Nhà văn Thu Huệ: Tôi chỉ ghét kiểu người đê tiện, biến thái thôi…

Chia sẻ

PNTĐ-Sau một thời gian dài mải mê với công việc của một biên kịch, bận rộn với lĩnh vực truyền hình, Nguyễn Thị Thu Huệ đã trở lại với bạn đọc.

 
“Đi vắng” 5 năm và “trở về” bằng tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng”, chị có thể nói một chút về tác phẩm mới nhất?
 
NTTH: Năm năm qua, tôi di chuyển nhiều, thay đổi môi trường sống, biết đời sống nhiều hơn với muôn mặt của nó. Từ cảm giác bình yên cả ngày chỉ nghe đi nghe lại một bản nhạc, hay ngồi mãi, ở một quán cà phê góc đường của một thành phố vừa xa, vừa lạ, nhưng yêu nó tới thắt ruột khi chia tay. “Thành phố đi vắng” là một con đường, chạy song song với con đường hàng ngày tôi đi, một cõi riêng và giờ, tôi rủ người đọc đi với tôi con đường riêng đó.      
 
Nhà văn Thu Huệ: Tôi chỉ ghét kiểu người đê tiện, biến thái thôi… - ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
 
- Trong phần lớn những truyện ngắn của chị ở tập “Thành phố đi vắng”, tôi thấy rất ám ảnh số phận các nhân vật nữ, họ thường gánh vác một cuộc đời không bằng phẳng, hay nhầm lẫn các giá trị và nhiều khi tự… chuốc họa vào người. Theo quan sát của chị, họ có phải là số đông trong đời sống?
 
NTTH: Họ không chỉ là số đông, mà rất đông. Những người phụ nữ nếu không cam chịu thì bị ám ảnh bởi những ràng buộc, bị chi phối bởi thói quen và đủ thứ định kiến của gia đình, họ hàng, xã hội, đôi khi từ… hàng xóm. Nói gì thì nói, phụ nữ Việt Nam có tài giỏi đến đâu, hiện đại đến đâu vẫn phải tồn tại trong một môi trường chung, thở bầu không khí chung, có thể có những bứt phá, nhưng không thay đổi được điều gì lớn lao. Đấy là khách quan.
 
- Thế còn về chủ quan?
 
NTTH: Về chủ quan, số đông phụ nữ với chính bản thân mình không tự cởi trói bởi những gì khách quan tác động, nhầm lẫn những giá trị, tự quàng vào cổ mình những cái gông vô hình, đầy ngộ nhận và bế tắc. Suy cho tới cùng, có lẽ, một phần do thiếu hiểu biết, không phấn đấu phát triển tri thức, để thay đổi suy nghĩ của mình và đời sống với cộng đồng.
 
- Trên xe buýt, hay thậm chí là trong bệnh viện, vẫn còn cảnh những bà bầu không những không được đàn ông nhường ghế mà còn bị… ngồi tranh nữa. Chị có bình luận hay lý giải gì về hiện tượng thiếu văn minh, thậm chí phản cảm nhưng khá phổ biến này?
 
NTTH: Ta nên nói ngược lại một chút về phần gốc của vấn đề. Xuất hiện những người đàn ông như vậy, là do sự thiếu giáo dục của gia đình, nhà trường. Phần lớn các gia đình Việt Nam rất quan tâm đến chuyện sinh con nhưng không chú ý đến chuyện dạy đứa trẻ đó những bài học làm người, điều đó càng bộc lộ khi xã hội phát triển. Đi máy bay cũng như xe đò, quần đùi may ô, khạc nhổ thoải mái, ngáp hay ông ổng điện thoại chuyện riêng cho cả một phòng chờ vài trăm người nghe là chuyện quá bình thường có thể thấy ở khắp nơi. Chúng ta đánh giá việc phát triển dân số là quan trọng, không cần biết cái đám đông ngày càng đông đó sẽ tồn tại kiểu gì, ngoài chuyện cơm đủ ăn, áo đủ mặc thì mỗi một con người còn cần những gì để dần hoàn thiện? Tôi thấy, người ta bây giờ hớt hải quá. Nhiều khi lao phầm phập chỉ để đến một quán bia buổi trưa, ngồi ở đó chém gió tới tối rồi lê ra đường như cái giẻ lau nhà, ông say này vắt ông say khác lên vai… 
 
Nhà văn Thu Huệ: Tôi chỉ ghét kiểu người đê tiện, biến thái thôi… - ảnh 2
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, ủy viên Thường vụ BCH Hội nhà văn VN
  nhận poster tác phẩm “Thành phố đi vắng”do ông Nguyễn Minh Nhật -
Giám đốc NXB Trẻ  trao tặng
 
- Nhưng phụ nữ cũng có nhiều… thói xấu đấy chứ? Tại sao trong tác phẩm của mình chị lại có vẻ bênh vực họ?
 
