Muôn thưở chuyện các con chồng “hành” mẹ kế

Chia sẻ

ĐSGĐ-Người xưa đã đúc kết: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Thế nhưng, không ít con chồng “hành” lại dì ghẻ, khiến cho mối quan hệ càng thêm phức tạp.

 
Không đội trời chung
 
Khi đồng ý cưới anh Quân,  gia đình chị Thanh bị gia đình phản đối rất gay gắt, nhất là mẹ chị. Bà ngoại từng làm mẹ kế. Các con riêng của ông ngoại đã đối xử lạnh nhạt, bất công với bà ngoại như thế nào, mẹ chị thấm thía nhất. Nhưng khuyên can mấy, Thanh vẫn quyết định làm vợ Quân và chuẩn bị tinh thần để “làm mẹ kế” của cậu con trai kém chị… 10 tuổi.
 
Nghe mọi người kể về sự phức tạp của mẹ kế - con chồng, chị Thanh đã lên kế hoạch từ trước. Thế nhưng, chị không lường trước được rằng, con trai chồng chị lại thể hiện ra mặt như vậy. Ngay từ ngày đầu tiên, Tuấn đã tỏ rõ thái độ bất hợp tác với chị. Trong nhà, Tuấn mặc nhiên coi như không có mặt chị, chỉ cười nói với bố và bà giúp việc lớn tuổi. Đi đâu, làm gì, cậu đều chỉ tâm sự với bố. Thậm chí, Tuấn chỉ xưng “chị - tôi” với mẹ kế. Nhà có thêm người, nhưng chưa bao giờ các con anh coi chị là người trong nhà.
 
Muôn thưở chuyện các con chồng “hành” mẹ kế  - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Có tuần, bà giúp việc về quê, chị Thanh vào bếp chuẩn bị cơm cho cả nhà. Tuấn lầm lỳ xuống ăn cơm rồi phủi quần đứng dậy. Chị cố gắng gần gũi, chăm sóc chu đáo, gắp miếng nào thì Tuấn bỏ ra đĩa miếng đó. Anh Quân nhắc nhẹ thì cháu bảo: con không thích. Thấy thằng bé khó chiều, chị im lặng, nhẫn nhịn, mong thằng bé sớm hiểu ra sự quan tâm đó. Tối đến, chị pha sữa cho con trai uống trước khi đi ngủ thì Tuấn hất hàm: “Tôi đang học, không có thời gian uống sữa”. Chị để trên mặt bàn, hi vọng khi chị ra ngoài, Tuấn sẽ chịu uống. Nhưng sáng ra, cốc sữa vẫn y nguyên. Chị tủi thân rơi nước mắt.
 
Hôm đi chợ, chị Thanh vô tình nhìn thấy Tuấn tụ tập nhóm bạn, phì phèo thuốc lá. Chị hớt hải chạy đến nhắc cháu, vì Tuấn mới chỉ là học sinh cấp ba. Thế nhưng, thay vì nghe lời mẹ, Tuấn nói với nhóm bạn: “Mẹ kế của tao đấy. Gái quê, chỉ hơn tao 10 tuổi thôi” rồi cười lớn. Thấy bị xúc phạm, chị tát Tuấn một cái rõ đau. Tuấn không sợ hãi mà còn gay gắt: “Chị không bao giờ thay thế mẹ tôi được”. Chị Thanh sững người, nước mắt cứ thế tuôn rơi.
 
Thấy con trai bướng bỉnh, nhiều lần, anh Quân trở thành người hòa giải, gắn kết nhưng không thành. Anh chỉ biết động viên vợ cố gắng, sự quan tâm chân thành của mình rồi con  sẽ hiểu. Nhưng anh đâu biết, Thanh đã quá mệt mỏi khi cậu con trai anh luôn coi chị là tội đồ, là kẻ ăn bám gia đình anh, phá vỡ hạnh phúc của bố mẹ nó.
 
