Thánh thiêng ở lòng dân

Chia sẻ

Lễ hội Thánh Gióng hàng năm thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Từ xưa, người dân làng Phù Đổng đã tự hào “tứ tỉnh đường trong ngũ tỉnh đường ngoài đều về hội Gióng”.

 
“Ai ơi mùng chín tháng Tư…”
 
Ông cha ta còn truyền lại câu ca dao: “Ai ơi mùng chín tháng Tư / Không đi hội Gióng cũng hư một đời”.
 
Đúng là nếu không đi dự lễ hội Thánh Gióng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội sẽ không thể nào biết được một lễ hội văn hoá cổ truyền độc đáo, kỳ thú nhất và cổ xưa nhất, mô phỏng sinh động nhất diễn biến những trận đánh của Thánh Gióng, một hình thái chiến tranh mang đậm sắc thái của các bộ lạc cổ xưa, thông qua những màn diễn xướng của chính hàng nghìn người dân địa phương. Lễ hội năm nay đã thu hút  hàng vạn người dân nô nức kéo đến dưới ánh nắng gay gắt tháng Tư.
 
Thánh thiêng ở lòng dân - ảnh 1
Các liền anh liền chị hát giao duyên tại Lễ khai mạc hội Gióng
 
Theo truyền thống, tham gia phục vụ lễ hội Thánh Gióng có các ông Hiệu cờ, Hiệu chiêng, Hiệu trống, Hiệu trung quân và Hiệu tiểu cổ. Tất cả các ông Hiệu đều được che hai lọng. Riêng ông Hiệu cờ được che bốn lọng vì ông là tượng trưng cho Thiên tướng trong trận đánh.
 
Các ông Hiệu được chọn trong số thanh niên của làng. Điều độc đáo của Lễ hội Phù Đổng và các ông Hiệu là bắt đầu từ ngày 25 tháng Ba, ông Hiệu xuống đền xin quan nhà giám và Đức Thánh nhận các đồ tế lễ, rồi mời thầy về dạy và có một đội hình phục vụ ít nhất khoảng 30 người. Từ ngày mùng 1 tháng Tư, ông Hiệu được cách ly: ăn riêng, ngủ riêng một phòng, không được giao tiếp với bên ngoài, có gì chỉ có 2 gia nhân phục vụ. Nói gì, làm gì, thì hai gia nhân sẽ truyền đạt lại cho gia đình. Trong thời gian ấy, ông Hiệu được các gia nhân phục vụ lo chăm sóc việc ăn, ngủ, nghỉ, tĩnh dưỡng và tập luyện các thủ tục hành lễ phục vụ nhà Thánh.
 
Đội quân Thánh Gióng, tục gọi là “phù giá” gồm 120 trai đinh, ngực trần đóng khố, tuổi đời từ 18 đến 36, được chia làm 6 đạo, lúc tiến lúc lùi răm rắp theo hiệu lệnh, thể hiện hình ảnh một đội quân tinh nhuệ và kỷ luật của Thánh Gióng.
 
Bên cạnh các ông Hiệu là quân của Thánh Gióng, tượng trưng cho cái thiện, còn có các cô Tướng tượng trưng các tướng giặc Ân, đại diện cho cái ác. Dân làng đã chọn ra 28 cô bé từ dưới 10 tuổi để đóng vai tướng giặc Ân. Trong đó chọn ra hai cô tướng là chánh tướng và phó tướng.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng ban tổ chức Lễ hội Gióng 2012, vẫn như mọi năm, Lễ hội Gióng xã Phù Đổng năm nay được tái hiện bằng nhiều tích trò diễn xướng dân gian đặc biệt theo truyền thống. Tuy nhiên, vì năm nay là hội lệ, không phải hội chính nên theo lệ làng có giản lược bớt một số vai diễn như không có sự tham gia của 28 cô tướng, không có đội phù giá 120 nam binh kéo ngựa…
 
