Rà soát, bổ sung tránh bỏ sót hành vi bạo lực gia đình với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp

HẠNH LÊ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

Rà soát, bổ sung tránh bỏ sót hành vi bạo lực gia đình với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh 

Chiều nay (27/5), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật và phạm vi sửa đổi của dự án Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành. 

Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình (BLGĐ), đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về BLGĐ và quan tâm các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng, miền, dân tộc. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định để cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở của Công an cấp xã.

Về một số nội dung lớn, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa các quy định áp dụng cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam liên quan đến các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ, biện pháp xử lý vi phạm trong PCBLGĐ mà chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc hình sự…; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung để các hành vi BLGĐ phản ánh được thực tiễn cuộc sống và tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi BLGĐ được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Việc quy định các hành vi BLGĐ cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ, biện pháp xử lý người có hành vi BLGĐ. 

Về các điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp PCBLGĐ, Ủy ban Xã hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong phòng ngừa BLGĐ, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong PCBLGĐ như về thông tin, truyền thông, giáo dục; tư vấn, hòa giải; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa BLGĐ; quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về BLGĐ; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị BLGĐ… 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của một số biện pháp như bổ sung biện pháp giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình và biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình (Điều 25 và Điều 26) còn khá mới đối với lĩnh vực PCBLGĐ chưa được thí điểm và đánh giá kết quả tổ chức thực hiện. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, quy định theo hướng có lộ trình để có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết (nguồn lực, hệ thống cơ sở trợ giúp PCBLGĐ, đặc biệt là đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp…) để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Về biện pháp yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc BLGĐ (Điều 32), Ủy ban Xã hội nhận thấy, biện pháp yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc BLGĐ quy định tại khoản 1 Điều 30 là một trong các biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 32 lại quy định chỉ khi được phân công giải quyết vụ việc BLGĐ Công an cấp xã mới có quyền yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc gia đình. Ủy ban Xã hội thấy rằng, để mang tính răn đe cao, nên quy định theo hướng khi nhận được tin báo tố giác về BLGĐ, Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi BLGĐ phải đến trụ sở Công an cấp xã để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc BLGĐ.   

Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã (Điều 33) hoặc theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 34),Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc sửa đổi các quy định về biện pháp cấm tiếp xúc là cần thiết để khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc triển khai biện pháp này. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo quan tâm về: khả năng áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…; bổ sung quy định để bảo đảm quyền chọn chỗ ở của người bị BLGĐ được thực hiện và quy định giao Công an cấp xã hỗ trợ việc giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; bổ sung quy định để Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc nếu xét thấy cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của nạn nhân BLGĐ, trừ trường hợp người bị BLGĐ từ chối tương tự như Tòa án nhân dân ra quyết định cấm tiếp xúc nhằm bảo đảm sự an toàn cho nạn nhân, tránh “bạo lực kép” sau khi nạn nhân có đơn yêu cầu hoặc thể hiện sự đồng ý.

Ngoài ra, quá trình xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và thực tiễn giám sát của Ủy ban Xã hội cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao, trong một số trường hợp có tác động ngược như biện pháp phạt tiền người có hành vi BLGĐ, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nạn nhân BLGĐ phải lấy tiền của gia đình để nộp tiền phạt, đòi hỏi có những biện pháp phù hợp, có tính răn đe, giáo dục. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng”.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về PCBLGĐ,Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về PCBLGĐ để có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội. Thực tiễn hiện nay cho thấy, công tác PCBLGĐ vẫn tập trung trách nhiệm cho ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, mà thiếu cơ chế phối hợp rõ ràng và tham gia tích cực của cơ quan, tổ chức khác trong khi đặc thù của công tác PCBLGĐ đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.