SOS tật bệnh mùa nắng nóng!

Chia sẻ

Mới chớm vào hè nhưng Hà Nội đã “nếm trải” những ngày nắng nóng cao độ. Cái nóng như thiêu đốt không chỉ làm người dân Hà Nội “ăn không ngon, ngủ không yên” mà còn đổ bệnh hàng loạt...

 
Cả nhà cùng nhập viện vì nắng nóng
 
Ngay trong đợt nắng nóng đầu tiên này, cả gia đình chị Nguyễn Thị Yến (ở Đống Đa, Hà Nội) đã có 5 người lần lượt nhập viện. Chị Yến “phụ trách” đưa 2 con nhỏ vào khoa Nhi – Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Sau đó đến lượt chị “đầu quân” tại BV Xanh Pôn. Chồng chị đưa mẹ đến khám tại BV Lão khoa Trung ương. Cả nhà đều có chung triệu chứng sốt cao, tiêu chảy do ăn phải thức ăn ôi thiu.
 
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai nhận định, trường hợp ngộ độc thực phẩm như gia đình chị Yến rất phổ biến trong mùa hè. Tại khoa Nhi của BV, lượng bệnh nhi tăng cao nhất trong mấy ngày nắng nóng chính là do mắc bệnh về đường tiêu hóa. Dự báo trong vài ngày tới sẽ “đến lượt” bệnh nhi bị nhiễm khuẩn, sốt virus, viêm đường hô hấp bởi các bệnh này cần có khoảng thời gian để lây bệnh.
 
SOS tật bệnh mùa nắng nóng! - ảnh 1
Trốn nắng chờ người thân khám bệnh tại BV Nhi
 
Không chỉ trẻ em-vốn được cho là có sức đề kháng kém, nắng nóng cũng “không tha” người lớn. Bác sĩ Đồng Văn Thành, Khoa Khám bệnh - BV Bạch Mai cho biết, những ngày qua, bệnh nhân tim mạch, khớp, thần kinh vào viện rất đông, tăng gấp đôi ngày thường (khoảng 80 – 90 bệnh nhân/ ngày). Riêng bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, suy tim, huyết áp vượt quá 30%. Thời tiết nắng nóng làm huyết áp ở người bệnh mãn tính, bệnh mạch vành, bệnh nhân sau can thiệp, bị van tim, suy tim… không ổn định. Nhiều người bệnh tiến triển nặng hơn, lên cơn đau cấp tính, phải nhập viện cấp cứu. Trời nóng cũng khiến thói quen sinh hoạt của người dân thay đổi. Bệnh nhân suy tim uống nhiều nước hơn sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn, dẫn đến suy tim nặng hơn.
 
Ngứa ngáy, mẩn da… cũng là lý do khiến nhiều người phải “chui” ra đường, bất chấp cái nắng thiêu đốt để đến BV Da liễu Trung ương. BS Nguyễn Lê Hoa-trưởng khoa Khám bệnh cho biết: Bệnh viện đã phải làm việc từ 6h30 sáng tới 5 giờ chiều mới “tải” nổi số bệnh nhân đổ về đây. “Trong đợt  nắng nóng, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân sần ngứa tới khám, tăng nhiều lần so với các thời gian khác trong năm”. Từ già trẻ, gái trai, thậm chí có cả những em bé…  mới sinh được vài ngày đã được mẹ bế đến viện khám.
 
Ngoài ngứa, nhiều người mắc viêm da dị ứng, lên chốc, nhọt, viêm nang lông, viêm kẽ. Ngứa có khi không chỉ ở một vùng của da và lan tỏa nhiều nơi, có trường hợp viêm da dị ứng nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét.
 
Chưa đến ngày khám thai định kỳ, nhưng chị Dương Thị Huyền, Thanh Xuân cũng đã phải tìm đến Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà để “chữa mệt”. Theo bác sỹ sản phụ khoa Lê Kim Dung, nắng nóng khiến cung lượng tuần hoàn của cơ thể người tăng lên, mồ hôi ra nhiều hơn nên bà bầu càng dễ suy kiệt nếu không được cung cấp đủ nước. Đặc biệt, nhiều bệnh virus có  nguy cơ tăng cao trong mùa hè, trong đó có những virus ảnh hưởng xấu tới thai nhi như rubella… khiến các bà mẹ tương lai càng lo lắng không yên.
 