Ba giờ chiều ngày mùng 6 tháng Tư, dân làng tiến hành lễ rước nước rửa khí giới trước khi bước vào trận chiến cũng là khi tiếng trống khai hội Gióng bắt đầu. Lễ rước  nước còn có hàm ý cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
 
11h trưa ngày mồng 7 tháng Tư, lá cờ lệnh được khiêng đến đặt trước đền Mẫu. Đợi đến 15h chiều, nhà Hiệu đi “khám đường” tức là kiểm tra mọi công trình đã được tiến hành dọc con đường dẫn đến nơi lập trận địa.
 
Trong hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Tư, nhân dân kéo đến trước sân đền, để xem biểu diễn tuồng và nghe hát dân ca quan họ tại nhà thủy đình.
Tưng bừng và náo nhiệt nhất là ngày chính hội diễn ra hôm mùng 9 tháng Tư âm lịch. 11h trưa lễ tế lớn ở đền. Đến 13h, đội trinh sát về báo tin giặc đã tới gần và hạ trại ở làng Đổng Viên. Trống nổi lên, mọi người kéo đến đền nghe lệnh. Quân lính tới giá lấy binh khí rồi kéo ra. Các ông Hiệu đến làm lễ, cầm lấy chiêng, trống, cờ, ra đứng trước đền.
 
Thánh thiêng ở lòng dân - ảnh 2
Đoàn múa Ải Lao của làng Hội Xá (phường Phúc Lợi, quận Long Biên)
với màn múa Rồng khai hội
 
Tiếp đó, ông hổ hiện thân của sức mạnh bạo lực, dẫn đoàn quân của mình đến quy phục. Đây là đoàn múa Ải Lao của làng Hội Xá (phường Phúc Lợi, quận Long Biên) gồm 20 người. Một người hóa trang làm ông hổ, một người chủ trò mang súng gỗ, người thứ ba cầm trống cơm, một người khác mang chiêng nhỏ, hai người nữa mang cờ lau, số còn lại cầm sênh tre.
 
Thế rồi, từ sân bái đường, chiêng trống ba hồi nổi lên. Cuộc hành quân bắt đầu. Dẫn đầu là hai vị chỉ huy đội tiền vệ. Tiểu cổ, do trẻ em mặc áo màu, cầm roi song đi trước. Tiếp đó là ông hổ cùng quân của mình, rồi đến cờ xí của các ông Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu trung quân. Ông Hiệu cờ đi sau, tay cầm cờ lệnh. Hòm chứa trang phục của Thiên tướng rước đi sau cùng. Quân lính cầm binh khí diễu binh xếp hàng đi theo đám rước.
 
Chiến trận diễn ra thành hai giai đoạn. Một ở Đống Đàm, lối vào làng Đổng Viên. Một ở Sòi Bía, trước đình hạ Mã, trên đất làng Phù Đổng. Sẩm tối các tướng giặc xin hàng. Mũ áo của các nguyên soái bị lột, coi như bị chém đầu. Quân của thần được mời một bữa cỗ.
 
 
Ông Vũ Văn Thắng, Bí thư chi bộ thôn Phù Dực 1: “Hội Gióng được hình thành từ xa xưa và được truyền từ đời này sang đời khác. Việc phục vụ nhà Thánh, nhân dân đã có tâm tham gia. Chúng tôi mong muốn rằng khi đã được UNESCO công nhận, tôn vinh lễ hội Phù Đổng thì Nhà nước cần quan tâm hơn đến các di tích công trình lễ hội và di tích phục vụ lễ hội”
  Cảnh đông vui nhất của Lễ hội Gióng là màn cướp chiếu sau khi ông Hiệu cờ đá bát. Đám đông liền nhảy bổ vào giành nhau chiếc chiếu ấy, vì theo quan niệm chỉ cần một mẩu chiếu dù nhỏ đến mấy cũng mang lại may mắn cho cả gia đình, chữa được khỏi bệnh, thậm chí đàn bà vô sinh cũng có thể sinh con. Vì vậy, người ta chen chúc nhau, tranh giành nhau, thậm chí ẩu đả với nhau. Trong khi trận đánh không hề gây nên chút thiệt hại nào thì chỉ riêng màn giành chiếu này có khi lại dẫn đến đổ máu.
 
