộc tụ tập quá đông người, xô bồ; nếu dự kiến nghỉ lại ở khách sạn, nhà lưu trú, hãy kiểm tra các biện pháp mà họ áp dụng, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như chìa khóa, nắm cửa, điều khiển… mở cửa sổ để giúp không khí lưu thông cho căn phòng. Đồng thời, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh vẫn cần được thực hiện thường xuyên như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, tránh chạm vào mặt, giữ khoảng cách với người khác ở nơi công cộng...  

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.