Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động

HẠNH LÊ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 26/5, đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có cuộc đối thoại với hơn 200 công nhân lao động, đại diện cho trên 2,5 triệu công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động  - ảnh 1
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi đối thoại với hơn 200 CNLĐ

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022, là dịp đối thoại trực tiếp giữa công nhân lao động (CNLĐ) Thủ đô với lãnh đạo TP để cũng nhau tháo gỡ, giải quyết khó khăn vướng mắc cho cả người sử dụng lao động và người lao động.

Doanh nghiệp hoạt động ổn định, bảo đảm đời sống người lao động

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động  - ảnh 2
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Lê Đình Hùng báo cáo tình hình đời sống, việc làm của CNLĐ 

Báo cáo về tình hình đời sống, việc làm của CNLĐ và việc thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Lê Đình Hùng cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 326.000 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu lao động; trong đó có 9 khu công nghiệp và chế xuất cùng Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và 165.000 lao động.

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế - xã hội TP có nhiều khởi sắc, dịch bệnh được kiểm soát an toàn, kinh tế được phục hồi. Trong 4 tháng đầu năm đã có 9,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5 lần); chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,8% (trong đó, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước). Đến nay, người lao động đã quay trở lại làm việc nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao tại các doanh nghiệp.

Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid -19 nhưng trong 4 tháng đầu năm 2022, với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, tiền lương bình quân của người lao động tăng từ 7,37% -13,49% so với cùng kỳ năm 2021.

Để đạt được mức thu nhập trên, người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca, thậm chí là làm thêm quá giờ quy định. Tuy nhiên, mức thu nhập hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, do người LĐ phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa thị trường tăng cao... Đặc biệt, CNLĐ ở các khu công nghiệp và chế xuất còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Việc chấp hành pháp luật lao động của các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trên địa bàn TP được quan tâm thực hiện. Phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về mức lương tối thiểu vùng, các quy định về thời giờ làm việc, hỗ trợ bổ sung nhiều khoản trợ cấp cho người lao động... 

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp trên địa bàn TP chấp hành các quy định về pháp luật lao động chưa được nghiêm: Tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể chưa cao (đạt 46,81%); tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đạt 62,38%, nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng thang bảng lương, hoặc xây dựng còn thiếu rõ ràng,…

Đặc biệt, thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện một số doanh nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật lao động kéo dài trong quá trình triển khai các nội dung giao kết và thực hiện hợp đồng lao động như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các điều kiện làm việc, trang cấp bảo hộ lao động, huấn luyện an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động…

Việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ở một số doanh nghiệp chưa được nghiêm túc, còn hiện tượng cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Lắng nghe tâm tư, giải quyết vướng mắc của người lao động

Chủ trì cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay TP đã bước sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn. Sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của TP có đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và người lao động.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, lãnh đạo Thành phố sẽ lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất; các sở, ban ngành sẽ dựa trên chủ trương, chính sách giải đáp trực tiếp cho CNLĐ nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề. Các anh chị em công nhân hãy cởi mở, thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng chính đáng, hướng tới mục tiêu chung TP, đó là bên cạnh doanh nghiệp ổn định sản xuất, phúc lợi của người lao động ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động  - ảnh 3
Đại diện CNLĐ tham gia buổi đối thoại đề xuất ý kiến, kiến nghị

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, đã có 22 lượt câu hỏi của CNLĐ dự hội nghị trực tiếp gửi tới Chủ tịch UBND TP liên quan đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra, kiểm tra tình trạng doanh nghiệp nợ lương, chây ì, nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội; giải quyết nhu cầu nhà ở, chỗ học cho con công nhân, lao động; lắp đặt wifi miễn phí; khám, chữa bệnh, vệ sinh môi trường trong các khu, cụm công nghiệp...

 Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo 8 sở, ngành, địa phương trả lời và đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố cũng trực tiếp trả lời một số câu hỏi mang tính chính sách, định hướng; các câu trả lời đều thỏa đáng, nhận được sự đồng thuận cao của CNLĐ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động  - ảnh 4
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị, làm rõ thêm một số vấn đề người LĐ quan tâm

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết: trên tổng số 530 kiến nghị được tổng hợp và 22 ý kiến trực tiếp - những nhóm ý kiến trọng tâm, sát sườn với đời sống của CNLĐ, các đơn vị, sở, ngành liên quan đã trả lời với tinh thần chung sức đồng lòng, trách nhiệm mọi mặt, cam kết khắc phục giải quyết và sẽ báo cáo lại với TP vào giữa tháng 6/2022.

Ghi nhận và cảm ơn sâu sắc những kiến nghị vô cùng xác đáng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã làm rõ thêm một số vấn đề.

Về sự đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền thực hiện các nhiệm vụ, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, trong hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, TP luôn coi an toàn sức khỏe của người dân, CNLĐ là trên hết. Đến nay, TP đã khôi phục sản xuất gần 100%, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của CNLĐ. Những tháng đầu năm 2022, Thủ đô đã có những dấu mốc đặc biệt như tổ chức thành công SEA Games 31 được bạn bè quốc tế đánh giá cao, kinh tế phục hồi rõ nét, du lịch, văn hóa quảng bá mạnh mẽ, dịch bệnh được kiểm soát, thu ngân sách vượt so với cùng kỳ với năm 2021; tỷ lệ cho vay vốn, tạo việc làm mới cho CNLĐ cũng được tăng cao…

“Với những kết quả như vậy, tôi tin rằng đóng góp của anh chị em CNLĐ, giới chủ doanh nghiệp Thủ đô thời gian tới sẽ mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt những vướng mắc nêu lên sẽ cùng nhau được xem xét, tháo gỡ”, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động  - ảnh 5
Trước giờ gặp gỡ CNLĐ, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã nắm bắt tình hình việc làm, đời sống của CNLĐ công ty CP Eurowindow (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh)...
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động  - ảnh 6
... và thăm hỏi tình hình đời sống, việc làm, thu nhập cũng như tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh

Về chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người LĐ, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết: Ngay sau khi có Quyết định của Chính phủ, Hà Nội đã tăng tốc, hướng dẫn triển khai chi trả hỗ trợ cho CNLĐ tới từng đơn vị, các cấp quận, huyện, thị xã. Hiện nay đã có 30 quận, huyện đã tiếp nhận 2.852 hồ sơ của 107 doanh nghiệp. Mặc dù đã có chính sách nhưng công tác tổ chức và thông tin chưa thực sự tới sâu rộng người lao động và giới chủ lao động. Do đó, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện để các đơn vị nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chi trả kịp thời cho CNLĐ.

Về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho CNLĐ, ngoài chính sách chung của Trung ương, TP đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, LĐ nữ mất việc làm; hỗ trợ chi phí đào tạo; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.