 Chúng tôi hòa vào hàng vạn người chen vai thích cánh đứng dưới cái nắng tháng tư gay gắt để xem hội. Có thể nói, giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của hội Gióng chính là việc hiện tượng văn hóa này đã được bảo lưu, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách liên tục và toàn vẹn. Hàng nghìn năm nay, Lễ hội Gióng vẫn tồn tại nguyên vẹn một cách độc lập, bền vững, không bị nhà nước hóa và thương mại hóa như nhiều lễ hội khác. Đó là bởi chính ý thức giữ gìn văn hóa lễ hội của người dân các làng trong toàn xã Phù Đổng.

Tháng thiêng ở lòng dân
 
Truyền thống từ ngàn đời nay, tất cả mọi sinh hoạt tín ngưỡng trong lễ hội Gióng đều do lòng dân tự nguyện tham gia.
 
Với những nét độc đáo của mình, Lễ hội Gióng đã từ làng quê mà được thế giới vinh danh. Chỉ hơi tiếc một điều, nếu như không có sự việc “ẩu đả” tại Lễ hội Gióng xã Phù Đổng năm 2011, khiến ông Hiệu Vũ Văn Đức bị thương tật nặng nề, thì có lẽ lễ hội năm nay lực lượng an ninh không phải vào cuộc để giám sát gia nhân các gia đình ông Hiệu chặt chẽ như vậy.
 
Thánh thiêng ở lòng dân - ảnh 3 
Đoàn ông Hiệu chiêng xuất quân trong Lễ hội Gióng 2012    
(Ảnh: Tiến Dũng)
 
Việc mở hậu cung đền Thánh Gióng cho khách thập phương đến xem cùng  với vé vào là 10.000 đồng kèm theo một tấm poster quảng cáo di tích trong những ngày lễ hội cũng là việc cần xem lại. Hậu cung các đền chùa đình miếu xưa nay vẫn là chốn thâm nghiêm, ngay chính người dân địa phương cũng không được vào. Mặc dù theo lời của một vị trong Ban quản lí di tích thì việc mở cung Thánh trong ngày lễ hội đã có từ lâu. Nhưng xin đọc lại một đoạn trong bài viết Một lễ hội tôn giáo nước Nam (tại làng Phù Đổng – Bắc Kỳ) của G. Dumoutier, một tác giả người Pháp:
 
“Đền thờ thánh ở làng Phù Đổng gồm có ba gian lớn và song song nhau; hậu cung ở trong cùng là gian dành riêng cho Thánh, luôn được đóng kín và không ai có thể vào được. Một cụ từ trông coi chốn linh thiêng luôn chìm trong bong tối nay; ông ta không được phép để bất cứ ai đi vào gian phòng này cũng như không được phép để bất cứ ai biết được bên trong đó có gì nếu không sẽ bị nhận những hình phạt rất nặng nề”.
 
Hiện nay, những sản phẩm văn hóa quảng bá về Lễ hội Gióng là rất hiếm hoi. Nên chăng, chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích đền Phù Đổng tham khảo các nhà khoa học để in ấn những cuốn sách nhỏ giải thích về ý nghĩa độc đáo của Lễ hội Gióng, ví dụ như: tại sao tướng giặc lại là cô Tướng, còn các nàng áo đỏ, nàng áo đen đều là nam giới, vì sao cuối Lễ hội Gióng lại có màn giết hổ…
 
Diên Khải
(Hội Gióng Phù Đổng, tháng 4-2012)

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.