Chị Hoa cũng vất vả lắm mới chấp nhận được những độc chiêu, mánh khóe của con chồng. Chia tay vợ một thời gian, anh Minh nhận nuôi cô con gái thứ hai đã 8 tuổi. Bình thường, con bé cũng ham nói, ham cười, nhưng từ khi anh cưới vợ hai, thì con bé lầm lỳ, ít nói, lảng tránh anh và mẹ kế. Từ dỗ dành, rồi mắng mỏ anh Minh cũng không thể làm cho con gái chấp nhận mẹ Hoa. Hôm đám cưới, gia đình nội có dỗ khản giọng cũng không lôi được con bé đi dự. Anh Minh thường xuyên đi công tác, ở nhà lại có hai mẹ con. Con bé khi thì đòi về nhà mẹ đẻ, khi lại xin đi chơi về muộn, chị nhắc thì cháu viện đủ lý do để biện minh. Học hành của con bé cũng xuống đi. Không bảo ban được, chị Hoa kể cho chồng nghe.
 
Nào ngờ, con bé khóc lóc, vùng vẫy, kể tội mẹ kế bằng những câu chuyện có thêu dệt thêm, khiến không ít lần anh Minh giận vợ. Không ít lần, chị Hoa tủi thân mà khóc. Có lần, con bé vừa khóc vừa hét lên: “Vì cô nên bố mới bỏ mẹ cháu. Bố cháu hay mắng cháu cũng vì cô. Cô đi đi…” Chị Hoa điếng người. Hóa ra, vì suy nghĩ đó mà con bé ghét chị đến thế.
 
Muôn thưở chuyện các con chồng “hành” mẹ kế  - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
“Bà chỉ là mẹ kế của tôi”
 
Chỉ vì phân thiệt hơn tài sản mà con trai của chồng bà đã có hành vi lỗ mãng, gây thương tích cho người mẹ kế bao năm chăm sóc mình.
 
Năm 25 tuổi, bà Hiền (Mê Linh, Hà Nội) đem lòng yêu một chàng thanh niên trên đường nhập ngũ ngang qua làng rồi ôm ấp mối tình đó mãi đến hơn 40 tuổi. Bao nhiêu người muốn chở che, bà đều từ chối. Thế mà chỉ vì thấy thương cảnh “gà trống nuôi con” của ông Chí, bà chấp nhận làm mẹ kế của hai người con chồng. Lấy ông, bà không có tài sản riêng, cũng không thể sinh thêm con chung. Bà cần mẫn làm ăn, dành yêu thương trọn vẹn vào hai đứa con chồng, hi vọng lúc tuổi già, các con thấu tình mẹ nuôi mà chăm sóc, phụng dưỡng.
 
Bà Hiền không phải là mẹ ruột nhưng công nuôi nấng con chồng thì ai cũng phải ngưỡng mộ. Khi con ốm nặng, bà thức đêm chăm sóc. Cưới xin, bà lo từ A đến Z. Rồi các cháu lần lượt ra đời, bà chăm bế, nâng niu, ôm ấp từ khi còn đỏ hỏn. Chúng lớn lên trên đôi tay bà, được bà bón cơm, nghe bà ru ngủ, rồi bà đưa đi học… Thế mà con trai chồng bà lại đối xử tệ bạc, thậm chí đánh thương tích chỉ vì mảnh đất bà đang ở để thờ phụng chồng.
 
Không tu chí làm ăn, đứa con trai đổ đốn, rượu chè bia bọt, rồi cờ bạc. Thiếu tiền, anh ta gán xe máy để chơi, sáng mai vợ lại tất tả chạy vạy chuộc xe về. Chuyển đổi đất, bà Hiền được hưởng một khoản tiền, dự định sửa lại căn nhà cấp bốn dột nát để ở, làm nơi thờ cúng ông. Đứa con ngon ngọt nghĩ kế chiếm đoạt số tiền đó. Không những thế, anh ta lăm le ngó vào mảnh đất mà bà đang ở - theo di chúc, sau khi bà mất sẽ dùng để làm nhà thờ họ. Đứa con tuyên bố “tài sản đó là của tôi, bà lấy bố tôi chỉ là vợ, không có quyền gì cả…”. Để đòi tiền và đòi nhà, nhiều lần đứa con gây sự, đánh đuổi mẹ kế ra khỏi căn nhà được thừa kế đó. Có lần, bà Hiền phải nhập viện vì thương tích. Không chịu được nữa, bà Hiền phải tố cáo ra pháp luật.
 