NTTH: Thực sự, từ lâu tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho phụ nữ. Với tôi, phụ nữ có thành đạt đến đâu, bề ngoài có vẻ sung túc an nhàn đến đâu, vẫn khổ hơn đàn ông. Phụ nữ hết mang nặng đẻ đau, lo toan bởi bao ràng buộc bởi họ hàng, những quan hệ… và người phụ nữ Việt Nam lại càng chịu nhiều áp lực.  
 
- Chị không sợ mất đi một lượng độc giả từ cánh mày râu hay sao?
 
NTTH: (Cười) Không những bị cánh mày râu ghét, ngược lại, thấy quý hơn. Nhiều bác, chú, anh gọi điện, nói: “Cô đi guốc vào bụng chúng tôi, nhưng chưa đủ đâu, còn kinh hơn nhiều đấy”. Có hai anh rất thân, thành công trong sự nghiệp và gia đình, nhắn tin “Ước gì, anh là Xmen” trong “ Xmen có mùi trường đua”.
 
Một điều nữa, đàn ông trong “Thành phố đi vắng”, nhiều người đáng giá lắm chứ. Tôi chỉ ghét kiểu người đê tiện, biến thái thôi. Mà kiểu đấy, không chỉ ở đàn ông, phụ nữ cũng có.
 
- Ngoài đời, nếu gặp phải cách hành xử không đẹp của phái mạnh chị sẽ phản ứng thế nào?
 
NTTH: Ngày trước là phản ứng khá gay gắt. Bây giờ, thì quay đi, vì biết mình có góp ý, người ta cũng không hiểu. Mình không thể thay đổi được thói xấu của một người đã xấu mấy chục năm. Tốt nhất là tránh đừng phải nhìn, hay tiếp xúc với những người như vậy.
 
- Viết văn, làm biên tập phim truyền hình mang lại những giây phút giải trí cho công chúng, thế còn bản thân chị, chị thường thư giãn bằng cách…?
 
NTTH: Đọc sách, xem phim ngoài rạp hay mua đĩa về xem. Nhiều lúc, tôi quá căng thẳng vì lý do này khác, lập tức, tự tìm cách giải thoát bằng cách chọn một bộ phim hay (do biết ai là đạo diễn, ai là diễn viên chính) và chìm đắm vào câu chuyện của phim. Hoặc đọc cuốn sách của tác giả mình thích, đôi khi đọc lại cuốn đã đọc rồi. Nhiều thời gian hơn thì đi xa, về miền biển, chơi với những người nông dân, nghe họ nói những câu chuyện hàng ngày rất bình dị… Giải trí của tôi là tự đi sang một lối khác, để thoát khỏi cảm giác ức chế để rồi bình tĩnh quay trở lại.
 
- Gia đình có vị trí thế nào với chị?
 
NTTH: Là nhất. Mấy mẹ con, bà cháu quây quần với nhau. Tôi hay đùa, nhà tôi mọi người dính với nhau thành một chùm.
 
- Trong một xã hội nhiều biến động với sự khó phân định các giá trị như hiện nay, làm mẹ của những hai cậu con trai đang vào tuổi trưởng thành thật không dễ, chị đã định hướng cho các con thế nào?
 
NTTH: Tôi có nhiều việc làm và nói với các con. Sau mỗi sự việc hay trước một vấn đề, đều có chuyện để nói chuyện, tâm sự, không dạy bảo hay mắng nhiếc, áp đặt. Tôi và hai con như là bạn. Chúng không giấu tôi điều gì. Tôi cũng vậy. Tôi luôn tạo sự tự lập cho các con, không ép chúng học có điểm cao những môn chúng không thích. Tôi luôn coi trọng ý thức công dân và sở trường cá nhân của từng người. Mỗi người nên có một chuyên môn giỏi, sống nhân hậu, bao dung. Tôi kính trọng những ai làm ra điều gì có ích cho cuộc sống, dù là nhỏ. Tôi đặc biệt ghét người một là cơ hội, thủ đoạn, hai là lười, mở miệng ra là chê bai, đổ lỗi…
 
Gần đây, thêm loại “chém gió như thần” cũng đáng khinh. Nói chung, để hoàn thiện một con người, là cả một quá trình dài, giống như cái cây, hàng ngày vẫn cao lên, lá vẫn ra, nhưng mắt thường không trông thấy.
 
- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

 “Thành phố đi vắng” là tên tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, gồm 16 truyện ngắn được chị viết trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong những sắc lạnh câu chữ, người đọc thấy hiện lên một sự trăn trở, xa xót trước những thật giả lẫn lộn, trước sự sa sút, xuống cấp của các giá trị trong đời sống. Tuy vậy, Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, không hẳn chị đã mất niềm tin vào con người, chị biết vẫn có những người đau đáu làm những điều tốt, những thứ có ích cho cộng đồng.
 
Dương Tử

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.