Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi):

Hướng đến các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi và hiệu quả

ĐỨC HẠNH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 Điều; trong đó, sửa đổi bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều.

Hướng đến các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi và hiệu quả - ảnh 1
Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Chiều nay (27/5), thực hiện chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối, nan giải 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình(PCBLGĐ), góp phần bảo vệ người bị BLGĐ, xử lý các hành vi BLGĐ, vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình...

Bên cạnh những kết quả đạt được, BLGĐ vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Theo Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012)…

BLGĐ cũng được xem là một trong những tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Trong 10 năm, trong số các vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có khoảng 76,6% các vụ án ly hôn (1.060.767 vụ) xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ như bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ, bảo vệ trong PCBLGĐ, Luật còn một số khái niệm chưa được làm rõ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong quá trình tổ chức thực hiện; không có điều khoản riêng quy định về giải thích từ ngữ, do đó còn thiếu một số khái niệm quan trọng, một số khái niệm chưa được giải thích rõ. 

Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi BLGĐ có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. 

Nhấn mạnh hòa giải là biện pháp phòng ngừa BLGĐ và phòng ngừa tái diễn BLGĐ, không thay thế các biện pháp xử lý vụ việc BLGĐ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chỉ ra rằng, trong 15 năm thực hiện Luật cho thấy công tác hòa giải trong PCBLGĐ cũng chưa phát huy được hiệu quả. Khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải và khi nào thì cần các biện pháp khác chưa được quy định rõ trong Luật…

Từ thực tế trên, cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về gia đình; giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như các quy định về PCBLGĐ, về hòa giải, về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, xử lý hành vi BLGĐ và vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ; đảm bảo phù hợp vơícác Điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế. 

Sửa Luật để tăng cường biện pháp bảo vệ các quyền con người

Hướng đến các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi và hiệu quả - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Theo tờ trình, nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020. Đó là các biện pháp PCBLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều. 

Cụ thể, chương I - Những quy định chung (từ Điều 1 - Điều 13)sửa đổi, bổ sung 10 điều so với Luật hiện hành, bổ sung mới 3 điều. 

Trong đó, đáng chú ý, tại chương I - Những quy định chung, dự thảo Luật bổ sung những hành vi bạo lực mới như: Bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ; phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành  viên gia đình liên quan đến giới; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; xâm hại tình dục trẻ em hoặc các thành viên khác trong gia đình; cưỡng ép mang thai, phá thai… 

Đặc biệt, chương IV - Điều kiện đảm bảo cho hoạt động PCBLGĐ (từ Điều 48 - Điều 51) là chương bổ sung mới so với Luật hiện hành nhằm khắc phục bất cập trong phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ; đào tạo, bồi dưỡng người tham gia PCBLGĐ; kinh phí cho hoạt động PCBLGĐ; cơ sở dữ liệu và quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu PCBLGĐ nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống; triển khai, thi hành Luật đạt hiệu quả hơn. 

Tại chương V - Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ (từ Điều 52 đến Điều 60) sửa đổi, bổ sung quy định về “Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về PCBLGĐ” (Điều 53 Dự thảo) “Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” (Điều 54 Dự thảo); “Trách nhiệm của cơ quan ngang bộ” (Điều 55 Dự thảo); “Trách nhiệm của cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp” (Điều 57 Dự thảo); Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận” (Điều 58 Dự thảo); “Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” (Điều 59 Dự thảo). Việc sửa đổi này nhằm bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước về PCBLGĐ, phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ.

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.