Trầm cảm - sát thủ giấu mặt

Chia sẻ

ĐSGĐ-Theo thống kê, khoảng 1/5 nữ giới và 1/15 nam giới bị trầm cảm ít nhất một lần trong cuộc đời. Hơn một nửa trong số đó về sau tiếp tục bị trầm cảm ít nhất 1-2 lần mỗi năm.

 
Trầm cảm là gì? Theo các bác sỹ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, đó là cảm giác buồn sâu sắc, có thể xảy ra sau một chuyện buồn hay do các sự cố không vui nhưng mức độ buồn và kéo dài quá mức thông thường, không tương ứng với sự cố. Đây là một bệnh lí của não bộ chứ hoàn toàn không phải là một cảm giác buồn bã hay chán nản, thất vọng thông thường thoáng chốc mà ai cũng có thể trải qua trong cuộc sống.
 
Trầm cảm - sát thủ giấu mặt - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Trầm cảm là một bệnh lí nghiêm trọng, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, thái độ cư xử và sức khỏe bệnh nhân; chứ không phải là một sự yếu đuối. Nó có thể xảy ra với bất kì ai, ở bất kì độ tuổi nào; ở mỗi đối tượng khác nhau có những biểu hiện khác nhau.
 
Ở những lần đầu tiên, khởi đầu của bệnh có thể không rõ ràng và ngắn ngủi, tuy nhiên nếu không được để ý và điều trị, nó có thể tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn, thành một hội chứng bao gồm: khí sắc buồn bã, nặng nề, cáu kỉnh, dễ bị kích thích kéo dài ít nhất 2 tuần, kèm theo là những thay đổi đáng kể về giấc ngủ và sự ngon miệng, giảm năng lượng và khả năng tập trung và trí nhớ, mất quan tâm thích thú với những công việc và các triệu chứng mặc cảm tự ti, buồn rầu, trống vắng… Khi bệnh đến độ trầm trọng, người bệnh trở nên chán nản, tuyệt vọng đến nỗi họ dường như muốn chết hơn là muốn sống, thậm chí có ý định hoặc hành vi tự tử.
 
Trầm cảm làm cho người ta tối tăm trong tư duy, xói mòn cuộc sống và nghề nghiệp của cá thể và tăng nguy cơ bị nhiều bệnh khác. Nguy hại nhất là nguy cơ tự sát khi nam giới bị trầm cảm, nhiều hơn nữ gấp 4 lần.
 
Trầm cảm ở phụ nữ: Có những triệu chứng như: Buồn, âu sầu hoặc hay khóc; thờ ơ, không thấy thích thú gì với những công việc vẫn làm (kể cả chuyện tình dục); có cảm giác phạm tội, tuyệt vọng hoặc thấy mình chẳng có giá trị gì, có ý nghĩ tự tử, ngủ quá nhiều hoặc không ngủ được hoặc ngủ li bì đánh thức cũng không tỉnh; không có cảm giác thèm ăn và gầy đi hoặc ăn quá nhiều và béo lên; cảm giác mỏi mệt rã rời hoặc uể oải – không tập trung chú ý được và không quyết định được việc gì; cảm thấy trên thân thể đau đớn mà điều trị cũng không đỡ.
 
Trầm cảm - sát thủ giấu mặt - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Một số triệu chứng hay gặp:
 
+ Thay đổi về giấc ngủ: khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thuờng nhưng khi ngủ dậy lại thấy mệt mỏi, ngủ không đủ.
 
+ Thay đổi về ngon miệng: thường giảm ngon miệng nhưng cũng có khi lại ăn uống rất nhiều, do đó có thể sụt cân hoặc tăng cân bất thường.
 
+ Mất khả năng tập trung và khả năng tự quyết định.
 
+ Mất năng lực.
 
+ Mất sự quan tâm thích thú.
 
+ Tự ti.
 
+ Cảm giác tuyệt vọng.
 
Nguyên nhân bệnh trầm cảm: Có rất nhiều nguyên nhân, nhiều bệnh nhân lại tự nhiên mắc bệnh mà không thấy có liên quan gì tới bất kì một khủng hoảng nào trong cuộc sống. Tuy nhiên có một nguy cơ liên quan đến bệnh trầm cảm như: di truyền, những biến cố sang chấn tinh thần, sự lạm dụng rượu hay thuốc..., thậm chí cả nhân sinh quan của bệnh nhân đối với cuộc sống cũng có thể góp phần hình thành căn bệnh này.
 
Điều trị bệnh trầm cảm như thế nào: Bệnh trầm cảm đáp ứng tốt với điều trị, khoảng 80% bệnh nhân trầm cảm nặng có thể cải thiện và trở lại cuộc sống bình thường chỉ trong vòng vài tuần lễ; với những bệnh nhân có nguy cơ bị trầm cảm trở lại thì phải điều trị liên tục và kiểm soát bệnh tốt. Có 3 phương pháp điều trị cơ bản là: dùng thuốc, điều trị tâm lí liệu pháp và sốc điện. Có thể điều trị riêng rẽ hoặc kết hợp các phương pháp này. Sự cải thiện có thể được xác định một cách chắc chắn sau 3-4 tuần điều trị. Cần lưu ý các thuốc chống trầm cảm không hề gây cho bệnh nhân đờ đẫn; việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm cần phải tương hợp với cuộc sống bình thường, khi dùng thuốc có thể gặp một số tác dụng phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Điều trị (Chung cho nam và nữ)
 
Omega-3 đang được coi là thứ thuốc có tác dụng chống trầm cảm, cần uống từ 2 – 3 g, có trên thị trường dưới dạng viên nang hay dạng dầu.
 
Vitamin bổ sung như vitamin E (800 UI mỗi ngày), vitamin C (1g mỗi ngày) và selenium (200 gama mỗi ngày) để tránh cho Omega-3 không bị ôxy hóa trong cơ thể.
 
Các thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (Prozac, Zoloft…), thuốc chống trầm cảm 3 vòng TCA (Norpramin, Parmelor…) đang là những thuốc được dùng nhiều kết hợp với tâm lý liệu pháp…./.
 
Những lưu ý khi điều trị bệnh trầm cảm:
 
Không nên cố gắng làm việc bằng bất cứ giá nào.
 
+ Không nên lấy lý do bị trầm cảm để bào chữa cho các vấn đề khó khăn của bản thân trong công việc.
 
+ Không nên đưa ra những quyết định có tính chất ảnh hưởng đến tương lai trong thời gian đang điều trị.
 
+ Không nên ngưng việc.
 
+ Không uống bia, rượu với bất kì lí do nào.
 
+ Không ngưng thuốc đang dùng hoặc tự ý tiếp tục dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị.
 
    Hải Nguyệt
    (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.