Muôn thưở chuyện các con chồng “hành” mẹ kế  - ảnh 3
Ảnh minh họa
 
Hóa giải xung đột không hề khó
 
Câu chuyện mẹ kế, con chồng luôn là câu chuyện dai dẳng trong cuộc sống. Ngày xưa, truyện cổ tích Tấm Cám khiến người ta nhớ đến chuyện những bà mẹ kế gian ngoan, ghê gớm, đối xử với con chồng như con ở, kẻ hầu thì nay, các cô chiêu, cậu ấm con chồng cũng… không vừa. Không ai muốn gây xích mích, mâu thuẫn trong gia đình cả. Nhưng làm thế nào để hóa giải mâu thuẫn đó, nhất là những đứa trẻ luôn nghĩ về mẹ kế là người xấu xa “cướp” mất bố của mình?
 
Theo các chuyên gia tư vấn, các cô gái lấy chồng đã có con riêng nên chuẩn bị tâm lý trước về mối quan hệ phức tạp theo hình tam giác: vợ - chồng, chồng – con ruột, vợ - con riêng. Các mối quan hệ này đan xen nhau, quyền lợi và tình cảm ảnh hưởng đến nhau, do đó, người phụ nữ phải khéo léo, linh hoạt để không khí gia đình hòa thuận nhất.
 
Thông thường, các cô gái, nhất là cô gái trẻ vẫn mong nhận được sự yêu thương và ủng hộ từ chồng thể hiện trong cách ứng xử hằng ngày, nhưng trước mặt con riêng của chồng, điều này phải hết sức tế nhị. Bởi đôi khi, đứa trẻ nhìn vào lại có suy nghĩ người mẹ kế đang “bắt nạt” hay điều hành bố của mình. Có lúc, đứa con muốn giành hết sự quan tâm của bố cho mình, nên không muốn san sẻ tình cảm với người phụ nữ khác. Lúc đó, chính phụ nữ là người “nhường nhịn”, chịu thua thiệt một chút để trẻ có cảm giác “không mất bố” khi có dì hai. Còn đối với con chồng, sự yêu thương và quan tâm chân thành, ở mức độ vừa phải, không quá chiều chuộng cũng không quá nghiêm khắc, không phải chuyện gì cũng kể cho chồng nghe mà có thể cùng con chồng giải quyết… Dần dần, các cậu ấm, cô chiêu cũng sẽ cảm nhận được tình yêu thương đó.
 
Trường hợp chị Thanh và chị Hoa không lường trước được mức độ phức tạp của sự việc, nên dẫn đến “ngậm đắng nuốt cay”, nhẫn nhịn chịu đựng. Nghiêm khắc đúng mực cùng với sự kiên nhẫn, khéo léo, từng bước tháo gỡ mâu thuẫn từ tâm lý của con cái là bí quyết để kéo gần khoảng cách đối với con chồng.
 
Riêng đối với trường hợp bà Hiền, hành vi của con chồng là vi phạm đạo đức và pháp luật. Nhưng nếu như bà Hiền rành mạch hơn chuyện tiền nong, đất cát từ trước, thì cậu con trai của chồng bà sẽ không có cớ “nhũng nhiễu”, gây sự. Tạo cho mình một “chỗ đứng” trong gia đình chồng rất cần thiết đối với những “người đến sau”, không chỉ về mặt tình cảm, sự tôn trọng mà còn là quyền sở hữu hợp pháp theo quy định.
 
    Mộc miên

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.