Bệnh viện Tâm thần Hà Nội-nơi tưởng như “hạ nhiệt” hơn so với các bệnh viện khác-cũng trở nên quá tải trong dịp nắng nóng. Theo Giám đốc - bác sỹ Lý Trần Tình, có nhiều dạng bệnh tâm thần như bệnh hưng trầm cảm, bệnh tâm thần phân liệt thường nặng lên trong hè... “Thời tiết nắng nóng, người bình thường còn mệt mỏi, dễ cáu giận-nói chi đến người bị tâm thần”. Được phân 440 giường nhưng bệnh viện đã phải thực kê 460 giường bệnh, các bác sỹ tại viện cũng đang phải làm việc với cường độ vượt quá 50% năng lực.

Thói quen xấu làm phát sinh bệnh mùa hè
 
Gia tăng bệnh nhân trong mùa hè, không chỉ nằm ở căn nguyên bệnh lý mà còn bắt  nguồn từ chế độ, thói quen sinh hoạt không điều độ, chủ quan trong vệ sinh ăn uống của một số người dân. Bác sĩ Nguyễn Văn Kính – GĐ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hè năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn – một loại bệnh lây từ lợn sang người. Mỗi khi có dịch heo tai xanh bùng phát, số người mắc liên cầu khuẩn cũng tăng theo. Các trường hợp nghi ngờ hay nhiễm bệnh này đều tiếp xúc với heo bệnh hoặc ăn tiết canh, lòng heo, thịt heo chưa nấu chín kỹ. Cùng với bệnh liên cầu khuẩn, dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả cũng lăm le bùng phát trong mùa  hè 2012 này.
 
Theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo là một trong những nguyên nhân xuất hiện các bệnh nhân tả lẻ tẻ tại Hà Nội trong thời gian vừa qua. Mùa hè nóng nực, người dân có thói quen ngủ “không bỏ màn” để đón gió khiến nguy cơ mắc bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết hoặc sốt rét  cũng có  nguy cơ tăng cao.
 
SOS tật bệnh mùa nắng nóng! - ảnh 2
Nhìn nắng mà… sợ 
 
“Nhiễm lạnh” mùa nắng nóng, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và các bệnh liên quan đến dị ứng lại bắt nguồn từ tập quán sinh hoạt thiếu khoa học. Nhiều gia đình có thói quen bọc trẻ sơ sinh bằng chăn hoặc áo ấm ngay giữa mùa hè khiến trẻ túa mồ hôi dẫn tới nhiễm lạnh. Trẻ nhỏ cũng rất dễ bị viêm họng, viêm amidan do vừa đi ngoài trời hoặc hoạt động nhiều ra mồ hôi lại ra đứng ngay trước quạt hay ăn quá nhiều kem, uống nhiều nước đá. Thêm một đối tượng dễ “cảm lạnh” giữa mùa hè là nhân viên văn phòng. Điều hòa trong phòng kín thường được bật ở nấc thấp, chênh lệch quá nhiều so với ngoài trời nên nếu ai đó phải ra ngoài đột ngột rất dễ bị sây sẩm mặt mày, sốc, đặc biệt là những người bị bệnh tim, những người có tiền sử về huyết áp.
 
Đột quỵ ở người già cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong mùa hè. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Long – khoa Khám bệnh, Viện Lão khoa: “Nhiều người già vừa tỉnh giấc buổi sáng đã vùng dậy ngay khỏi giường; một số tập thể dục quá sớm khi sương đêm chưa tan hết; có cụ lại “ham tập tới mức ra ngoài trời vận động hoặc tưới cây ngay cả khi trời đã nắng nóng… khiến cơ thể không kịp thích ứng với môi trường”. Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Gái (85 tuổi, ở Cầu Giấy) vào Viện Lão khoa, được chẩn đoán bị tai biến do tăng huyết áp vì vận động quá sức.
 
Điều đáng nói, dù chỉ mắc các bệnh thông thường của mùa hè như viêm đường hô hấp, viêm phổi, sốt siêu vi trùng, rối loạn tiêu hoá… nhưng người dân lại sử dụng thuốc kháng sinh một cách vô tội vạ. TS. BS Phạm Kim Thanh - phòng khám Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đưa ra bằng chứng: hầu hết các bệnh  nhân tới viện khám đợt này đều đã từng sử dụng kháng sinh trước đó. Nhiều trường hợp đã bị loạn khuẩn đường ruột do kháng sinh. Như trường hợp một bệnh nhân nhi 4 tuổi, ở Lạc Long Quân, Hà Nội nhập viện vừa qua. Cháu bé ban đầu bị viêm đường hô hấp, sau khi gia đình cho uống kháng sinh đã bị tiêu chảy khá nặng. Gia đình lại tự ý mua thuốc kháng sinh cho con uống thêm đợt hai khiến bé vừa bị nhờn thuốc mà bệnh lại nặng hơn.

Dự báo nóng gay gắt vào tháng 6
 
Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài suốt cả tuần qua đã kết thúc, thời tiết có xu hướng dịu dần do xuất hiện rãnh gió mùa gây mưa rào nhẹ cục bộ. Song theo nhận định của ông Lê Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa xảy ra trên diện hẹp và lượng không lớn nên nhiệt độ chỉ giảm vài ba độ, nắng nóng giảm bớt nhưng chưa thể chấm dứt hoàn toàn.
 
Từ nay đến hết tháng 7/2012, các tỉnh miền Bắc trong đó có HN, còn có khả năng xảy ra khoảng 5-7 đợt nắng nóng trên diện rộng, mỗi đợt kéo dài từ 4-7 ngày. Về cường độ nắng nóng, ông Hải cho biết, tính từ đầu tháng 4 đến nay đã xảy ra 3 đợt nắng nóng. “So với năm ngoái, nhiệt độ năm nay nóng hơn nhưng với mức nhiệt độ cao nhất hiện nay (420C) chưa bằng năm 2010. Năm 2010 có đợt nóng vượt ngưỡng lịch sử, nhiệt độ trên 420C  diễn ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6  trong khi bây giờ mới đang ở đầu tháng 5”. Vì vậy, ông Hải nhận định, trong tháng 6 có thể có những đợt nắng nóng gay gắt.
 
Theo Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, khi nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao từ 370- 420C có thể sẽ bùng phát nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả, tay chân miệng, sốt xuất huyết… trong đó đặc biệt tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp nên người dân phải hết sức đề phòng.   
 
 Để “sống khỏe” trong mùa hè
 
  Để đảm bảo sức khỏe trong thời tiết nóng nực, oi bức, các bác sĩ khuyến cáo trước tiên người dân phải uống đủ nước. Nhu cầu nước tối thiểu/ngày cho một người là 2,5 lít nước. Những người làm việc ngoài trời, phải vận động nhiều, lượng  nước “nạp” vào phải nhiều hơn, khoảng 3- 4 lít/ngày. Theo bác sỹ Lê Kim Dung, trong mùa hè, những món ăn nguội rất tốt để giải nhiệt. Chẳng hạn các gia đình có thể nấu súp nguội, canh nguội để ăn. Ngoài ra để phòng viêm họng và nhiễm lạnh mùa hè cần  phải sử dụng máy điều hòa, quạt hợp lý.  Điều hòa nhiệt độ trong phòng nên duy trì ở mức 24-26ºc, chênh không quá 80c so với thời tiết bên ngoài. Không nên nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp, kể cả với quạt gió. Có thể bật quạt hướng thẳng vào tường, phía chân khi ngủ. Với cách này, hơi mát từ quạt có thể lan tỏa khắp phòng mà vẫn đảm bảo độ mát cho người sử dụng. 
 
 
 
 Nhóm P.V

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.